Tỷ giá hạ nhiệt, vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

11:26 | 18/09/2024

|
Dù nền kinh tế vĩ mô trong nước tích cực, tỷ giá hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất, chứng khoán Việt vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Vùng giá 1.250-1.280 và xa hơn là mốc 1.300 điểm vẫn khiến VN-Index và nhà đầu tư chứng khoán mắc kẹt.

Dù nền kinh tế vĩ mô trong nước tích cực, tỷ giá hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất, chứng khoán Việt vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Vùng giá 1.250-1.280 và xa hơn là mốc 1.300 điểm vẫn khiến VN-Index và nhà đầu tư chứng khoán mắc kẹt.

Áp lực tỷ giá giảm dần

Trong những tuần gần đây, tỷ giá USD liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đã đồng loạt giảm sâu.

Giá USD trên thị trường thế giới cũng giảm, với chỉ số USD Index (DXY) đã giảm 5,4% so với đỉnh trong năm 2024, giảm 3,6% tính riêng từ tháng 8 đến nay. Tỷ giá USD/VND hiện ở mức 24.625, tăng 1,5% so với thời điểm đầu năm nhưng giảm 3,4% so với đỉnh lịch sử.

Tỷ giá hạ nhiệt, vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD cuối tuần qua đã giảm xuống mức 24.543 VND/USD, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. So với hồi cuối tháng 7, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm khoảng 2,8%.

Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục lao dốc. Ghi nhận đến cuối tuần qua, giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.730 – 24.750 VND/USD, trong khi mua vào ở mức 24.360 – 24.400 VND/USD.

Cụ thể, Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống hiện niêm yết tỷ giá ở mức 24.360 - 24.730 VND/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm khoảng 700 đồng, tương đương mức giảm 2,7%. Qua đó, thu hẹp mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay còn 1,3% từ mức đỉnh điểm 4,3% ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7.

Trên thị trường tự do, giá USD đang được các điểm thu mua ngoại tệ giao dịch tại 24.930 VND/USD ở chiều mua và 25.030 VND/USD ở chiều bán. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn gần 1.000 đồng, tương đương giảm 3,8%.

Chứng khoán hưởng lợi

Thông thường thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi tích cực bởi tỷ giá hạ nhiệt giúp chi phí nhập khẩu giảm xuống sẽ tác động tích cực tới nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Đồng thời, áp lực tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành thúc đẩy chính sách đầu tư công và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, cũng có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng tốc tạo thu nhập ổn định cho người lao động, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng, qua đó tác động tới thị trường chứng khoán.

Tỷ giá hạ nhiệt, vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

Thực tế, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng. Cụ thể, nhà điều hành đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu và giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4,25%, nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi cả lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu đều được tăng lên 4,5% từ mức 4,0% và 3,9% tương ứng hồi đầu năm.

Sau một loạt động thái mang tính nới lỏng của NHNN và diễn biến giảm sâu của tỷ giá, giới phân tích cũng không loại trừ khả năng Nhà điều hành sẽ tăng tỷ giá mua USD tại Sở Giao dịch để bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối (như giai đoạn cuối năm 2022). Trước đó, trong quý 2 và đầu quý 3, NHNN đã bán ra lượng lớn ngoại tệ (ước tính vào khoảng 6 tỷ USD, tương đương mức ngoại tệ mua được của cả năm 2023) nhằm đối với với áp lực tỷ giá.

Vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

Dù nền kinh tế vĩ mô trong nước tích cực, tỷ giá hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất, chứng khoán Việt vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Vùng giá 1.250-1.280 và xa hơn là mốc 1.300 điểm vẫn khiến VN-Index và nhà đầu tư chứng khoán mắc kẹt.

Tỷ giá hạ nhiệt, vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

Theo các chuyên gia, sự bán ròng liên tục của khối ngoại đã tạo ra tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư cá nhân. Ông Phan Thành Nghiệp từ Công ty Chứng khoán DNSE (DSE) nhận định, nhà đầu tư hiện không chỉ quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp niêm yết mà còn theo dõi các yếu tố quốc tế và chính trị. Việc Mỹ và Trung Quốc đối mặt với nguy cơ suy thoái khiến nhà đầu tư lo ngại.

Ông Trần Quốc Toàn từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho biết, thị trường chưa tìm được nhóm ngành dẫn dắt dòng tiền, khiến thiếu sự kích thích tâm lý tích cực. Khối ngoại đã bán ròng khoảng 66.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Ghi nhận gần đây cho thấy tốc độ bán ròng của khối ngoại đã giảm. Việc Fed giảm lãi suất có thể kích thích dòng tiền từ Mỹ chuyển hướng sang các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Ông Lê Tự Quốc Hưng từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định, dòng vốn ngoại đã bắt đầu trở lại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, mặc dù quy mô vẫn còn nhỏ.

Trong ngắn hạn, các yếu tố như thiên tai và lũ lụt có thể làm giảm lòng tin của nhà đầu tư song thông tin tích cực như kết quả kinh doanh khả quan và lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ có tác động tích cực. Ông Hưng kỳ vọng, khi các kết quả kinh doanh được công bố và VN-Index giữ ở mức hiện tại với định giá P/E hấp dẫn, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường.

Trong bối cảnh thế giới có những yếu tố khó lường tác động đến thị trường chứng khoán, theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC, nhà đầu tư cần lưu ý tình hình nền kinh tế Mỹ và bước đi của FED. Hành động của FED trong các tháng cuối năm nay là đặc biệt quan trọng và cần được theo dõi sát sao vì có thể nó sẽ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Trong trường hợp FED thực hiện cắt giảm lãi suất một cách mạnh tay thì có thể gây nên sự lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế hay không? Các chỉ số vĩ mô khác như tăng trưởng GPD, CPI, PCE của Mỹ là cần được xem xét kỹ để có bức tranh tổng quan.

Bên cạnh đó, một rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chính là tình hình địa chính trị toàn cầu đang khá căng thẳng. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy các xung đột tại Trung Đông có thể giảm dần trong tương lai, nhưng những diễn biến này vẫn khó đoán và khó dự báo. Một cuộc chiến quy mô lớn có thể khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát, làm cho FED gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Cuối cùng, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi) là yếu tố “thiên nga đen” bất ngờ trong nước khi cơn bão tác động trực tiếp vào miền Bắc. Các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản bị ảnh hưởng lớn, cả nguồn vốn NSNN nhằm hỗ trợ khắc phục thiệt hại là không nhỏ, kéo theo rủi ro về tăng trưởng kinh tế chậm lại, không đúng theo kế hoạch.

Nguồn:Tỷ giá hạ nhiệt, vì sao chứng khoán Việt chưa thể bứt phá?

Trung Anh

thuongtruong.com.vn