Đồng Nai: Đầu ra trái xoài bấp bênh vì yếu khâu chế biến

07:15 | 11/05/2023

|
Xoài là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 12 ngàn ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 113 ngàn tấn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nông dân đua nhau chặt bỏ cây xoài vì đầu ra bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
Đồng Nai: Ngành Công nghiệp, bệ đỡ tăng trưởng kinh tế, sụt giảmĐồng Nai: Ngành Công nghiệp, bệ đỡ tăng trưởng kinh tế, sụt giảm
Đồng Nai: Thuốc lá điện tử Đồng Nai: Thuốc lá điện tử "tấn công" trường học
Đồng Nai: Đầu ra trái xoài bấp bênh vì yếu khâu chế biến
Chế biến xoài keo tại một doanh nghiệp chế biến trái cây ở xã Phú Túc (H.Định Quán). Ảnh: B.NGUYÊN

Tại Đồng Nai có nhiều cơ sở, nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái xoài nhưng vì chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, trái xoài tươi có thời điểm giá bán rẻ như cho nhưng vẫn chưa được đưa vào chế biến.

* Phụ thuộc thị trường xuất khẩu trái cây tươi

Những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái cây tươi nói chung, trái xoài nói riêng tăng trưởng tốt hơn so với năm trước đó. Nhưng chỉ những nhà vườn làm xoài trái vụ hoặc thu hoạch sớm mới bán được với giá cao; đa số nông dân thu hoạch chính vụ đều lỗ vốn. Đặc biệt, giống xoài Đài Loan xuất khẩu trước đây thu lợi nhuận cao được nông dân đua nhau mở rộng diện tích thì 3 năm liên tiếp vừa qua đều thua lỗ. Trái xoài cứ được mùa là mất giá vì chỉ bán tươi cho thương lái xuất khẩu đi Trung Quốc, khi nguồn cung lớn hơn cầu hoặc thị trường này tạm ngưng nhập khẩu thì nông dân không biết bán đi đâu.

Cụ thể, vào đầu vụ, xoài cát Hòa Lộc bán được giá hơn 20 ngàn đồng/kg; xoài Đài Loan xuất khẩu bán được từ 15-17 ngàn đồng/kg. Trong đó, giá xoài Đài Loan có mức giảm sâu nhất, khi rộ vụ giá bán tại vườn còn 7-8 ngàn đồng/kg, cuối vụ chỉ còn khoảng 3 ngàn đồng/kg. Với mức giá hiện nay, trừ công hái, nông dân thu về chưa đến 2 ngàn đồng/kg, trừ thêm chi phí bao trái 1,5 ngàn đồng/trái thì người trồng hầu như mất trắng chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) Nguyễn Dũng cho biết, do vùng xoài tại địa phương tập trung làm trái vụ nên sản lượng xoài chính vụ không cao. Hiện tại, địa phương còn rất ít vườn xoài cho thu hoạch nhưng vẫn không tìm được thương lái thu mua, dù xoài Đài Loan, xoài Úc giá chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân hiện thị trường xuất khẩu đang đứng, thị trường trong nước lại không chuộng 2 giống xoài trên.

Cùng khó khăn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) Lại Hồng Chí chia sẻ: “Dù tôi mở vựa thu mua, tiêu thụ trái xoài nhưng vụ xoài năm nay, với 4ha xoài Đài Loan, gia đình tôi lỗ khoảng 150 triệu đồng vốn đầu tư. Xoài Đài Loan của các xã viên khó tiêu thụ nhưng tôi vẫn phải nhập thêm xoài keo Campuchia về bán vì có xoài keo thì các bạn hàng mới mua thêm xoài Đài Loan”.

* Nghịch lý chế biến xoài

Nhiều năm qua, trái xoài tươi tại Đồng Nai luôn rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá. Nguyên nhân lớn nhất là chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Đồng Nai: Đầu ra trái xoài bấp bênh vì yếu khâu chế biến
Thu hoạch xoài tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.NGUYÊN

Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài Phú Quý tại xã La Ngà (H.Định Quán) La Chí Thanh cho hay, một số nông dân đang chặt bỏ giống xoài Đài Loan vì càng đầu tư càng lỗ. Nguyên nhân đầu ra của giống xoài này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường này dừng mua hàng, nông dân lại đổ bỏ, vì người tiêu dùng trong nước không ưa chuộng; doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến cũng không mua.

Nghịch lý lớn nhất hiện nay là xoài trong nước bán rẻ như cho, thậm chí bỏ chín rục trong vườn trong khi các DN, cơ sở chế biến xoài lại nhập khẩu xoài làm nguyên liệu. Một số HTX, tổ hợp tác xoài trên địa bàn tỉnh từng ký kết hợp tác với các DN, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh để đưa trái xoài vào chế biến nhưng hiệu quả chưa cao.

Đại diện HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch Suối Lớn ở xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) chia sẻ, DN chế biến đưa ra mức giá bao tiêu cả vụ với trái xoài Đài Loan chỉ từ 4-4,5 ngàn đồng/kg, nông dân không mặn mà tham gia vì mức giá này cho lợi nhuận thấp.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các chuỗi liên kết giữa nông dân và DN lỏng lẻo. Theo đó, khi xoài có giá cao thì nông dân phá vỡ cam kết bán hàng cho thương lái; khi giá thấp thì DN chế biến đã ký kết mua nguyên liệu từ nguồn khác.

Theo một số DN, cơ sở chế biến xoài trên địa bàn tỉnh, họ ưu tiên sử dụng xoài keo làm nguyên liệu chế biến vì trái xoài này có nhiều ưu điểm như: thịt chắc, màu đẹp, hạt lép, cơm dày nên tỷ lệ hao hụt thấp… Một lợi thế rất lớn là thời gian thu hoạch của trái xoài này kéo dài, giá bán khá ổn định so với các giống xoài khác. Cụ thể, hiện giá xoài keo nông dân bán tại vườn cũng chỉ hơn 3 ngàn đồng/kg, khi sốt giá cũng chỉ hơn 10 ngàn đồng/kg.

Thời gian qua, các huyện quan tâm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trồng xoài trong tỉnh làm mã số vùng trồng với mục tiêu hình thành các vùng chuyên canh đạt chuẩn xuất khẩu, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho trái xoài nhưng hiệu quả còn thấp.

Nguồn: Đầu ra trái xoài bấp bênh vì yếu khâu chế biến

Bình Nguyên

baodongnai.com.vn