Đồng Nai: Phát triển năng lượng xanh, còn nhiều thách thức
Đốt chất thải công nghiệp không nguy hại tại Công ty TNHH Thanh Tùng 2. Ảnh: H.Lộc |
Trong phát triển kinh tế bền vững, năng lượng xanh (NLX) từ gió, mặt trời, rác thải… luôn được các quốc gia khuyến khích. Việt Nam cũng đã có những chính sách cho phát triển NLX, nhưng quá trình triển khai còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
* Ít loại hình dự án được triển khai
Công ty TNHH Saitex International có 5 nhà máy tại Đồng Nai. Năm 2021, công ty kiến nghị lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng để sử dụng nhưng hiện chỉ có 1 nhà máy ở H.Nhơn Trạch được lắp đặt.
NLX là năng lượng được tạo ra từ các yếu tố tự nhiên: mặt trời, thủy triều, gió… hoặc hoạt động thường xuyên của con người: chất thải, nước thải. |
Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững công ty cho biết, doanh nghiệp (DN) đã gửi văn bản nhiều nơi, nhiều lần nhưng chưa thực hiện được vì thiếu các “giấy phép con”. “Chúng tôi rất muốn làm điện mặt trời để tiết kiệm chi phí và đáp ứng tiêu chí xanh của đối tác nhưng vướng nhiều thủ tục làm ảnh hưởng đến lộ trình sản xuất xanh của DN” - bà Oanh bày tỏ.
Về điện rác, Đồng Nai hiện có tổng cộng 10 dự án được đề xuất nhưng hiện mới có 1 dự án được duyệt và vẫn chưa triển khai.
Theo bà Lê Thị Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, 5 năm trước DN đã đề xuất dự án đốt rác phát điện tại H.Thống Nhất. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận đồng thời kiến nghị Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia, nhưng quy hoạch cũ đã hết hạn, quy hoạch mới chưa được duyệt, DN phải chờ.
Không chỉ có mặt trời, rác thải mà nước thải cũng là tài nguyên có lợi thế của tỉnh. Bình quân mỗi ngày tỉnh phát sinh gần 130 ngàn m3 nước thải công nghiệp, khoảng 254 ngàn m3 nước thải sinh hoạt nhưng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rất thấp. Tận dụng nguồn nước này để tạo hơi hoặc đơn giản tái sử dụng cho sản xuất, tưới cây sẽ giảm khai thác nước thô, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, Đồng Nai có các nguồn tài nguyên cho phát triển NLX là: mặt trời, rác thải, nước thải và thủy điện. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới chỉ khai thác được từ mặt trời và thủy điện, nhưng công suất nhỏ; trong khi các tài nguyên khác thì chưa khai thác được.
* Còn nhiều rào cản
Cũng theo ông Thái Thanh Phong, chính sách của Nhà nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đều khuyến khích phát triển NLX, năng lượng tái tạo, đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp không ít thách thức về thời gian, quy trình, thủ tục.
Ông Phong dẫn chứng, dự án điện mặt trời theo quy định là phải đảm bảo an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy, nổ theo quy định hiện hành… liên quan đến nhiều bộ, ngành và mỗi bộ, ngành lại hướng dẫn một khác. Đối với điện rác phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương và quan trọng hơn là phải có trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận xét, nhiều DN trên địa bàn tỉnh rất muốn làm điện mặt trời, điện rác để tiết kiệm chi phí, đạt các chứng chỉ xanh thuận lợi cho xuất khẩu nhưng chưa thực hiện được vì các luật chồng chéo, thủ tục nhiêu khê.
Trên cơ sở các vướng mắc, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phân bổ nguồn năng lượng tái tạo cho các địa phương; có cơ chế khuyến khích, giảm bớt thủ tục hành chính cho các dự án năng lượng. Xem xét xây dựng một bộ luật cụ thể khuyến khích đầu tư, phát triển NLX, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thu hút nhà đầu tư.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trên địa bàn tỉnh nhận định, năng lượng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng Nai nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố sử dụng điện lớn nhất cả nước nên ngoài hệ thống lưới điện quốc gia, tỉnh cần chủ động phát triển thêm nguồn cung năng lượng.
Đối với các dự án năng lượng có lợi thế chưa thể triển khai, cần xác định cụ thể vướng mắc là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành sửa đổi chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 5,9 ngàn hệ thống điện mặt trời mái nhà, 1 dự án thủy điện đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 5 dự án thủy điện, 4 dự án điện rác. |
Nguồn: Phát triển năng lượng xanh, còn nhiều thách thức
Hoàng Lộc
baodongnai.com.vn
- PV Power và Vingroup hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
- Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
- Petrovietnam và Petronas tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Dấu ấn của những người thầy “quân hàm xanh”
- Hà Giang: Khơi dậy tình yêu nước từ “Tiết học biên cương”
- Lâm Đồng: Tình thầy trò dưới mái trường giữa rừng
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN