Em có về Mù Cang Chải quê anh?

03:15 | 13/01/2022

|
Chẳng biết là từ bao giờ, chỉ biết là từ lâu, rất lâu rồi Mù Cang Chải trở thành văn hóa, nếp sống, là nét đặc trưng của đất và người Yên Bái. Nhắc đến Yên Bái là nghĩ ngay tới Mù Cang Chải.
Em có về Mù Cang Chải quê anh?
Ruộng bậc thang là nét đặc trưng của Mù Cang Chải

Em có về Mù Cang Chải quê anh?

Để cùng nhau, ngắm màu vàng của lúa

Em sẽ thấy quê anh như dải lụa

Bậc thang vàng, bắc tận chín tầng mây ...

Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km, Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển.

Nếu xuất phất điểm từ Thủ đô Hà Nội, du khách sẽ có hai cung đường để lựa chọn nếu muốn đến Mù Cang Chải. Hướng thứ nhất là du khách đi hết đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của tỉnh Lai Châu để tới Mù Cang Chải. Hướng thứ hai là từ Hà Nội chạy dọc lên Yên Bái, sau đó từ Yên Bái sẽ tới Mường Lò. Sau đó nghỉ chân tại Mường Lò 1 đêm để sáng sớm mai “hành quân” sớm từ Mường Lò và sẽ đến Mù Cang Chải tầm xế trưa. Đoạn đường này dài tầm khoảng 100km nhưng chủ yếu là đèo dốc tiến lên liên tục, khi di chuyển đến tầm chặng giữa đèo thì du khách có thể thấy một miền đất phẳng, có thể dừng chân một chút ở đây để tận hưởng chút dẻo thơm từ cơm lam nếp Tú Lệ.

Em có về Mù Cang Chải quê anh?

Không phải ngẫu nhiên mà Mù Cang Chải lại trở thành một trong những biểu tượng về đất và người Yên Bái; bởi khi đặt chân đến vùng đất này một lần, du khách sẽ nhớ mãi. Cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên trù phú, sự ấm áp, bao mến khách của con người cùng với đó là những nét đặc sắc của văn hóa nơi đây.

Đường đến Mù Cang Chải tuy còn xa và hành trình di chuyển khá khó khăn, song dường như mọi thứ đều đi theo quỹ đạo cuộc sống, có trải qua khó khăn mới có ngọt bùi, và dù đường đến Mù Cang Chải chưa được thuận lợi như những vùng khác nhưng bù lại du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị mà không nơi nào có được.

Chứng kiến sự thay đổi liên tục của quang cảnh thiên nhiên. Khi đến đây du khách sẽ được nhìn ngắm những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc trên cánh đồng Mường Lò trải rộng với bạt ngàn hoa ban trắng nở, cùng với đó là những con đường quanh co, uốn lượn trên các sườn đồi dốc đứng, sự vận động của địa chất đã tạo nên những “công trình kiến trúc’ đặc sắc và kỳ diệu như đỉnh Púng Luông, đỉnh Mồ Dề, đỉnh Phu Ba (những đỉnh núi này đều cao từ 2000 đến gần 3000m).

Đáng chú ý, có đèo Khau Phạ (cao 2.100m), đây là đỉnh núi cao nhất trong "tứ đại đỉnh đèo" Tây Bắc được bao phủ trong biển mây bồng bềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỉnh đèo Cao Phạ còn là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công bay dù lượn, cho những ai ưa thích cảm giác mạnh, trò chơi mạo hiểm để chinh phục bầu trời và cùng được thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất trời từ trên không trung qua trò chơi dù lượn.

Từ đây, cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang đẹp mê hồn khiến mỗi chúng ta đều thấy choáng ngợp.

Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn ghẽ giữa 2 sườn núi với những bản làng bình yên dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ. Nơi đây, bà con dân tộc Mông chiếm phần đa dân số. Đặt chân đến Mù Cang Chải du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa giàu truyền thống và đặc trưng cũng như các phong tục tập quán của vùng Tây Bắc, được đung đưa theo nhip vang của tiếng khèn và những điệu múa, cùng con trái con gái người Mông đi hội Sải Sán.

Đặc biệt, khi đến Mù Cang Chải rồi cũng đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải, rèn đúc và thưởng thức những món ăn ngon, truyền thống của bà con người Mông.

Em có về Mù Cang Chải quê anh?

Một điểm không thể không nhắc tới khi đến Mù Cang Chải đó chính là ruộng bậc thang. Đây được coi là linh hồn của Mù Cang Chải. Cũng phải nói thêm về ý nghĩa của cái tên Mù Cang Chải trong ngôn ngữ Mông có nghĩa là “làng cây khô”, cái tên đã nói lên một thời xa xưa khó khăn, khắc nghiệt của vùng đất này, thế nhưng, không đầu hàng trước sự khắc nghiệt đó, con người nơi đây đã cần cù, chịu khó, sáng tạo bền bỉ.

Từ đôi bàn tay của mình biến vùng đất khô cằn sỏi đá thành những ruộng bậc thang tuyệt đẹp, ngút ngàn như những thảm lụa không chỉ đem lại nguồn lương thực nuôi sống cộng đồng mà còn là nét chấm phá đặc sắc trong bức tranh mỹ miều về Mù Cang Chải. Hằng năm, thu hút lượng lớn khách du lịch đổ dồn về đây.

Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang. Theo thông tin mới nhất thì Mù Cang Chải (Yên Bái) của Việt Nam đã lọt vào top vùng núi đẹp nhất thế giới sánh ngang hàng cùng với nhiều cái tên danh tiếng của thế giới như núi Cầu Vồng ở Peru, dãy Andes ở Bolivia hay đỉnh Phú Sĩ của Nhật Bản.

Đặc biệt hơn, đến Mù Cang Chải, du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tổng diện tích 330 ha, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng Quốc gia.

Những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp tựa vân tay của trời, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông.

Đến Mù Cang Chải để tận hưởng những tinh hoa của đất trời, để thấy đất nước mình thật bao la, tươi đẹp. Đến Mù Cang Chải để ngân nga theo tiếng khèn, điệu múa, để cảm thấy tấm chân tình của đất và người Yên Bái.

Về đi em! Ta cùng nắm bàn tay

Đi trên ruộng nghe lúa mùa chín rộ

Lúa lao xao như thì thầm nho nhỏ

Đón em về, hôn nhẹ bước chân qua ...

Ta bên nhau trong nắng sớm chan hòa

Ngắm mây trắng nhởn nhơ trên đỉnh núi

Tiếng núi rừng , như tiếng ai mời gọi

Đưa em về Yên Bái cùng anh...

Nguồn: Em có về Mù Cang Chải quê anh?

Trang Dương

baophapluat.vn