Giá dầu hôm nay 16/1/2022 ghi nhận tuần tăng giá mạnh, thị trường chờ cú bứt phá mới

10:32 | 16/01/2022

|
Trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ dầu tích cực còn nguồn cung chậm được cải thiện sẽ, giá dầu hôm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ở mức đỉnh 2,5 tháng, bất chấp việc Trung Quốc có kế hoạch xả kho dự trữ chiến lược.
Giá dầu hôm nay 15/1/2022 đồng loạt tăng vọt, dầu Brent lên mức 86,2 USDGiá dầu hôm nay 15/1/2022 đồng loạt tăng vọt, dầu Brent lên mức 86,2 USD
Giá dầu hôm nay 14/1/2022 giảm mạnh trước lo ngại OmicronGiá dầu hôm nay 14/1/2022 giảm mạnh trước lo ngại Omicron

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 10/1 với những chỉ báo khá tiêu cực. Thời tiết xấu và sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới do biến thể Omicron đã khiến việc di chuyển bằng đường hàng không bị gián đoạn nghiêm trong tại Mỹ.

Giá dầu hôm nay 16/1/2022 ghi nhận tuần tăng giá mạnh, thị trường chờ cú bứt phá mới

Số liệu việc làm tháng 12/2021 trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ được ghi nhận tăng 199.000 người, thấp hơn rất nhiều con số dự báo 400.000 người. Trong khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng tồn kho xăng của Mỹ trong tuần trước đã tăng tới 10 triệu thùng do nhu cầu suy giảm vì diễn biến của dịch Covid-19. Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ cũng được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 với 481 giàn, theo số liệu từ Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa ghi nhận dữ liệu về số doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp giải thể. Theo giới chuyên gia, xu hướng này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này không như kỳ vọng trong năm 2022.

Và thực tế, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô đã có xu hướng giảm mạnh. Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 10/1/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 78,53 USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 81,42 USD/thùng, giảm 0,33 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, khi những lo ngại dần hạ nhiệt bởi khả năng cung ứng hạn chế của các nhà sản xuất dầu thô và triển vọng kinh tế được cải thiện, giá dầu đã quay đâu đi lên.

Tình hình bất ổn ở Kazakhstan đã làm gián đoạn nhiều đường tàu và gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại mỏ dầu lớn nhất nước này là mỏ Tengiz.

Còn tại Libya, trong quá trình bảo dưỡng đường ống dẫn dầu, sản lượng dầu của nước này đã giảm mạnh từ mức 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2021 xuống còn ở mức 729.000 thùng/ngày.

Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu cũng được dự báo đang bị hạn chế bởi mối quan hệ của Nga với Ukraine.

Sản lượng của OPEC trong tháng 12/2021 chỉ tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng 11/2021, thấp hơn nhiều mức tăng 253.000 thùng/ngày mỗi tháng theo thoả thuận sản lượng của OPEC+ cho phép.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nói với Reuters: “Các yếu tố cơ bản vẫn lạc quan đối với dầu thô, đặc biệt nếu OPEC tiếp tục cố gắng để đạt được hạn ngạch, khi nhu cầu tăng lên”.

Giá dầu tăng mạnh còn do giới đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn ở Kazakhstan có thể đặt thị trường năng lượng thế giới trước những rủi ro lớn.

Kazakhstan hiện sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ một sự gián đoạn nào về nguồn cung urani thì nó cũng sẽ đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Là nước thành viên của OPEC+, Kazakhstan hiện đang khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Bởi vậy, nếu tình trạng bất ổn ở quốc gia Trung Á này không sớm được giải quyết và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu thô của nước này, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, Kazakhstan còn được biết đến là nước xuất khẩu than đá hàng đầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên.

Thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc ngày 7/1, dự trữ dầu thô này đã giảm 4,6 triệu thùng, xuống còn 413,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Trước đó, theo một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà phân tích đã dự báo dự trữ dầu thô Mỹ giảm 1,9 triệu thùng.

Dữ liệu trên cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu vẫn đang có sự phục hồi, bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể Omicron. Việc các nước thay đổi chiến lược phòng chống Covid-19, nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, phục hồi kinh tế… là cơ sở để thị trường đặt kỳ vọng cho triển vọng tích về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/1/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 82,73 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 84,76 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại khi nhiều nhà đầu tư chốt lời và triển vọng tiêu thụ dầu có dấu hiệu chững lại trước lo ngại về gia tăng các ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng hụt cung trên thị trường dầu thô, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Cụ thể, theo Reuters, Trung Quốc đã nhất trí với Mỹ về việc giải phóng một lượng dầu từ kho dự trữ chiến nước của nước này trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, bắt đầu từ ngày 1/2.

Vào ngày 23/12/2021, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã đồng ý về việc cung cấp 250.000 thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) cho Công ty dầu Marathon trong một thoả thuận bán và trao đổi dầu lần dầu lần thứ 2 nhằm giảm giá nhiên liệu.

Trước đó, theo các nguồn tin trên thị trường, Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã có một thoả thuận bán và trao đổi lần đầu, trong đó bao gồm 4,8 triệu thùng dầu, với tập đoàn ExxonMobil.

Việc các nước có nhu cầu tiêu thụ dầu cao như Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có động thái xả kho dự trữ dầu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên thị trường vẫn rất lớn, bất chấp số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng mạnh bởi biến thể Omicron.

Bên cạnh đó, việc giá khí đốt ở châu Âu liên tục tăng trong thời gian gần đây cũng dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt trầm trọng hơn nguồn cung dầu trên thị trường, qua đó tạo động lực thúc đẩy giá dầu đi lên.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 84,27 USD/thùng, tăng 2,15 USD/thùng trong phiên; trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 86,25 USD/thùng, tăng 1,78 USD/thùng trong phiên. Đây là mức cao nhất của mặt hàng dầu thô trong 2,5 tháng trở lại đây.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92: không cao hơn 23.159 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.876 đồng/lít; giá dầu diesel không cao hơn 18.239 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.138 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.362 đồng/kg.

Với những diễn biến như trong tuần giao dịch từ ngày 10/1, giá dầu ngày 16/1 ghi nhận kỳ vọng giá dầu tuần tới sẽ tiếp tục treo ở mức cao, thậm chí có thể bứt phá lên mức đỉnh 1 năm nếu thị trường không có sự đột phá về nguồn cung.

Theo Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp của Price Futures Group cho rằng, thị trường đang nhìn vào bức tranh lớn và nhận nhận thấy rằng nguồn cung dầu toàn cầu so với nhu cầu là rất thắt chặt, và điều này có thể tạo ra một cú huých quan trọng cho thị trường.

Sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine cộng với đồng USD yêu hơn cũng là yếu tố có thể thúc đẩy giá dầu tuần tới đi lên.

Nguồn: Giá dầu hôm nay 16/1/2022 ghi nhận tuần tăng giá mạnh, thị trường chờ cú bứt phá mới

Hà Lê

petrovietnam.petrotimes.vn