Hà Giang: Mèo Vạc chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học

14:00 | 13/08/2024

|
Tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học đang là hướng đi quan trọng được huyện Mèo Vạc đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhằm phát triển bền vững nghề chăn nuôi lợn, nâng cao giá trị thu nhập cho người chăn nuôi và giữ vững thương hiệu lợn đen Lũng Pù.

Tính đến hết tháng 7.2024, toàn huyện Mèo Vạc có gần 41 nghìn con lợn đen Lũng Pù. Đây là giống lợn bản địa có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc được thuần hóa và nuôi dưỡng từ lâu đời; là giống vật nuôi quý hiếm, có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, nuôi con khéo. Giống lợn này có giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với các giống lợn lai, ngoại lai trên địa bàn do phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có chất lượng thịt thơm, ngon, chắc. Đặc biệt, giống lợn đen Lũng Pù đã được Viện Chăn nuôi và Dự án Biopa khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác hiệu quả.

Hà Giang: Mèo Vạc chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học
Hợp tác xã Tuấn Dũng chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc Tề Văn Lâm cho biết: Chăn nuôi lợn, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn đen Lũng Pù là nghề chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành Chăn nuôi của huyện, chỉ đứng thứ hai sau chăn nuôi bò. Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa, những năm qua, tổng đàn lợn đen Lũng Pù của huyện tăng trưởng khá mạnh, bình quân tăng trưởng gần 10%/năm. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh có xu hướng phức tạp và khó lường, nhất là bệnh Tả lợn châu Phi.

Trước tình hình đó, để bảo vệ và phát triển đàn lợn hiệu quả, thời gian qua, huyện Mèo Vạc tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đây là hướng đi bền vững cho ngành Chăn nuôi của địa phương. Bởi việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại bên trong cơ sở chăn nuôi; hạn chế, ngăn ngừa sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài vào cũng như giữa các khu vực trong cơ sở chăn nuôi; đồng thời ngăn cản mầm bệnh lây nhiễm ra ngoài - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết thêm.

Hà Giang: Mèo Vạc chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học
Lợn đen Lũng Pù là vật nuôi có nguồn gen quý hiếm, chất lượng thịt thơm, ngon, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong triển khai áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, song với sự quyết tâm của ngành chuyên môn và sự đồng thuận của người chăn nuôi, việc thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Mèo Vạc có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ và cơ sở chăn nuôi từng bước áp dụng hiệu quả một số khâu như: Áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như cách ly, bố trí địa điểm xây dựng chuồng trại, thiết lập vành đai thú y khu vực chăn nuôi lợn; giám sát vệ sinh sát trùng cổng ra vào khu vực chăn nuôi; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thu gom xử lý vệ sinh chất thải; tiêm một số loại vác xin phòng bệnh thường xảy ra; thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y đối với nguồn lợn giống, lợn thịt và sản phẩm thịt, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển xuất, nhập vào địa bàn…

Cơ sở chăn nuôi lợn của Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng, thôn Bờ Sông, xã Xín Cái là một trong những cơ sở chăn nuôi điển hình trên địa bàn huyện Mèo Vạc áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ông Thèn Văn Hải, đại diện HTX cho biết: Thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, HTX đã đầu tư xây dựng khu vực chăn nuôi rộng gần 2 ha. Khu chăn nuôi được bố trí cách xa khu dân cư, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường rào nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của người và vật nuôi vào khu vực. Bên trong khu chăn nuôi được xây dựng thành các dãy chuồng để phân chia đàn lợn theo từng lứa tuổi. Trong quá trình chăn nuôi, HTX thường xuyên thực hiện tốt công tác giám sát vệ sinh sát trùng; lựa chọn lợn giống đảm bảo chất lượng; nguồn thức ăn luôn đảm bảo độ tươi, thơm, ngon… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình phát triển chăn nuôi của HTX phát triển ổn định, hàng năm không xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, HTX đang duy trì nuôi khoảng 200 con lợn đen Lũng Pù, gồm 50 lợn nái sinh sản và 150 lợn thịt; sản lượng lợn giống xuất chuồng đạt 500 con/năm; lợn hơi xuất chuồng đạt gần 120 tấn/năm; doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng/năm.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo triển khai phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học đối với giống lợn đen Lũng Pù, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng chăn nuôi lợn; chú trọng việc bảo tồn, phát triển giống lợn đen Lũng Pù; tăng cường công tác khuyến nông, thú y, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi lợn bản địa; thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành để tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chăn nuôi.

Nguồn: Mèo Vạc chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học

Trần Kế

baohagiang.vn