Lên chợ phiên nơi biên cương Nậm Cắn
Phiên chợ là hoạt động thương mại buôn bán, trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hóa của cư dân hai nước Việt Nam – Lào, làm cho không khí tấp nập tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thêm sôi động, thắm tình hữu nghị Việt- Lào nơi vùng biên giới.
Mờ sáng, vùng biên mưa tầm tã nhưng trên những con đường dốc cao ngút dẫn tới cửa khẩu Nậm Cắn đã tấp nập người. Già có, trẻ có, nam thanh nữ tú có, họ đi bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng chủ yếu là cuốc bộ và xe máy, với đầy đủ hàng hóa để tham gia buôn bán tại phiên chợ biên giới ở cửa khấu Nậm Cắn.
Người dân đến chợ phiên biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được cấp thẻ để ra vào chợ giao lưu, mua bán hàng hóa. Ảnh: Hoàng Thông |
Hoạt động giao thương với đa dạng mặt hàng Việt- Lào. Ảnh Hoàng Thông |
Người dân đến chợ phiên biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được cấp thẻ để ra vào chợ giao lưu, mua bán hàng hóa. Đây là lần đầu tiên việc cấp thẻ được áp dụng để quản lý người dân, tiểu thương ra vào chợ biên giới này, phục vụ du khách, người dân tới mua bán, trao đổi hàng hóa. Người dân, du khách trước khi vào chợ sẽ đến cửa barie rồi xuất trình giấy tờ tùy thân có giá trị (Căn cước, hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép lái xe…) để đăng ký cho cán bộ Biên phòng trạm cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn trực tại barie để đăng ký thông tin, nhận thẻ ra, vào chợ và đi vào khu vực cửa khẩu.
Đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị khác, phải có người lớn (bố mẹ hoặc người giám hộ) đi kèm. Quá trình vào chợ, người dân sẽ phải luôn đeo thẻ và chịu sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cán bộ biên phòng trong khu vực cửa khẩu. Sau khi rời khỏi chợ, người dân sẽ đến quầy barie và trả thẻ cho cán bộ biên phòng.
Cư dân vùng biên & du khách đi chợ tham quan và mua bán các mặt hàng nông sản. Ảnh: Hoàng Thông |
Mục đích của việc sử dụng thẻ ra, vào là để duy trì, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quản lý hoạt động của người và phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu trong quá trình tham gia hoạt động tại chợ biên giới Nậm Cắn và phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động XNC trái phép.
Phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã ghé thăm chợ Nậm Cắn ( Cửa khẩu Việt -Lào), tham quan những gian hàng bày bán sản phẩm, hàng hóa ở khu chợ. Chợ đa dạng người bán, dưới xuôi lên, người bản địa và bà con người Lào sang. Theo những người dân ở chợ, chính quyền thị trấn Mường Xén cũng sắp xếp khu bán hàng riêng cho bà con bên Lào, vì vậy người dân đến chợ sẽ dễ dàng phân biệt được các sản phẩm, hàng hóa của người Lào, người Việt.
Chị Trần Thị Thanh Huyền, nhà ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết, ở vùng đất này, chẳng ai là không biết đến phiên chợ biên giới cả. Một tháng, chợ họp hai lần vào các ngày 14 và 29 dương lịch hoặc ngày chủ nhật hàng tuần và thu hút rất nhiều người tham gia.
Nhờ sự phiên dịch của một người Việt ở xã (Nậm Cắn) đến mua hàng ở chợ cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Ni Văn người Lào, ở bản Noọng Hét tỉnh Xieng Khuoang, Lào. Là người buôn bán ở chợ Nậm Cắn lâu năm, bà Ni Văn cho biết: Bản Noọng Hét có khoảng 15 người chuyên buôn bán ở chợ. Mặt hàng của bà con mang sang là nông sản như ớt, tỏi, rau bí, dứa, dưa chuột, dứa, măng khô, chuối Lào. Chợ phiên biên giới Nậm Cắn là nơi hội tụ sắc màu về văn hóa của các đồng bào dân tộc… từ văn hóa về ẩm thực cho đến trang phục hay đến các sản vật được bà con dân bản mang ra trao đổi, mua bán ở miền tây Nghệ An và các dân tộc anh em sinh sống ở Lào. Chợ biên giới mở rộng phạm vi rất ý nghĩa cho người dân ra vào buôn bán, giao lưu là nét đẹp trong đời sống, văn hóa của hai nước.
Trong số các nông sản do bà con người Lào bán, chúng tôi ấn tượng với những quả dứa, dưa chuột. Những quả dứa rất to, nhiều nước, có giá khoảng 10 - 15 kíp/quả (tương đương 15.000 đồng); những quả dưa chuột Lào trơn nhẵn, nhiều thịt, chắc quả và hạt to. Quả dưa được xem là đặc sản của bà con người Lào, nhiều đồng bào Mông, Thái, Khơ mú ở Mường Xén cũng trồng giống dưa này ở trên núi cao và đem bán ở dọc thị trấn Mường Xén Kỳ Sơn hoặc ở trên chợ Nậm Cắn
Mua bán và giao lưu văn hóa. Ảnh: Hoàng Thông |
Thượng tá Nguyễn Hồng Đức , Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ( Biên phòng Nghệ An) cho biết: Thời gian qua, Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Ban quản lý cửa khẩu Nậm Cắn nước bạn Lào thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, đảm bảo nhanh chóng, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Việc bà con qua lại mua bán hàng hóa, trao đổi, thăm thân, khám chữa bệnh diễn ra thuận lợi.
Năm 2024, đơn vị đã làm thủ tục nhập cảnh cho 5.016 lượt người/406 phương tiện; nhập cảnh vùng biên cho 4.339 lượt người; xuất cảnh cho 5.133 lượt người/361 phương tiện; xuất cảnh vùng biên giới cho 4.246 lượt người. 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã làm thủ tục nhập cảnh cho 3.070 lượt người/258 phương tiện; nhập cảnh vùng biên giới cho 533 lượt người; xuất cảnh cho 3.163 lượt người/272 phương tiện; xuất cảnh vùng biên cho 521 lượt người.
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có khoảng trên 203km đường giáp biên với nước bạn Lào. Trong mấy chục năm qua, để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương nơi đây đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và tiến hành các hoạt động giao thương. Và từ nhu cầu của người dân hai nước, chợ biên giới ra đời, thu hút hàng ngàn người tham gia mỗi khi có phiên chợ. Từ trong ý thức, người dân Việt Nam và Lào ở khu vực xung quanh cửa khẩu Nậm Cắn đã xem chợ biên giới như một hoạt động thắm tình đoàn kết và họ đã chuẩn bị rất nhiều, từ tinh thần cho đến các sản phẩm tự tay họ làm ra để giao lưu, buôn bán tăng thêm tình đoàn kết giữa hai nước anh em.
Trong các hoạt động bảo vệ biên giới, lực lượng của 2 nước cũng thường xuyên duy trì giao ban, tuần tra song phương, trao đổi thông tin, xử lý vụ việc,đảm bảo đường biên cột mốc luôn được bình yên và ổn đinh. Trong quan hệ hữu nghị Việt - Lào nói chung, Nghệ An – Xieng Khuoang nói riêng có thể nói là đặc biệt mẫu mực và luôn phát huy được truyền thống cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết hai bên ngày càng hữu nghị hợp tác. Niềm vui trong dịp những phiên chợ vùng biên của nhân dân các bộ tộc Lào ở sát biên giới Nghệ An nói chung và cửa khẩu Nậm Cắn nói riêng như được nhân lên gấp bội, bởi sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa, thiết thực của Bộ đội biên phòng Nghệ An.
Niềm vui càng có ý nghĩa hơn khi năm 2024, Việt Nam - Lào kỷ niệm 62 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2024) và 47 năm ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2024)
Ở Kỳ Sơn, ngoài khu chợ vùng biên cửa khẩu Nậm Cắn, thì chợ thị trấn Mường Xén hoạt động giao thương độc đáo được gọi với cái tên “chợ di động” dần dà trở thành nét sinh hoạt của đồng bào miền núi phía Tây Nghệ An, vào sáng sớm tinh mơ hàng ngày, bà con người Lào các bản giáp biên cũng sang chợ mua bán. Gần với trạm kiểm soát biên phòng Nậm Cắn (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn), thuộc địa bàn xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn phía bên là cụm bản Noọng Hét tạy , tỉnh Xiang khouang ở đông bắc Lào) vì vậy một số bà con bên bản cũng đã mang những đồ nông sản do bà con làm ra để đem bán cho bà con bản giáp biên và khách phương xa đến với Kỳ Sơn,Mường Xén thì Nậm Cắn là điểm cuối cùng trên Quốc lộ 7 A. Những quả dưa chuột, măng rừng, rau cải vv luôn được du khách thích thú dừng lại mua bán. Mặc dù mua bán giữa khách và người dân bạn Lào chỉ bằng ký hiệu nhưng việc mua bán diễn ra thuận lợi. Bà con dân bản của nước bạn Lào thân thiện, chân thành và rất mến khách ! Thượng tá Nguyễn Hồng Đức chia sẻ thêm,
Người dân đồng bào nô nức tới phiên chợ với gian hàng ẩm thực, thực phẩm,với bản sắc trang phục của đồng bào thiểu số vùng cao miền tây Nghệ an. Ảnh: Hoàng Thông |
Thúc đẩy thương mại & du lịch vùng biên
Huyện vùng cao Kỳ Sơn nổi tiếng với Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Nơi đây có chợ thương mại và dịch vụ cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (bà con thường gọi với tên gần gũi là chợ Nậm Cắn). Chợ chỉ diễn ra duy nhất vào ngày chủ nhật hằng tuần. Không khí buổi chợ đặc biệt hơn so với các phiên chợ vùng biên đó là thông qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, bà con các bản giáp biên của nước bạn Lào đã sang chợ mua bán, trao đổi hàng hóa từ rất sớm.
Còn với người Việt, lên chợ phiên Nậm Cắn, nhiều người thích thú qua Cửa khẩu Nậm Cắn, ghé thăm quán phở Lào của đôi vợ chồng Nguyễn Thế Cừ người huyện Thanh Chương. Hai món đặc biệt của quán là phở Lào và nếp Lào chấm chẻo kèm món bia Lào thơm ngon. Ghé thăm chợ phiên Nậm Cắn với đặc sản của bà con dân tộc Mông, Thái ở Nậm Cắn, những hàng hóa của bà con dưới xuôi đem lên và những món ăn, hàng hóa đặc sản của bà con người Lào như rêu, măng rừng, cá nước, cam Lào, luôn mang đến nhiều điều thú vị.
Ngoài chợ phiên Nậm Cắn thì ở thị trấn chợ Mường Xén cũng là những chợ phiên thu hút bà con người Lào các bản giáp biên sang trao đổi, mua bán. Chợ vùng biên, không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động giao thương mà ở đó người dân được giao lưu, trò chuyện, gắn kết tình cảm hữu nghị, đoàn kết của người dân các bản giáp biên của hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Nét độc đáo của phiên chợ vùng biên là hoạt động giao thương đáng kể nhất tại cửa khẩu Nậm Cắn. Là cứ đến ngày phiên chợ họp, nơi đây vui như ngày hội,với sự tham gia của hàng ngàn người. Ngoài giá trị về mặt giao lưu, phát triển kinh tế thì chợ biên giới này còn có những hoạt động mang đậm tính văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước anh em Việt - Lào.
Ông Võ Hồng Sơn, đội trưởng đội nghiệp vụ chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Hoàng Thông |
Phiên chợ tạo nên vẻ đẹp muôn màu khoe sắc. Ảnh: Hoàng Thông |
Ông Võ Hồng Sơn, đội trưởng đội nghiệp vụ chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: Cứ sau mỗi phiên chợ, người dân trở về với khuôn mặt đầy háo hức. Ngoài việc bán và mua được những thứ mình cần, thì với văn hóa giao lưu có ngay ở trong chợ, người dân cũng cảm nhận được rất nhiều niềm vui. Không dễ để được uống rượu Lào và gà đen nên chợ biên giới là nơi lý tưởng để họ thỏa thích với gu ẩm thực của mình. Thành ra, có người dù phải đi bộ hàng chục ki lô mét để đến với chợ, nhưng hầu như không có phiên nào chợ họp mà họ vắng mặt cả.
Cứ như vậy, đến ngày có chợ, hầu như các hoạt động ở những địa phương vùng giáp biên này đều ngưng lại, người ta kéo về chợ biên giới với những mục đích khác nhau. Nhìn hình ảnh những cụ già chống gậy đến chợ, hay trẻ con vui vẻ bước theo đến chợ biên giới, có thể phần nào hiểu được giá trị về tinh thần của những phiên chợ thế này đối với đời sống của người dân nơi đây.
Hoạt động giao thương diễn ra thường xuyên nên dù là phiên chợ của người Việt và Lào nhưng không hề có bất đồng ngôn ngữ. Người Việt học tiếng Lào để giao thương và ngược lại, khiến cho phiên chợ diễn ra càng thêm đầm ấm. Đó thực sự là những điều giá trị mà không phải vùng giáp biên giới nào cũng có được trong tình hữu nghị hai nước Việt- Lào hai nước anh em tình sâu hơn nước hồng hà cửu long.
Phiên chợ ngoài giao thương buôn bán các sản phẩm của cư dân vùng biên, sự giao lưu văn hóa của hai nước Việt Lào cũng giúp thêm thắm tình gắn bó keo sơn của thế hệ trẻ. Ảnh: Hoàng Thông |
Thượng tá Phan Nhật Thành, chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chia sẻ: Chợ phiên Nậm Cắn thường xuyên đã góp phần thúc đẩy giao thương, mua bán hàng hóa giữa 2 tỉnh Nghệ An – Xieng Khuoang Lào, phiên chợ truyền thống giàu bản sắc văn hóa này, cũng đã và đang trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm thú vị cho du khách đến hẹn lại lên với vùng biên.
Nguồn:Lên chợ phiên nơi biên cương Nậm Cắn
Hoàng Thông- Trần Dũng
thuonghieuvaphapluat.vn
- Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Đón khách du lịch trở lại từ ngày 13/9
- Tạm dừng chuỗi sự kiện Tết Trung thu và một số hoạt động văn hóa tại Hà Nội
- Cà phê Hà Nội dưới góc nhìn của du khách nước ngoài
- Nhiều sự kiện đặc sắc tại Festival Thu Hà Nội diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/9
- Lễ hội Thành Tuyên được cấp chứng nhận bản quyền nhãn hiệu
-
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Đón khách du lịch trở lại từ ngày 13/9
-
Ninh Vân: Chốn bình yên tươi đẹp
-
Các quốc gia Châu Á ăn Tết Trung Thu thế nào?
-
Phố Hàng Mã ở Hà Nội nhộn nhịp ngày Tết Trung thu
-
Lạc lối ở Yellowstone
-
PVCFC và SAMSUNG mở rộng phân phối sản phẩm chất lượng trên thị trường thế giới
-
Tình người sau cơn bão: Hành trình thiện nguyện đến xóm Khuôn Lặng
-
Dừng tổ chức Tuần văn hóa du lịch “Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” năm 2024
-
Nghĩa đồng bào trong bão, lũ