Loạn thuốc giải độc, bổ phổi hậu Covid
Chị Minh 32 tuổi ở TP HCM, được nhân viên một trung tâm chăm sóc sức khỏe tư vấn liệu trình thải độc hậu Covid với cam kết "không tác dụng phụ, khỏi hoàn toàn di chứng".
Người này tự giới thiệu là trợ lý bác sĩ, giải thích với chị Minh rằng hầu như ai cũng bị tổn thương phổi sau khỏi Covid. Khi phổi tổn thương, việc cung cấp oxy cho cơ bắp, não bộ kém đi nên người hay mệt, khó thở, đau đầu, mất ngủ. Do đó, "phương pháp của họ là tập trung thanh lọc phổi để hệ hô hấp trở về trạng thái bình thường, cơ thể khỏe mạnh sẽ giải quyết được các vấn đề hậu Covid-19", chị Minh thuật lời nữ nhân viên tư vấn.
Theo tư vấn, người bệnh cần xét nghiệm máu để xem đang thiếu chất gì, bác sĩ sẽ lên liệu trình truyền nhóm vi chất gồm vitamin, khoáng chất phù hợp với mỗi người. Giá của một lần truyền là 3,6 triệu đồng, bao gồm phí khám ban đầu. Nếu điều trị trong tháng 3, liệu trình 5 buổi, chị Minh được giảm giá còn 15 triệu, liệu trình 7 buổi là 18 triệu đồng.
Người nhân viên này cũng cho biết trong liệu trình truyền có chất chống oxy hóa nhằm thải hết những độc tố tích tụ trong phổi, gan, tim, thận ra ngoài. Tổ hợp vi chất này được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch tay, giống như truyền nước biển, mỗi lần truyền kéo dài một giờ. Chị Minh kể người này cam kết "truyền xong một liều sẽ thấy khỏe, tràn đầy năng lượng ngay".
Sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chị Minh quyết định không mua gói "giải độc phổi" này do không tin tưởng hiệu quả thực sự.
Trên các nền tảng mạng xã hội, để bán thực phẩm chức năng, thuốc và liệu trình "thanh lọc phổi" hậu Covid, người bán dùng những lời quảng cáo "thần thánh" như chữa xơ phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, liệu trình đặc biệt có một không hai giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể; thuốc bổ phổi cực mạnh, do cô giáo trưởng khoa đông y bán... Giá sản phẩm từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng.
Anh Phong 29 tuổi ở Hà Nội, tiền sử viêm xoang, sau Covid đã dùng nhiều loại thuốc ho, thuốc ngậm, xịt họng, súc họng nước muối và bổ phế nhưng vẫn đau rát họng, ho nhiều. Anh lo triệu chứng kéo dài này để lâu sẽ ảnh hưởng tới phổi nên muốn uống thuốc hỗ trợ chức năng phổi hoặc thực phẩm chức năng để ít tác dụng phụ. Tìm hiểu trên mạng với quá nhiều loại thuốc, anh đâm ra hoang mang, nói rằng "lạc vào ma trận" không biết chọn loại nào. Hầu hết thuốc được người bán giới thiệu là nguồn gốc từ nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Nga..., cam kết chính hãng, giá phải chăng, uống một liệu trình là sạch phổi.
Anh Phong được người quen giới thiệu viên uống bổ phổi của Australia, tác dụng long đờm, giảm ho, "bảo vệ phổi một cách tối đa và giúp thở dễ dàng hơn". Người bán cho biết thuốc còn giúp loại bỏ các loại khí độc như bụi, khói hay hóa chất từ môi trường, chất độc trong thuốc lá; tăng khả năng kháng khuẩn cho phổi tối đa; khôi phục lại những tế bào bị tổn thương của phổi... Thuốc giá gần 700.000 đồng một lọ. Anh cũng được tư vấn thêm thuốc lọc phổi của Nhật, giá khoảng một triệu đồng một lọ; hoặc thuốc của Nga, Mỹ, giá tương tự.
Anh Phong tìm kiếm thông tin các loại thuốc qua mạng, cho biết "như lạc vào ma trận" với hàng trăm loại thuốc và mức giá mỗi nơi một kiểu. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Các bác sĩ cho rằng nhiều người lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng di chứng hậu Covid để bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, khẳng định "không có chuyện hậu Covid-19 phổi bị độc, không có thuốc thanh lọc thải độc phổi, cũng không có thuốc chuyên biệt cho hậu Covid-19". Về mặt y khoa, bác sĩ chỉ định lọc, rửa phổi trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý bụi phổi do làm việc trong môi trường quá nhiều bụi như than, kim loại. Kỹ thuật này phải được thực hiện tại bệnh viện và được cơ quan chức năng cấp phép, cách thức là bác sĩ đưa dụng cụ chuyên dụng vào phổi bệnh nhân để sục rửa.
"Lọc phổi bằng thuốc là điều không thể", bác sĩ Khanh nói và cho rằng các loại thuốc, thực phẩm giải độc đang được rao bán tràn lan trên mạng thực chất là thuốc bổ phế, bài thuốc đông y hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp, hoặc vitamin và khoáng chất... Các loại thuốc này chỉ có thể giúp cải thiện một phần, giúp phổi khỏe hơn, ông Khanh nói thêm. Bộ Y tế đến nay chưa có khuyến cáo về việc dùng thuốc ở bệnh nhân hậu Covid. Phác đồ điều trị cũng đang được nghiên cứu.
Kỹ thuật viên Nguyễn Ích Thưởng, Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói rằng thông thường bệnh nhân xét nghiệm âm tính vẫn còn tồn tại một số vấn đề như ho, khó thở, khạc ho, đờm, yếu cơ, hạn chế vận động... thậm chí tâm lý bất ổn, lo lắng. "Không phải ai mắc Covid-19 cũng bị ảnh hưởng đến phổi", ông Thưởng giải thích.
Theo ông, sau khỏi Covid người bệnh còn khó thở, ho khạc đờm..., bác sĩ sẽ hướng dẫn cách can thiệp hoặc kỹ thuật tập thở để phục hồi, tăng lưu thông khí, cải thiện đường thở, cải thiện hô hấp. Trường hợp bệnh nhân có tổn thương phổi rõ ràng, phải điều trị theo phác đồ y khoa kết hợp giữa chuyên khoa hô hấp và phục hồi chức năng. Do đó, người khỏi Covid cần theo dõi biểu hiện lâm sàng, có di chứng thì đi khám đúng chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc chưa được cấp phép hay uống dự phòng thuốc, khiến bệnh nặng hơn.
Cùng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ho sau khi khỏi Covid là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, ho là phản xạ có lợi, làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở. Bác sĩ chỉ điều trị khi cơn ho quá nhiều ảnh hưởng tới ăn uống và giấc ngủ. Ho không nhiều, người bệnh không cần can thiệp, chỉ tập hít thở, uống nước ấm, bổ sung dinh dưỡng... để tăng đề kháng.
Thay vì dùng các biện pháp "thanh lọc phổi, bổ phổi" như trên, các bác sĩ khuyên người bệnh tập hít vào và thở ra bằng mũi, thở chậm cho đến khi hết cơn ho. Ngậm miệng và nuốt liên tục đến khi hết cơn ho hoặc uống nước ấm thành ngụm nhỏ cho đến khi cơn ho dừng. Vệ sinh miệng và cổ họng để tránh tích tụ mảng bám tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các bước vệ sinh đúng cách là đánh răng hai lần mỗi ngày, ít nhất hai phút mỗi lần. Thay bàn chải đánh răng theo chu kỳ ba tháng. Súc miệng và họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Ăn đầy đủ chất, hạn chế thức ăn cứng hay rượu, bia, thuốc lá... do dễ kích thích niêm mạc cổ họng.
Các bác sĩ cũng cho rằng hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nhẹ không cần xét nghiệm khi khỏi bệnh. Người đang hồi phục sau bệnh nặng, đã xuất viện hoặc người có các triệu chứng kéo dài không giải thích được thì cần làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn. Khi đi khám hậu Covid-19, người bệnh nên mang theo những hồ sơ sức khỏe trước đây (nếu có) để bác sĩ tham khảo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng hậu Covid-19 xảy ra ở những người mắc bệnh được ba tháng, với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Còn Covid kéo dài (Long-Covid) là triệu chứng của bệnh nhân khi nhiễm Covid-19 vẫn kéo dài đến ba tháng mặc dù đã khỏi bệnh./.
Nguồn: Loạn thuốc giải độc, bổ phổi hậu Covid
Nhóm PV
VnExpress
-
Thị trường thực phẩm chức năng ảnh hưởng ra sao sau bê bối Kobayashi?
-
IVIE - Bác sĩ ơi: Giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động 5 trong 1
-
Con trai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ
-
Bạn có đang lãng phí tiền vào thực phẩm chức năng?
-
Những câu hỏi về bản thân giúp bạn nâng cấp chính mình
-
Sử dụng thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?
- Ngôn từ của giới trẻ: Hòa nhập đừng hòa tan
- 20/11 - Ngày gửi gắm lời tri ân
- Trường Đại học Thành Đông tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường
- Từ ngày 25/12, muốn livestream trên mạng phải xác thực số điện thoại
- Science Tornado 2024: Lan tỏa niềm hứng thú và đam mê tìm tòi khoa học
- Khai mạc giải cầu lông Kamito Open tranh cúp Thương hiệu và Pháp luật lần thứ III – năm 2024
- VIETRAMED EXPO 2024: Giới thiệu sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng
- Triển lãm Science Tornado: Truyền lửa đam mê khoa học cho học sinh
- Công an Hà Nội (PC07) kết luận về hệ thống PCCC tại Eurowindow River Park hoạt động bình thường
- Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương là Người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông
- Hà Nội hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm vào năm 2025: Có bảo đảm tính khả thi?
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
PV Trans được dự báo có nhiều triển vọng sau khi mở rộng đội tàu mạnh mẽ
-
Đội tuyển Việt Nam đón tin vui ở Asian Cup 2027