Thể thao Việt Nam và câu chuyện buồn từ doping

16:47 | 14/04/2023

|
Thể thao Việt Nam đã có những cảnh tỉnh và có rất nhiều chương trình tuyên truyền phòng, chống doping nhưng vẫn xảy ra những nghi án liên quan đến doping. Mà ở đây, câu chuyện lại xảy ra ở giải đấu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam là Đại hội thể thao toàn quốc.
Thể thao Việt Nam với bài toán chỉ tiêu ở SEA Games 32Thể thao Việt Nam với bài toán chỉ tiêu ở SEA Games 32
Hướng tới SEA Games 31: Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì?Hướng tới SEA Games 31: Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì?
Thể thao Việt Nam và câu chuyện buồn từ doping
Nhân viên lấy mẫu doping tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022. Ảnh: Hoài Việt

Những trường hợp được cảnh báo

Đã có ý kiến đưa ra rằng, vì áp lực thành tích và vì chỉ tiêu huy chương trong mỗi kỳ Đại hội thể thao toàn quốc nên một số địa phương đã để xảy ra cơ sự có nghi vấn trường hợp vận động viên sử dụng doping trong thi đấu thể thao.

Từng trả lời thẳng thắn với truyền thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt nói rằng “việc có trường hợp vận động viên thể thao Việt Nam dính doping tại SEA Games 31 là một cú sốc với chúng ta.

Thể thao Việt Nam không bao giờ cho phép cũng như ủng hộ việc sử dụng thuốc và các phương pháp từ đó dính doping đối với các vận động viên. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tìm hiểu kỹ càng nguyên do vì sao vận động viên dính doping và nguồn cơn nào khiến mẫu thử dương tính với chất cấm”.

Lúc này, nguồn thông tin của Báo Lao Động cho biết, kết quả kiểm tra mẫu thử tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 sau khi Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam lấy các mẫu của các vận động viên thì chỉ có các trường hợp ở cử tạ và thể hình có nghi vấn dương tính.

Thực tế, hai môn cử tạ và thể hình đã có những trường hợp vận động viên dính doping trong một số giải trước đó và ngành thể thao rất cẩn trọng đối với hai môn này.

Nhưng vì sao, môn cử tạ và môn thể hình vẫn xảy ra trường hợp nghi vấn dương tính doping tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 vừa qua? Hiện tại, kết quả từ mẫu thử tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 với môn cử tạ được cho là xảy ra 3 trường hợp vận động viên nghi vấn dính doping.

Môn cử tạ tại giải này được tổ chức thi đấu ở tỉnh Thanh Hóa và có tổng 12 đơn vị giành được huy chương. Trong đó, vận động viên của Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Công an Nhân dân, Lâm Đồng, Hải Phòng, Khánh Hòa giành được Huy chương Vàng còn các đơn vị Cà Mau, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk có huy chương nhưng không giành được Huy chương Vàng.

Ở môn thể hình (thi đấu tại Hải Phòng), số đơn vị giành được Huy chương Vàng là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Nghệ An, Đồng Nai, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Tiền Giang, Lào Cai, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Công an Nhân dân. Một số đơn vị giành được huy chương nhưng không có Huy chương Vàng là Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Khánh Hòa.

Hiện tại, trong các trường hợp nghi vấn dương tính với doping tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9, không vận động viên nào là tuyển thủ quốc gia. Tất cả các trường hợp đều là vận động viên đơn vị địa phương tham gia thi đấu tại giải. Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 đã kết thúc vào ngày 21.12.2022.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm tiến hành lấy mẫu thử rồi gửi đến phòng xét nghiệm, kiểm tra theo quy định. Tổng cục Thể dục Thể thao cùng các địa phương tổ chức thi đấu môn thi đấu là các đơn vị tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm ngoái (Quảng Ninh là địa phương chủ nhà chính của kỳ Đại hội này). Trách nhiệm về xử lý các trường hợp nghi vấn về dính doping sẽ được các bên xử lý, trong đó vai trò của Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam cũng được đưa ra.

Về cơ bản, doping là điều không được phép xảy ra cũng như các vận động viên phải ý thức được hệ lụy sau khi mẫu thử (vô tình hay hữu ý) được kiểm tra dương tính với chất cấm theo quy định. Xa hơn, hình ảnh thể thao Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Bởi vì, các kết quả về kiểm tra doping đều phải có thông báo đến Tổ chức phòng chống doping quốc tế WADA và cơ quan này sẽ có lưu trữ thông tin đồng thời dựa trên các kết quả sau giải trình, kết quả về nội dung chất cấm vi phạm từ đó đưa ra án phạt cho từng trường hợp vận động viên.

Chính việc chưa kiểm soát được khả năng có thể xảy ra trường hợp vận động viên sử dụng doping trong thi đấu nên Ban tổ chức kỳ SEA Games 32 của chủ nhà Campuchia đã thông báo loại môn này, dù ban đầu thể hình đã dự kiến nằm trong chương trình thi đấu chính thức.

Trong khi đó, cử tạ Việt Nam từng có bốn tuyển thủ Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh gặp án cấm thi đấu do liên quan đến doping. Không ai muốn một lần nữa, cử tạ lại có trường hợp nhận án cấm vì câu chuyện này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL (ngày 30.12.2015) để Quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam. Đây là Thông tư để nhà quản lý dựa vào từ đó thực hiện các bước xử lý với các trường hợp vận động viên thể thao dính doping.

Sau khi bị nghi vấn dính doping, vận động viên có quyền và có thời gian để giải trình với cấp quản lý cũng như nhiều thủ tục khác được thực hiện. Chỉ khi các thông tin xác định thì quyết định rằng vận động viên đã dính doping sẽ được đưa ra kèm các chế tài xử phạt.

Nguồn:Thể thao Việt Nam và câu chuyện buồn từ doping

Hoài Việt

laodong.vn