Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng

04:15 | 02/11/2022

|
Trở về sau thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon, nhiều người Việt cảm thấy nhẹ nhõm vì may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, nhưng điều đón chờ họ không chỉ có những lời an ủi.
Nỗi đau người mẹ Việt mất con trong vụ thảm hoạ ItaewonNỗi đau người mẹ Việt mất con trong vụ thảm hoạ Itaewon
Bộ Ngoại giao thông tin chính thức về người Việt thiệt mạng ở ItaewonBộ Ngoại giao thông tin chính thức về người Việt thiệt mạng ở Itaewon

Chia sẻ với Zing vào chiều 30/10, anh Lee Kang (biệt danh), thông dịch viên tại một phòng khám nha khoa ở Hàn Quốc, cho biết đến lúc này “tôi mới đủ bình tĩnh để nói lên sự việc kinh hoàng xảy ra tại Itaewon vào tối 29/10”.

Nhưng khi chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng trên mạng xã hội, anh Lee không chỉ nhận được những lời an ủi vì may mắn thoát nạn. Anh đọc được nhiều ý kiến trái chiều và bình luận ác ý trong vụ giẫm đạp khiến 155 người thiệt mạng ở Itaewon, Seoul, vào đêm 29/10.

Anh Lee cảm thấy e ngại khi công khai thông tin cá nhân vì những bình luận tiêu cực, chẳng hạn “đi chơi đông nên đáng đời”.

Chung cảm nhận với anh Lee, Hồng Ân (27 tuổi), một người hoạt động nghệ thuật ở Seoul, cũng cho biết anh và một số bạn bè đều đau lòng khi đọc các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, “vì đây là chuyện không ai ngờ tới”.

Sau thảm kịch tại Itaewon, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng ngôn từ kích động, nhằm đổ lỗi cho nạn nhân, cũng như lan truyền thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội. Ông cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng và tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ giẫm đạp, theo Reuters.

Bị công kích vì đi chơi

Trong các bài viết trên mạng xã hội đưa tin liên quan đến thảm kịch tại Itaewon, có thể bắt gặp không ít những bình luận mang tính công kích như “không chịu ở nhà mà đến đó làm gì”, “đông vậy còn cố chui vào”, hoặc thậm chí nặng hơn mang ý chỉ trích nạn nhân làm khổ người thân, và rằng việc những người gặp nạn vì chen lấn, xô đẩy trong chỗ đông người là “đáng”.

Trong một số trường hợp người Việt tham gia lễ hội ở Itaewon mà Zing tiếp cận, có người từ chối trả lời phỏng vấn hoặc cung cấp thông tin cá nhân - như trường hợp của anh Lee - vì sợ bị công kích. Theo ghi nhận của Zing, một số trường hợp người dùng mạng đã tự xóa bài viết hoặc bình luận chia sẻ về trải nghiệm của họ khi có mặt tại hiện trường.

Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng
Dòng người tại khu phố Itaewon trước khi thảm họa xảy ra. Ảnh: NVCC.

Trước các bình luận tiêu cực, Hồng Ân cho rằng chúng chỉ gây thêm tổn thương cho bi kịch đã xảy ra, dù là đối với người sống sót sau vụ việc, người tham gia lễ hội, hay người thân nạn nhân.

Theo anh, ngay cả bậc phụ huynh khi biết con mình tham gia lễ hội, họ cũng chỉ muốn con có trải nghiệm vui vẻ chứ không thể lường trước những bất trắc. “Nếu nghe hoặc đọc được những lời này, họ thậm chí sẽ càng đau khổ hơn”, anh nói.

Ân chia sẻ thêm rằng trước đây, anh cũng từng tham gia nhiều lễ hội và đến những nơi đông đúc nhưng luôn có trải nghiệm vui vẻ.

Hoàng Hiền, sinh sống tại Seoul (Hàn Quốc) được hơn 3 năm, người có mặt tại Itaewon trong thời gian xảy ra thảm kịch, có cùng quan điểm: “Người tham gia cũng không hề lường trước được sự việc. Mọi người đến tham gia để hưởng ứng lễ hội và ban đầu không khí rất vui tươi. Sự cố xảy ra hoàn toàn ngoài dự đoán”.

Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách và giới truyền thông cũng cảnh báo về tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân.

Ngay sau thảm kịch, các bức ảnh và video về vụ việc bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều nội dung trong số đó không làm mờ hình ảnh nạn nhân và người có mặt. Một số còn cho thấy rõ khuôn mặt người xấu số và thi thể nằm rải rác trên phố.

Các nhà chức trách và chuyên gia cảnh báo việc lan truyền hình ảnh, video như trên đang gây tổn thương thêm cho nạn nhân và người có mặt tại hiện trường, vì họ trở thành mục tiêu của một nhóm người dùng mạng xã hội có xu hướng công kích và đổ lỗi.

“Xin hãy hạn chế chia sẻ những bình luận công kích các nạn nhân và lan truyền thông tin sai lệch, hoặc những hành vi khiêu khích liên quan đến vụ việc”, Thủ tướng Han Duck Soo hôm 31/10 phát biểu tại cuộc họp ứng phó thảm họa.

Các nền tảng truyền thông xã hội đang yêu cầu người dùng hợp tác để tôn trọng nạn nhân và ngăn chặn thiệt hại thêm.

Twitter Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu người dùng “không đăng nội dung khiêu khích”. Nền tảng này cảnh báo họ có thể có hành động đối với những nội dung và người dùng như vậy.

Kakao, dịch vụ nhắn tin nổi tiếng của Hàn Quốc, cũng kêu gọi người dùng hạn chế chia sẻ thông tin không chắc chắn về vụ việc hoặc ảnh và clip tiết lộ danh tính nạn nhân, nhằm tránh một số người dùng mạng có thể đổ lỗi cho nạn nhân, theo Korea Herald.

Hiệp hội Thần kinh Hàn Quốc hôm 30/10 cũng kêu gọi công chúng hạn chế phát tán hình ảnh và video về vụ việc, có thể dẫn đến tổn thương hơn cho người trong cuộc.

"Ngôn ngữ công kích trong các tình huống bi kịch sẽ làm sâu sắc thêm nỗi đau của tang quyến và những người có mặt tại hiện trường. Sự thù ghét như vậy sẽ gây ra xung đột xã hội và không giúp ích gì cho việc giải quyết khủng hoảng”, hiệp hội cho biết.

Cảnh sát cũng tuyên bố họ sẽ có biện pháp nghiêm khắc đối với những người tung tin thất thiệt về vụ việc và xâm phạm quyền riêng tư của nạn nhân.

Tôi nhìn thấy những thi thể trên đường

Anh Lee và người thân có mặt tại Itaewon lúc 21h30. Đến 22h, lượng người gia tăng đột biến khiến cả hai bị cuốn theo dòng người.

“Mọi người chen đẩy nhau, chèn ép, chỉ nhích được từng bước nhỏ. Em tôi khá nhỏ nên bị ép tới mặt bẹp dí. Dù không quá to cao, tôi cố vòng tay che chắn giúp em mình”, anh kể lại.

Cả hai phải dùng hết sức để ép sát vào lề đường - nơi duy nhất anh Lee nghĩ có thể giảm được sự đùn đẩy. “May mắn trước mặt tôi có một bạn người Hàn cao to, tôi liền đi theo và kéo em tôi thoát khỏi sự đùn đẩy. Chúng tôi tấp vào lề đường và gặp đúng chỗ bán đồ trang điểm, có vừa đủ một khoảng trống cho hai anh em”, anh nói với Zing.

Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng
Người dân đặt hoa, bày tỏ sự thương tiếc sau thảm kịch Halloween, ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 31/10. Ảnh: Reuters.

Khoảng 10 phút sau, anh Lee nghe tiếng một số người kêu lên: “Đừng đẩy nữa, có người chết rồi”.

“Nhưng thực sự vô vọng vì nhạc ở quán ven đường bật rất to và người cũng quá đông. Lúc đó, nhiều người cũng không nghĩ là thật, chỉ đoán rằng bị chèn nhiều nên họ kêu lên như vậy. Tiếng người làm sao át được tiếng loa đài và đám đông cả nghìn người!”, anh chia sẻ.

May mắn hơn anh Lee, Hồng Ân không bị cuốn vào dù đến khu Itaewon để tham gia lễ hội hóa trang đúng thời điểm vụ giẫm đạp xảy ra, tức khoảng 22h.

Đứng trước một con hẻm đông đúc và có nhiều quán bar, Ân và bạn bè thậm chí đã định đi vào “để xem trong đó có gì vui mà người ta tập trung đông đến vậy”. Tuy nhiên, khi anh vừa chuẩn bị bước vào hẻm thì thấy mọi người ùa ra và nói rằng bên trong có tai nạn.

“Tôi cảm giác như mình vừa thoát chết khỏi tai nạn đó, vì chỉ cần tôi vào đó sớm hơn vài phút thôi, tôi có thể là một trong những nạn nhân”, anh nói với Zing.

Chị Hoàng Hiền cũng may mắn thoát nạn. Chị cho biết trước khi thảm họa xảy ra, không khí ở đây rất náo nhiệt và có nhiều phần hoá trang độc đáo.

“Tôi cũng thử chen vào dòng người để cảm nhận không khí, nhưng đi được một đoạn ngắn thì cảm thấy rất ngột ngạt, bị chen lấn xô đẩy. Vì vậy, tôi và bạn đã quyết định quay trở lại đường lớn, tìm một quán cách xa khu đông nhất của con phố”, chị chia sẻ.

Sau đó, chị đã ngồi ở tầng 2 một quán cà phê không quá đông đúc cho đến khi về nên “may mắn tránh được thảm kịch đáng tiếc".

Trong khi đó, anh Lee vẫn mắc kẹt giữa dòng người. Chỉ đến khi nhìn thấy bảo vệ của các quán xung quanh và nhiều người khiêng một số nạn nhân ra ngoài, đám đông mới bắt đầu mở đường một chút, nhưng loa đài vẫn bật lớn.

“Tại thời điểm đó, tôi chưa thấy lực lượng cảnh sát hay cứu hỏa hỗ trợ đưa (nạn nhân) ra ngoài”, anh nhớ lại.

Đến khoảng 23h ngày 29/10, anh Lee thấy cảnh sát đến dẹp đường nhưng họ cũng rất bất lực. Ban đầu, họ không sử dụng loa hay các thiết bị hỗ trợ mà chỉ dùng còi để hướng dẫn đám đông, anh Lee cho biết.

“Có thể nhiều người nghĩ đó là người dân hóa trang thành cảnh sát nên việc mở đường hầu như không có tác dụng, chỉ thấy (từ xa) các anh chị mặc thường phục khiêng nạn nhân chạy ra phía đường lớn. Lúc này, mọi người mới biết có sự cố”, anh nói.

Giống như anh Lee, chị Hiền chia sẻ khi đang ở trong quán cafe, bản thân không hề hay biết một vụ giẫm đạp và chèn ép kinh hoàng đang xảy ra ở ngoài kia.

“Tôi không hề biết gì cho đến lúc ra về. Khi ở trong quán, tôi có nghe tiếng xe cứu thương nhưng chỉ nghĩ có người bị thương (nhẹ)”, chị chia sẻ. Tuy nhiên, khi rời khỏi quán và chứng kiến hiện trường kinh hoàng, chị Hiền rất hoảng sợ và tìm cách ra khỏi khu vực này.

Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng
Những người hóa trang tham gia lễ hội Halloween ở Itaewon, trước khi thảm kịch xảy ra. Ảnh: NVCC.

Anh Ân cũng chia sẻ anh và mọi người xung quanh ban đầu gần như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi đến, anh thấy rất nhiều xe cấp cứu nhưng chỉ nghĩ khu vực quá đông nên các nhà chức trách có phương án dự phòng.

Đi sâu hơn vào trong khu phố, anh bắt đầu thấy vài nhân viên cứu hộ hồi sức cấp cứu cho nhiều người đang nằm trên đường, nhưng chỉ nghĩ những người này đơn giản bị ngất đi vì ngộp và sẽ mau chóng tỉnh lại sau khi được hô hấp nhân tạo.

Tuy nhiên, tâm trạng Ân mỗi lúc một hoảng loạn khi càng đi vào sâu bên trong, anh càng thấy nhiều người nằm bất động trên đường. Cứ cách vài bước chân lại có một người nằm.

Số người bất tỉnh được khiêng ra từ bên trong đám đông mỗi lúc một nhiều. Ban đầu, nhân viên cứu hộ còn dùng cáng để khiêng người, nhưng về sau số người cần được khiêng ra nhiều đến mức họ không chuẩn bị đủ cáng.

Ân chia sẻ rằng anh đã nhìn thấy thi thể nằm trên đường, các nhân viên cứu hộ cố gắng tìm chỗ có thể đặt thi thể, vì lượng nạn nhân quá đông và họ còn cần giải cứu những người khác.

“Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi vừa sợ, cũng vừa thương xót. Đa số nạn nhân trong đó là người trẻ. Chúng tôi, cũng như các bạn ấy, đến đây với tâm thế đi chơi, giao lưu, nhưng không ngờ lại xảy ra tai nạn đến mức bỏ mạng”, Ân chia sẻ.

“Một số cặp bạn bè, người yêu đi chơi cùng nhau, người sống cố gắng hô hấp, hồi sức cho người chết nhưng vô vọng”, Ân nói, giọng hơi run và nghẹn như cố kìm nước mắt.

Ân cho biết chứng kiến cảnh tượng ấy khiến anh không còn đủ bình tĩnh để tiếp tục vui chơi và “chỉ muốn về nhà ngay lập tức”.

“Tuy nhiên, khu vực sau đó bị phong tỏa khiến chúng tôi không thể bắt được xe buýt và rất khó gọi taxi, trong khi chuyến cuối cùng của tàu điện ngầm là 23h30. Đến lúc này thì tôi không thể về nhà, chỉ còn cách loanh quanh trên con đường vẫn còn những thi thể, để chờ tàu điện ngầm mở cửa lúc 5h”, anh kể lại.

“Dù không muốn, tôi vẫn phải nhìn những cảnh tượng đó suốt đêm, với suy nghĩ quanh quẩn trong đầu rằng mình đang ở trên một con phố vừa có rất nhiều người chết. Sáng về đến nhà, tôi thậm chí nhận được cả tin nhắn từ người quen kể rằng bạn của họ đã qua đời trong vụ việc”, anh nhớ lại.

Khi ra khỏi quán cà phê, chị Hiền cũng trông thấy “những nạn nhân tử vong được phủ một tấm vải xanh và nằm hàng dài trên đường trong thời tiết lạnh lẽo”. Chị mô tả đó là một cảnh tượng “hãi hùng đối với bản thân”.

Thiếu sót từ nhà chức trách

Trở về sau lần thoát nạn, anh Lee cho rằng đội cứu hộ của Hàn Quốc làm việc chưa hiệu quả trong vụ giẫm đạp vừa qua ở Itaewon. “Tại sao không chỉ đạo các quán tắt nhạc và phát cảnh báo sự cố? Tại sao cảnh sát lại đến muộn như vậy?”, anh chất vấn.

Dù có cảnh báo về an ninh công cộng được gửi đến người dân, tin nhắn chỉ đến khi sự việc đã xảy ra, và trong bối cảnh rất nhiều người tham gia lễ hội có thể không để ý đến điện thoại.

Anh Lee cũng cho biết lễ hội Halloween ở Itaewon là một sự kiện đông đúc nhưng tàu điện ngầm vẫn dừng hoạt động từ 24h. Do không thể đi tàu, không bắt được xe buýt hay taxi vì đông, mọi người càng tràn ra đường. Anh cho rằng nếu tàu hoạt động lâu hơn, đường phố sẽ được giải phóng và tránh ùn tắc.

Cảnh sát cố gắng khuyên một người đàn ông bày tỏ thương tiếc với nạn nhân tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Reuters.

Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng
Cảnh sát cố gắng khuyên một người đàn ông bày tỏ thương tiếc với nạn nhân tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Reuters.

Hồng Ân và Hoàng Hiền có phản ánh tương tự.

Sau khi rời khỏi con phố, Hiền cũng gặp khó khăn khi tìm cách trở về nhà. “Rất đông người tìm cách di chuyển bằng phương tiện công cộng nên xe buýt chật cứng. Giá taxi cũng tăng mạnh. Vì vậy, tôi và người bạn quyết định đi bộ và tìm ga gần nhất để ngồi chờ tàu đến tận 6h sáng”, chị cho biết. Lúc đó, thời tiết ngoài trời vào tối 29/10 rất lạnh.

Theo Hồng Ân, một số tài xế taxi đã nâng giá lên 4-5 lần so với bình thường. “Từ Itaewon về nhà tôi thường chỉ mất khoảng 8.000 won, nhưng đã bị hét giá lên tới 40.000 won”.

Trong khi đó, anh Lee chia sẻ từng tham gia lễ Halloween vào năm 2021, sự kiện thu hút nhiều người nhưng không “đông đến nỗi bị chèn ép như lần này”. Do dịch Covid-19, hoạt động kiểm tra cũng gắt gao hơn với sự xuất hiện của cảnh sát, chốt kiểm tra và khử trùng.

“Năm ngoái, nếu đông quá, cảnh sát sẽ chặn không cho vào nữa. Nhưng năm nay, tôi không thấy hệ thống an ninh (đảm bảo) như vậy”, anh kể.

Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng
Tin nhắn cảnh báo thảm họa gửi đến người dân trong khu vực vào đêm 29/10. Ảnh: NVCC.

Nhiều người chia sẻ chung quan điểm với anh Lee.

Chị Nguyễn Yến, đang học tập và làm việc tại Seoul, cho biết dù không trực tiếp có mặt tại hiện trường, chị liên tục cập nhật thông tin về vụ việc, trong đó nhiều người dân “phàn nàn về việc có khá ít cảnh sát đến giữ trật tự và điều tiết giao thông trong sự kiện đêm 29/10”.

Theo chị Yến, các lễ hội lớn ở Hàn Quốc thường được bố trí nhiều nhân viên và bảo an để đảm bảo hoạt động suôn sẻ. Tuy nhiên, sự kiện ở khu Itaewon “do mọi người tự lên kế hoạch hóa trang để vui chơi và khu phố này cũng nổi tiếng với nhiều quán bar, quán rượu (đông đúc)”.

Song tình trạng chen lấn trong các lễ hội không phải xảy ra lần đầu. “Nhiều lần tham gia các lễ hội tôi cũng gặp tình trạng tương tự, mọi người phía sau liên tục hô hào đẩy lên phía trước”, chị cho biết.

Sau thảm kịch, cảnh sát Hàn Quốc cũng đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ việc.

“Chúng tôi đã lường trước rằng nhiều người sẽ tụ tập ở đó. Nhưng chúng tôi không lường trước được việc thương vong lớn sẽ xảy ra do quá nhiều người tụ tập”, ông Ông Hong Ki Hyun, lãnh đạo bộ phận quản lý trật tự công cộng của cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, thừa nhận trước báo giới, theo Korea Times.

“Tôi được thông báo rằng các nhân viên cảnh sát tại hiện trường không nhận thấy quy mô của đám đông gia tăng đột ngột”, ông Hong cho biết thêm.

Dẫu vậy, Hồng Ân, người đã quan sát toàn bộ quá trình cứu hộ, ghi nhận nỗ lực của các nhân viên có mặt tại hiện trường.

“Tôi cho rằng họ cũng chịu khủng hoảng khi đó, nhưng vẫn làm việc không ngừng để cứu nạn nhân. Làm việc từ 22h, nhưng đến tầm 1-2h sáng, đội cứu hộ vẫn cố cứu một số người. Tuy nhiên, sau 2h, hầu như xe cứu thương đến chỉ để chở xác đi”, Ân nói.

Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.

Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.

Nguồn: Thoát chết ở Itaewon nhưng bị tấn công trên mạng

Hồng Ngọc, Vân Đinh, Hải Linh

https://zingnews.vn/