Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng

19:28 | 23/10/2022

|
Lợi nhuận trước thuế Vietbank đạt 536 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm; Ngành ngân hàng Việt vẫn có sức hấp dẫn cao; Doanh nghiệp lách cửa huy động vốn với lãi suất cao; Saigonbank báo lãi 236 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn là 5,41%Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn là 5,41%
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vayTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vay

Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng

Mới đây, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng
Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo NHNN, hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và hơn 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn có 4 tổ chức tài chính vi mô với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, sự phát triển về quy mô của thị trường còn được thể hiện qua việc liên tục có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công ty tài chính Việt Nam, điển hình như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance - công ty con của Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc…

Với sự phát triển này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…; qua đó hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.

Lợi nhuận trước thuế Vietbank đạt 536 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 của ngân hàng đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý 3/2022, lợi nhuận của Vietbank là 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 70%. Lãi từ dịch vụ tăng 32% đạt 82 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động 9 tháng của ngân hàng ở mức 995 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Vietbank đã trích 209 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 165% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 70.137 tỷ đồng, tăng 5,1%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13,6%.

Nợ xấu cuối quý 3 của Vietbank là 2.486 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.

Tháng 7/2022, Vietbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu thành công, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng từ mức 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng Việt vẫn có sức hấp dẫn cao

Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho biết, không có quỹ nào của VinaCapital đầu tư vào VTP hoặc SCB. Tuy vậy, các sự kiện xảy ra với Vạn Thịnh Phát và SCB ( cuối tuần qua NHNN thông báo đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt), theo VinaCapital là không có tính rủi ro hệ thống.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng
Ngành ngân hàng Việt vẫn có sức hấp dẫn cao/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư rằng liệu có bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào trong hệ thống ngân hàng từ các sự kiện gần đây hay không, VinaCapital khẳng định câu trả lời là “không”, dựa trên ba bằng chứng.

Thứ nhất, các ngân hàng khác không bị rút tiền ồ ạt. Thứ hai, thị trường liên ngân hàng tiếp tục hoạt động bình thường kể từ khi có thông tin về SCB. Thứ ba, nhóm ngân hàng của S&P cho rằng rủi ro từ sự kiện này chỉ giới hạn ở từng ngân hàng và không kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của S&P với Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, SCB không phải là một vấn đề mang tính hệ thống, mà là trường hợp cá biệt của một ngân hàng.

Theo ông Michael Kokalari, trong ngắn hạn, những rủi ro đối với ngành ngân hàng có thể đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là biên lợi nhuận mỏng, do chi phí huy động vốn cao hơn và điều chỉnh lãi suất cho vay chậm hơn, một phần là do chính phủ kêu gọi hạn chế tốc độ tăng lãi suất cho vay. Thứ hai, rủi ro với chất lượng tài sản là trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn (và có thể làm lung lay niềm tin vào các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai).

VinaCapital cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức rẻ với P/B trung bình 1.3x so với 19.2% ROE và P/E FY22 ở mức 9.1x so với mức tăng trưởng thu nhập dự kiến ít nhất là 30% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023.

Chính vì vậy, trong dài hạn, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp, và thu nhập tăng. Điều này nghĩa là Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, do đó ngành ngân hàng của đất nước chưa đến giai đoạn bão hòa.

Doanh nghiệp lách cửa huy động vốn với lãi suất cao

Sau khi Nghị định 65 ra đời, hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng, các doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp 2 năm qua đối mặt với áp lực đáo hạn lớn, trong khi rất khó huy động trái phiếu mới để đảo nợ. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách lách cửa huy động vốn.

Mới đây, Chị Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị được nhân viên Công ty A. Group mời mua “sản phẩm tài chính tiết kiệm” với lãi suất lên tới 13%/năm. Trước đó, đầu năm nay, nhân viên công ty này cũng liên tục mời chào chị mua trái phiếu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty này từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phạt vì bán trái phiếu chui và từng quảng cáo mô hình đầu tư mới với lợi nhuận lên tới 300% trong vòng đời dự án 3-5 năm. Từ tháng 7/2022, ứng dụng chào bán trái phiếu của công ty này đã được thông báo chuyển sang ứng dụng A. Finance và quảng cáo là ứng dụng tích lũy đầu tư và quản lý tài sản.

Tại ứng dụng trên, Công ty A. Group đang mời nhà đầu tư gửi tiền đầu tư theo nhiều gói sản phẩm đầu tư tiết kiệm, lãi suất cao, rút linh hoạt. Mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mà công ty này áp dụng lên tới 13%/năm và lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tới 12%/năm, kỳ hạn trả lãi hàng tuần và khách hàng có thể rút gốc trước hạn bất kỳ thời điểm nào.

Dù quảng cáo là sản phẩm tiết kiệm, song nhà đầu tư sẽ được ký hợp đồng cho vay vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư.

Không chỉ Công ty A.Group, vừa qua, Tập đoàn Y công bố mức lãi suất (lợi nhuận) áp dụng từ 10/10/2022 cho các khoản tiền gửi theo hợp đồng hợp tác là 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, hơn 9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và cao nhất lên tới hơn 11%/năm.

“Với hình thức gửi tiền này, nhà đầu tư không cần phải có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể gửi tiền từ 1 triệu đồng, thậm chí có thể được hoa hồng nếu giới thiệu thêm khách hàng. Khách hàng có thể yên tâm về tài sản của mình vì sẽ có thư bảo lãnh từ Tổng giám đốc Tập đoàn, cam kết sẽ trả gốc cho khách hàng trong mọi trường hợp”, nhân viên tập đoàn này khẳng định.

Khi Nghị định 65 thắt chặt điều kiện mua bán trái phiếu, việc doanh nghiệp “né” trái phiếu để đưa ra các hình thức huy động vốn lãi suất cao khác, đã được các chuyên gia cảnh báo trước đó.

Saigonbank báo lãi 236 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, tính riêng quý III/2022, thu nhập lãi thuần của SGB đạt 214 tỷ đồng, tăng đến 47,5% so với cùng kỳ trước.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng
Saigonbank báo lãi 236 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kỳ này, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 90%, mang về gần 30 tỷ đồng, nhờ thu về dịch vụ thanh toán và các khoản thu khác về dịch vụ. Mặt khác, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 57%, xuống 6,3 tỷ đồng do giảm thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác giảm 52%, còn 7,1 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Saigonbank đã chi ra 201 tỷ đồng chi phí rủi ro tín dụng, gấp 4,7 lần cùng kỳ, lên tới 201,7 tỷ đồng và 368,4 tỷ đồng chi phí hoạt động, chỉ tăng thêm hơn 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy có nhiều khoản lãi tăng mạnh nhưng do nhiều chi phí tăng, nên luỹ kế 9 tháng, nhà băng này ghi nhận 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21%. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cả năm 2022, Saigonbank đã vượt 24% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Tính đến 30/09/2022, tổng tài sản của Saigonbank tăng lên 25.308 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác giảm 28%, còn 3.651 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11%, đạt 18.336 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 1% so với đầu năm, lên mức gần 18.339 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của Saigonbank lên mức hơn 391 tỷ đồng, tăng đến 20% so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết, tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 150%, tương đương với 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng trích lập dự phòng 150 đồng - thuộc nhóm cao trong hệ thống.

SaigonBank đang là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn thấp nhất hệ thống.

Trong phiên giao dịch 21/10, VN-Index lún sâu xuống vùng 1.020 điểm với hàng loạt cổ phiếu giảm kịch sàn, tuy nhiên SGB vẫn bảo vệ sắc xanh với mức tăng 7,1%, đóng cửa ở mốc 13.500 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng

Huy Tùng (T/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/