Trung Quốc đầu tư dầu khí ở những nước nào?

08:50 | 05/09/2023

|
Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí của Trung Quốc (Sinopec) đã thành lập một công ty mới nhằm tập trung đầu tư vào chuỗi nhà máy lọc – hóa dầu ở nước ngoài. Sinopec đặt mục tiêu vận dụng chuyên môn và nguồn vốn dồi dào của mình để mở rộng hoạt động ra toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu ở nội địa đã gần đạt mức ổn định
Trung Quốc sẽ không được mua dầu từ kho dự trữ của MỹTrung Quốc sẽ không được mua dầu từ kho dự trữ của Mỹ
Trung Quốc gia hạn giảm thuế nhằm kích cầu xe điệnTrung Quốc gia hạn giảm thuế nhằm kích cầu xe điện
Trung Quốc đầu tư dầu khí ở những nước nào?

Hai quan chức của công ty cho Reuters biết, vào cuối tháng 6, Sinopec đã lặng lẽ ra mắt công ty Sinopec Oversea Investment Holding - công ty con duy nhất cho việc đầu tư, xây dựng và vận hành các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài. Hiện nay, Sinopec đang xây dựng đội ngũ và thiết lập ngân sách cho doanh nghiệp mới.

Gã khổng lồ của ngành lọc dầu châu Á đã quyết định vươn ra toàn cầu, trong thời điểm Trung Quốc hạn chế phê duyệt dự án nhà máy lọc dầu mới ở địa phương vì mức tăng trưởng nhu cầu đã chậm lại và công suất trở nên dư thừa. Hơn nữa, ngành công nghiệp lọc dầu đang chuyển sang sử dụng sản phẩm của sự chuyển dịch năng lượng và những nguyên vật liệu cao cấp hơn.

Ông Zhao Dong - Chủ tịch Sinopec, cho biết vào tháng 6 rằng Sinopec sẽ "mở rộng hoạt động kinh doanh hóa chất và lọc dầu ra nước ngoài bằng cách tận dụng tối đa sức mạnh cốt lõi của tập đoàn".

Sinopec từ chối bình luận với Reuters về những khu vực hoặc tài sản đang nằm trong tầm ngắm của họ. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của công ty (người này yêu cầu ẩn danh vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông), Sinopec sẽ ưu tiên những khu vực đang ghi nhận nhu cầu gia tăng và có nguồn nguyên liệu thô dễ tiếp cận.

Sri Lanka có thể là một khu vực tiềm năng như vậy. Trên thực tế, Sinopec là một trong những ứng viên dự thầu cho một dự án trị giá hàng tỷ USD: Dự án nhà máy lọc dầu ở thành phố Hambantota (miền Nam Sri Lanka), với định hướng xuất khẩu.

Theo Reuters, Sinopec cũng nằm trong số những công ty đang xem xét danh sách tài sản hóa dầu và lọc dầu của Shell tại Singapore, dù rằng Chủ tịch Sinopec đã phủ nhận điều đó.

Theo vị quan chức của Sinopec, thể theo một thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12/2022, tập đoàn này cũng sẽ xem xét hợp tác với Saudi Aramco nhằm mở rộng nhà máy lọc dầu Yasref ở Yanbu (Ả Rập Xê-út).

Ông Sushant Gupta - Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: “Sinopec có thể đang tìm cách vận dụng kiến thức chuyên môn có sẵn để vận hành các cơ sở ở nước ngoài, giúp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh tại những địa điểm gắn liền với hóa chất”.

Theo ông Gupta, những khoản đầu tư như vậy cũng sẽ giúp Sinopec bán sản phẩm nội địa của mình ra thị trường quốc tế.

Cho đến nay, các khoản đầu tư nước ngoài của Sinopec có nhà máy lọc dầu Yasref (có công suất 400.000 thùng/ngày) và Khu liên hợp hóa chất khí Amur trị giá 10 tỷ USD, nằm ở Đông Siberia, trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với tập đoàn hóa dầu Sibur của Nga.

Ngược lại, PetroChina - đối thủ trong nước của Sinopec, lại có hoạt động rất tích cực ở nước ngoài. PetroChina sở hữu nhiều nhà máy lọc dầu ở Singapore, Pháp, Scotland và Nhật Bản, sau đợt mua sắm “rầm rộ” vào một thập niên trước.

Trong những năm gần đây, Sinopec đã để mắt đến nhiều tài sản, bao gồm nhà máy lọc dầu REGAP ở Brazil, hay nhà máy lọc dầu Altona của ExxonMobil (Mỹ) ở Úc. Gã khổng lồ dầu khí nước Mỹ đã đóng cửa nơi này và biến địa điểm thành cơ sở lưu trữ.

Theo một chuyên gia nắm rõ về xu hướng đầu tư toàn cầu của Sinopec, có một trở ngại mà Sinopec luôn phải đối mặt trong quá khứ: Chính phủ Trung Quốc thường xuyên yêu cầu ban lãnh đạo cấp cao có những thay đổi sao cho phù hợp với ưu tiên chiến lược quốc gia.

Sinopec từ chối bình luận về vấn đề đó.

Vào năm 2018, Sinopec đã bị công ty kinh doanh hàng hóa và khai thác Glencore (Thụy Sĩ) đánh bại trong “cuộc chiến” tranh giành mạng lưới nhiên liệu và nhà máy lọc dầu của Chevron (Mỹ). Mạng lưới đó được đặt ở Nam Phi, với trị giá gần 1 tỷ USD.

Dự báo nhu cầu xăng của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2024. Theo các nhà nghiên cứu tại CNPC, nhu cầu dầu diesel của nước này đã đạt đỉnh lần thứ nhất vào năm 2018.

Nguồn:Trung Quốc đầu tư dầu khí ở những nước nào?

Ngọc Duyên

nangluongquocte.petrotimes.vn