Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?

09:56 | 02/12/2022

|
Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) sẽ rút khỏi dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell C của Vương quốc Anh. London sẽ nắm giữ 50% cổ phần cùng với Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) - Nhà thầu chính của dự án.
Bản tin Năng lượng xanh: Tại COP27, năng lượng hạt nhân muốn vai trò lớn hơn trong khử cacbon toàn cầuBản tin Năng lượng xanh: Tại COP27, năng lượng hạt nhân muốn vai trò lớn hơn trong khử cacbon toàn cầu
Cà Mau: Điểm nhấn trên bản đồ điện gióCà Mau: Điểm nhấn trên bản đồ điện gió
Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?

Như vậy, công ty năng lượng Pháp và Chính phủ Anh, mỗi bên sẽ nắm giữ một nửa cổ phần của dự án này. Ban đầu, EDF sở hữu 80% cổ phần, còn CGN sở hữu 20%.

Vào hôm 29/11, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh (BEIS) phát biểu: “Chính phủ Anh sẽ nắm giữ 50% cổ phần trong dự án do EDF đồng phát triển. Chúng tôi sẽ làm việc với công ty Pháp để huy động vốn”.

Cụ thể, London sẽ rót khoảng 700 triệu bảng Anh. Trong đó sẽ bao gồm cả số cổ phần mua lại từ CGN, tức khoảng 100 triệu bảng Anh.

Theo hãng thông tấn AFP, EDF sẽ đầu tư một khoản tiền tương đương. Chưa kể, ông Simone Rossi - Tổng Giám đốc của EDF Energy (công ty con ở Anh của EDF) cũng đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác mới này là “một dấu hiệu cho thấy Vương quốc Anh đã tin vào ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp”.

BEIS cũng cho biết, từ khi Vương quốc Anh phê duyệt dự án nhà máy hạt nhân Sizewell B vào năm 1987, đây là lần đầu tiên London trực tiếp đầu tư lại vào một dự án hạt nhân mới.

Thoạt đầu, không có vấn đề nào phát sinh từ quyết định lựa chọn nhà thầu cho dự án Sizewell C. Tuy nhiên, trước bối cảnh căng thẳng địa chiến lược với Bắc Kinh, London phải xem xét lại sự hiện diện của CGN.

Vào đầu tháng 9/2022, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch giải ngân 700 triệu bảng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Thủ tướng đương nhiệm là ông Rishi Sunak cũng đã lên tiếng xác nhận.

Vào hôm 28/11, khi có tin cảnh sát Thượng Hải bắt giữ một nhà báo của hãng thông tấn Anh BBC, ông Rishi Sunak đã nhận xét: “Thời kỳ hoàng kim của mối quan hệ Vương quốc Anh - Trung Quốc đã kết thúc”.

Mặt khác, theo EDF, CGN vẫn tiếp tục là nhà đồng đầu tư (33,5%) trong dự án nhà máy điện Hinkley Point C. Hiện nay, nhà máy đang được xây dựng và dự kiến sẽ ​​đi vào hoạt động vào giữa năm 2027.

Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?

Công cuộc đi tìm vốn

Theo EDF Energy, Sizewell C sẽ tạo ra “10.000 việc làm chất lượng cao, cung cấp một nguồn điện ít carbon và đáng tin cậy cho khoảng 6 triệu hộ gia đình trong 50 năm”.

Tuy nhiên, hai đối tác phải huy động đủ vốn để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng ​​trong 12 hoặc 18 tháng sắp tới.

Về vấn đề này, ông Simone Rossi cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với một số nhà đầu tư tiềm năng: Quỹ hưu trí của Anh, Quỹ đầu tư quốc gia, các nhà đầu tư công nghiệp...”.

Sizewell C sẽ có tổng trị giá từ 20 - 30 tỷ bảng Anh, tương đương với chi phí của dự án điện hạt nhân Hinkley Point C.

Vì thế, theo Tổng Giám đốc EDF Energy, sự tham gia trực tiếp của Chính phủ Anh “là một bước thiết yếu” cho dự án.

Ngoài ra, ông cho biết, luật của Anh “quy định rằng một phần vốn (tính theo tổng chi phí) sẽ được cấp trước dự án, cùng với một số đảm bảo tài chính nhất định để trấn an và bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những rủi ro phát sinh từ dự án”. Như vậy, điều khoản này sẽ giúp thúc đẩy tiến độ dự án.

Nhà máy Sizewell C, đặt tại hạt Suffolk (miền đông nước Anh), sẽ có 2 lò phản ứng EPR với công suất 3,2 GW. Tuy nhiên, theo EDF Energy, vì Sizewell C được xây dựng tại một khu rừng bên bờ biển, công việc chuẩn bị sẽ kéo dài. Như vậy, nhà máy sẽ không đi vào hoạt động trước năm 2035.

Mặt khác, dự án này vấp phải sự phản đối của tổ chức phi chính phủ về môi trường Stop Sizewell C. Theo họ, tuy có chi phí cực kỳ cao, nhà máy vẫn “không thể giúp giảm chi phí năng lượng hay đem lại nền độc lập về năng lượng cho Vương quốc Anh”.

Dù vậy, Vương quốc Anh vẫn đang lên kế hoạch xây dựng những nhà máy điện hạt nhân khác để đảm bảo nguồn cung, thay thế những cơ sở sản xuất điện cũ và đạt được mức trung hòa carbon. BEIS dự kiến sẽ thông báo ​dự án mới ​​​vào năm 2023.

Trước mắt, đối với một doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như EDF, thông báo hôm 28/11 là một tin vui.

Paris đã tán dương đây là “một quyết định lịch sử”, “thể hiện sức mạnh ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp”.

Hiện nay, EDF - một doanh nghiệp gần như đã bị quốc hữu hóa, đang đối mặt với những thách thức lớn về mặt tài chính và công nghiệp. Cụ thể, công ty Pháp đang phải gánh vác những khoản đầu tư lớn cho năng lượng tái tạo, và điều hành một hệ thống nhà máy điện hạt nhân già cỗi, với nhiều lò phản ứng hạt nhân đã bị ăn mòn. Vì vậy, trong mùa đông này, sản lượng điện hạt nhân của EDF sẽ đạt mức rất thấp.

Chưa kể, EDF cần phải hoàn thành xây dựng lò phản ứng EPR đầu tiên tại Pháp. Hiện nay, tiến trình đã chậm hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu.

Cũng trong hôm 28/11, tập đoàn EDF đã thông báo rằng ký kết khoản vay bổ sung 2,2 tỷ euro. Tính đến năm 2022, EDF đã nợ 60 tỷ euro.

Ông Luc Remont - CEO mới của EDF, đã gọi tình trạng năng lượng hiện tại là một “cuộc khủng hoảng lịch sử”. Ngoài ra, ông cho biết, từ nay cho đến năm 2024, Quốc hội Pháp phải quyết định vận mệnh của ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, và xem xét tính cần thiết của việc khởi động lại chương trình hạt nhân. Được biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ lòng ủng hộ lựa chọn trên.

Nguồn:Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?

Ngọc Duyên

nangluongquocte.petrotimes.vn