Vì sao nhà Glazer không bán đứt MU?

19:30 | 09/01/2024

|
Nhà Glazer đã mở đường cho việc kiếm tiền của giới nhà giàu Mỹ trong bóng đá châu Âu. Giờ đây, họ đang đổi mới một lần nữa với hình thức bán mà như không bán, qua đó mang lại cho họ mọi lợi nhuận mà không phải chịu trách nhiệm giải trình.
David Beckham gây áp lực để nhà Glazers bán MUDavid Beckham gây áp lực để nhà Glazers bán MU
Tỷ phú Qatar sắp hoàn tất thương vụ mua lại MUTỷ phú Qatar sắp hoàn tất thương vụ mua lại MU

Sau khi Sir Jim Ratcliffe hoàn tất việc mua lại 25% cổ phần của MU và nắm toàn quyền thể thao tại CLB, một kỷ nguyên mới đang đến với đội bóng này? Không hẳn vậy.

Ý định thực sự của nhà Glazer

Giữa tất cả những ồn ào - từ việc chuyển đổi nhân sự, các cuộc gặp giữa Ratcliffe và Erik ten Hag, một nguồn năng lượng tươi mới cả trong và ngoài sân cỏ - thật dễ dàng để quên rằng quyền kiểm soát thương mại của MU vẫn nằm trong tay gia đình Glazer.

Cơ cấu công ty của MU chia quyền sở hữu thành cổ phiếu loại A và loại B. Quyền kiểm soát thực sự của CLB thuộc về chủ sở hữu cổ phiếu loại B, có giá trị gấp 10 lần quyền biểu quyết của cổ phiếu loại A. Người đàn ông giàu nhất nước Anh, Ratcliffe, đã chi khoảng 1,6 tỷ USD để mua 1/4 cổ phiếu hạng A và B của CLB. Nhưng ngay cả khi thỏa thuận đã được thông qua, phần lớn cổ phần của nhóm B, cùng với quyền biểu quyết và quyền kiểm soát hội đồng quản trị, vẫn thuộc về gia đình Glazer. Nếu đây là sự khởi đầu cho việc nhà Glazer rút khỏi khoản đầu tư vào MU thì đó là một động thái rất kỳ lạ.

Tuy nhiên, đó là một động thái xuất sắc, một dạng ma thuật tài chính bẩn thỉu giống như việc tạo ra hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Quyền sở hữu MU trong 18 năm của nhà Glazer là một tai họa đối với CLB, những người đã thoái hóa nặng nề trong một thập kỷ qua. Nhưng đó là một công việc kinh doanh cực kỳ tốt cho nhà Glazer, những người đã nhiều lần khai thác quyền sở hữu của mình để làm giàu cho bản thân trong khi điều hành các hoạt động với mức thua lỗ liên tục và đẩy đội bóng vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Khoản thanh toán cổ tức kể từ khi gia đình Glazer tiếp quản năm 2005 đã lên tới tổng cộng 166 triệu bảng, phần lớn trong số đó đã đến nhà Glazer. Là một phần của thỏa thuận mới, Ratcliffe và nhà Glazer đã đồng ý tạm dừng thanh toán cổ tức trong ba năm, nhưng về lâu dài, khoản đầu tư của Ratcliffe vào câu lạc bộ sẽ không làm gián đoạn dòng tiền này. Ratcliffe, vì quyền lợi của mình, sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào MU để giúp dọn dẹp mớ hỗn độn mà nhà Glazer để lại trên sân cỏ. Nhà Glazer đã mở đường cho việc người Mỹ kiếm tiền từ bóng đá châu Âu. Giờ đây, có vẻ như họ đang đổi mới phương thức, đi tiên phong trong một kiểu "bán hàng như không bán", mang lại cho họ tất cả lợi ích mà không phải chịu trách nhiệm giải trình. Họ đã "bán" MU và chuyển giao trách nhiệm điều hành bóng đá cho Ratcliffe mà không mất đi điều quan trọng nhất đối với mình: Thu nhập mà CLB tạo ra và quyền lực. Nhìn chung, đây là thương vụ cực hay của nhà Glazer.

Vì sao nhà Glazer không bán đứt MU?
Nhà Glazer và thương vụ cực thông minh với MU

Mô hình của nhà Glazer

Dưới thời nhà Glazer, MU đã trở thành một doanh nghiệp kiểu mẫu cho thời đại mới của chủ nghĩa tư bản cho thuê: Một tài sản thương mại với lượng người hâm mộ khổng lồ và nguồn doanh thu khổng lồ mà tất cả những gì diễn ra trên sân, cũng như những thất bại trong vấn đề mua bán cầu thủ, đều không thể thay đổi được điều gì.

Tại sao nhà Glazer lại từ bỏ tài sản hoàn hảo này? Họ đã nêu rõ ý định của mình rằng họ không muốn như vậy. Trong suốt câu chuyện kéo dài cả năm về việc "bán" CLB, khoảnh khắc đáng chú ý nhất là việc nhà Glazer đã từ chối đề nghị mua lại hoàn toàn cổ phần MU của nhà giàu Qatar, Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani. "Quỷ đỏ" đã chứng tỏ mình là một cỗ máy kiếm tiền đáng tin cậy ngay cả khi các vấn đề trên sân trở thành trò hề. Nhà Glazer chắc chắn không muốn từ bỏ "con gà đẻ trứng vàng" của họ.

Họ là những người Mỹ đầu tiên đặt chân đến bóng đá Anh và có ý định rất rõ ràng trong việc đầu tư vào MU. Mục tiêu thực sự của giới nhà giàu Mỹ khi đầu tư vào bóng đá châu Âu không phải là cải thiện các CLB mà là để kiếm tiền, đồng thời thực hiện các hoạt động ở mức tối thiểu để đảm bảo quyền kiểm soát vô thời hạn. Điều này có nghĩa là họ sẽ tối đa hóa doanh thu, trong khi cắt giảm chi phí hoạt động và tránh mọi chi phí không đáng có càng nhiều càng tốt.

Những năm tới hứa hẹn sẽ còn nhiều quyền sở hữu theo phong cách của nhà Glazer trên khắp Premier League và châu Âu. "Mô hình Glazer" có thể không tốt cho CLB, nhưng lại hoàn hảo đối với các chủ sở hữu. Giá vé rồi sẽ tăng lên, các hợp đồng phát sóng và kinh doanh mới sẽ được thực hiện, các chuyến du đấu trái mùa đầy tham vọng hơn sẽ được lên kế hoạch và thực hiện. Người hâm mộ sẽ được gặp gỡ và lắng nghe, mặc dù hiếm khi được chú ý đến, và các phương thức tương tác mới sẽ được nghĩ ra, bao gồm các cấp "thành viên" trả phí; các sân vận động sẽ được duy trì, nhưng chỉ và mở rộng theo kiểu từng phần. Tất cả đều về một mục đích: Giúp báo cái tài chính các ông chủ nhận về đẹp hơn.

Những ông chủ Mỹ thông minh nhất, giống như nhà Glazer, sẽ tìm ra một "tấm bình phong hữu ích" để làm tất cả những công việc bẩn thỉu cho họ. Từ việc ký hợp đồng với cầu thủ, tuyển dụng và sa thải HLV, cắt giảm những công việc cần cắt giảm – trong khi họ vẫn tiếp tục kiếm tiền. Mục đích cuối cùng của quyền sở hữu trong bóng đá ngày nay là vẫn duy trì việc làm chủ sở hữu. Những ông chủ Mỹ đầu tiên đã gắn bó với những CLB Ngoại hạng Anh lâu hơn nhiều so với vòng đời thông thường từ 5 đến 10 năm. Kroenke đã nắm giữ Arsenal từ năm 2007, FSG đã gắn bó với Liverpool từ năm 2010, và nhà Glazer đang tiến tới thập kỷ thứ ba ở MU. Tất cả hành động gần đây của các nhà đầu tư lịch sử này - bán bớt cổ phần thiểu số của CLB thay vì rút lui hoàn toàn - cho thấy họ có ý định tiếp tục nắm quyền kiểm soát CLB của mình vô thời hạn.

Nguồn:Vì sao nhà Glazer không bán đứt MU?

Trung Phạm

thethaovanhoa.vn