Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?

14:20 | 04/11/2021

|
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là người ký quyết định công bố 214 loại thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam trong khi hồ sơ không đúng quy định.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Bộ Y tế) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Động thái được nhà chức trách đưa ra sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSND) trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2 của vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại công ty VN Pharma.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố một số bị can từng công tác tại Bộ Y tế như ông Nguyễn Việt Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, bà Phạm Hồng Châu - nguyên trưởng phòng đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược…

Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?
Ông Trương Quốc Cường trước khi bị khởi tố (ảnh: Đỗ Linh).

Trong hồ sơ vụ án, thể hiện ông Cường là người ký quyết định công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam trong đó có H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, trong khi hồ sơ không đúng quy định và VN Pharma đã sử dụng số đăng ký của 2 loại thuốc trên để nhập hàng giả vào Việt Nam tiêu thụ gây thất thoát hơn 50,6 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 16/5/2010, Cục Quản lý Dược nhận được hồ sơ xin cấp số đăng ký cho thuốc H2K Levafloxacin và H2K Ciprofloxacin có nhãn mác Health 2000 Canada sản xuất do công ty Vimedimex đứng tên đăng ký.

Ngày 28/10/2010, thuốc H2K Levofloxacin được đưa ra hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc đợt 70 nhưng do có nhiều thuốc được đưa ra xét duyệt cùng đợt nên H2K Levofloxacin được chuyển sang xét duyệt cùng đợt với H2K Ciprofloxacin.

Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế được thành lập gồm 14 thành viên do ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế - làm Chủ tịch hội đồng. Các thành viên trong hội đồng xét duyệt thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định tại quy chế hoạt động của hội đồng xét duyệt thuốc.

Căn cứ nhiệm vụ được phân công và chuyên môn của mình, thành viên hội đồng xét duyệt có nhiệm vụ xem xét biên bản thẩm định để đưa ra ý kiến đánh giá, chịu trách nhiệm phối hợp trong việc xem xét về mặt pháp lý của thuốc đề nghị cấp số đăng ký sản xuất, lưu hành.

Trong các thành viên của hội đồng xét duyệt thì chỉ có một thành viên có ý kiến đề nghị xem xét lại phương pháp tính đồng phân, nhưng sau khi xem xét hồ sơ thì người này cũng đồng ý, đề nghị cấp số đăng ký.

Căn cứ kết quả cuộc họp hội đồng xét duyệt thuốc đợt 50 bổ sung ngày 25/11/2010 do ông Cao Minh Quang chủ trì, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - đã ký phiếu trình, báo cáo ông Quang kết quả họp hội đồng xét duyệt thuốc nước ngoài và xin ý kiến về việc cấp số đăng ký cho 1.007 thuốc đã được hội đồng họp xét duyệt đủ điều kiện cấp số đăng ký, trong đó có thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.

Ông Quang có bút phê đồng ý cấp tất cả số đăng ký cho sản phẩm đạt yêu cầu và giao Cục Quản lý dược ban hành quyết định công bố thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam.

Căn cứ ý kiến phê duyệt của ông Quang, ngày 23/12/2010, ông Trương Quốc Cường - thời điểm đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược, nay là Thứ trưởng Bộ Y tế - ký quyết định công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam trong đó có H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.

Nhà chức trách xác định ông Quang có bút phê trên nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông này.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án này thì ông Trương Quốc Cường được triệu tới tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng ông này không có mặt.

Nguồn: Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?

Xuân Duy

dantri.com.vn