Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?

10:24 | 16/09/2021

|
"Tôi nghe phát ngôn này mà buồn quá", NSND Trung Anh - người đóng vai Lương Bổng chia sẻ.
Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'Đề nghị cấm phim 'cổ xúy vi phạm pháp luật'
Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 14/9, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Theo đó, phiên họp thống nhất cần có công tác hậu kiểm, tiền kiểm đối với những bộ phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, ông Tới cho rằng: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Điển hình, mới đây, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.

Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này".

"Tôi nghe mà buồn quá"

Phát ngôn này của ông đã nhanh chóng thu hút được nhiều ý kiến. Các diễn viên đoàn phim Người phán xử cũng lên tiếng về vấn đề này.

Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?
NSND Trung Anh trong vai Lương Bổng phim Người phán xử.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSND Trung Anh - người đóng vai Lương Bổng, đàn em thân thiết của ông trùm Phan Quân cho hay: "Tôi nghe phát ngôn này mà buồn quá. Phát ngôn đã làm ảnh hưởng tới đoàn phim. Làm gì có chứng minh nào cho rằng, sau khi phim phát sóng tội phạm xã hội lại nhiều hơn? Ai đi điều tra việc này mà biết?

Phim là phản ánh thực tế, bên ngoài cũng có những băng nhóm tội phạm, và dần dần từng bước, các lực lượng chức năng sẽ tìm ra và lật tẩy, thậm chí họ phải đi trả giá bằng việc đi tù. Phim là một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh vì thế, hãy xem hết phim để biết phim nói gì.

Phim thuộc thể loại hành động, có cái tốt, cái xấu và sau cùng, cái xấu luôn bị phanh phui. Thiếu tướng Lê Tấn Tới làm về luật Điện ảnh, nhưng phát ngôn này rất ảnh hưởng tới toàn ngành. Tôi thấy phát ngôn này là cảm tính, bởi khi nói gì cũng cần chính xác".

Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?
Diễn viên Quốc Quân - Người từng vào vai giang hồ Lân "sứa".

Diễn viên Quốc Quân - Người từng vào vai giang hồ Lân "sứa" trong phim thì cho hay: "Tôi không đồng tình với ý kiến nói sau khi chiếu Người phán xử, tội phạm xã hội đen gia tăng. Bởi không có một căn cứ nào nói lên điều đó cả. Theo tôi được biết, sau khi phim chiếu, nhiều người cảm thấy giới giang hồ, xã hội đen đáng sợ quá, họ quyết tâm từ bỏ mà làm lại từ đầu. Phim là sự đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, cái thiện lương và góc khuất xấu xa, tham lam của con người và sau cùng, bao giờ cái tốt cũng thắng, cho dù hơi gian nan. Phim luôn hướng con người đến việc sống thiện và sống tốt hơn".

"Khán giả sẽ là những người công bằng nhất. Nếu phim có ảnh hưởng xấu đến con em họ, họ sẽ chẳng dại gì mà không nói ra".

Giúp khán giả biết những "góc tối" của cuộc sống

Khi được hỏi: Sau một loạt vai diễn đóng giang hồ, xã hội đen, anh có bao giờ bị ảnh hưởng tính cách ấy không?

Quốc Quân thẳng thắn: "Nếu bị ảnh hưởng thì tôi đi tù lâu rồi. Tôi đóng nhiều vai giang hồ nhưng hết phim là tôi thoát vai, ngoài đời tôi vẫn là người cha, người con tốt. Vẫn là người được đồng nghiệp yêu mến. Có thể "cái mặt" của tôi hợp với vai xã hội đen, nhưng đó chỉ là những vai diễn thôi. Tôi luôn muốn trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, vì thế vai nào cũng được, miễn là mình diễn tốt và không bị ảnh hưởng bởi nhân vật trong phim".

"Ngày xưa các diễn viên gạo cội có đóng nhiều vai khác nhau, có nghệ sĩ đóng vai phản động, tướng nguỵ, bụi đời như NSND Thế Anh, NSND Lâm Tới... hoặc vai địa chủ như NSND Đào Mộng Long, NSND Trịnh Thịnh nhưng các cụ vẫn có phẩm chất sáng ngời, vẫn được nhiều người nể trọng và yêu mến.

Hay như bộ phim Sinh tử về đề tài tham nhũng thì tình hình tham nhũng có dấu hiệu gia tăng vì được cổ xúy hay giảm sút vì sự cảnh tỉnh của phim? Có nói theo hướng nào thì cũng không hợp lý vì chẳng có căn cứ gì. Ở Mỹ, phim Vượt ngục công chiếu cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Nếu không có những bộ phim phản ánh sự thật và cảnh tỉnh người xem như vậy thì khán giả sẽ không bao giờ được biết về những "góc tối" của xã hội và hành trình đưa những "góc tối" ấy ra ánh sáng gian nan thế nào", diễn viên Quốc Quân thẳng thắn.

Diễn viên Tiến Đạt cũng cho hay: "Bộ phim đã chiếu được hơn 4 năm và chưa có khán giả nào nói rằng, vì phim mà con em họ bắt chước làm giang hồ. Phim có thể có những chi tiết chân thật, là vì phim cần chân thực, phim là đời. Nhưng cách giải quyết của phim cũng làm khán giả nể phục".

Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?
Đạo diễn Khải Anh và Mai Hiền (trái) là 2 trong 3 đạo diễn của phim Người phán xử.

Chúng tôi có liên lạc với các đạo diễn của phim Người phán xử là Nguyễn Danh Dũng, Mai Hiền và Khải Anh, nhưng các đạo diễn này từ chối trả lời. Đạo diễn Khải Anh cho biết: "Có rất nhiều ý kiến về bộ phim này rồi nên chúng tôi nghĩ, mình không cần thiết nói nữa. Hãy để khán giả là người công bằng nhất nói về bộ phim".

Nguồn: Vụ phim Người phán xử làm "tăng tội phạm xã hội": Đoàn phim nói gì?

Đinh Lạc Thành

nguoiduatin.vn