7 ngày sinh tồn của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử

09:39 | 04/05/2022

|
Khi lượng thực cạn dần, bà Liên bẻ thân, rễ cây dương xỉ, cây rừng xung quanh với 'cảm giác cây gì ăn được thì cố gắng ăn' và vận dụng mọi kiến thức sinh tồn để duy trì sự sống.

Người phụ nữ rơi xuống vực 7 ngày ở Yên Tử: Bới rác tìm nước uống Trong suốt 7 ngày bị mắc kẹt ở dưới vực thuộc chùa Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), bà Liên ăn cây rừng và uống nước từ những chai nước du khách bỏ lại.

Ngày 3/5, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cứu hộ thành công bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, Hà Nội). Bà Liên bị mắc kẹt tại mép vực phía Tây Nam thuộc đỉnh chùa Đồng, Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 27/3 sau khi một mình hành hương lên ngôi chùa cao nhất dãy Yên Tử (1.068 mét).

Trên đường trở về Hà Nội với gia đình, người phụ nữ 59 tuổi chia sẻ từng chi tiết về 7 ngày sinh tồn dưới bờ vực thẳm, có những lúc bà Liên vô vọng nhưng vẫn cầu trời khấn Phật để tìm cách trở về nhà.

Ba lần cố gắng bò lên nhưng lại bị rơi xuống vực

Chia sẻ với Zing, bà Liên cho biết gia đình bà có 4 người, chồng bà vừa mới trở về nhà sau cuộc phẫu thuật ở bệnh viện. Bà có hai cô con gái nhưng đều đi làm và học xa nhà.

Ngày 27/3, bà Liên đến Hạ Long để lấy thuốc chữa bệnh cho chồng. Trên đường về Hà Nội bà rẽ vào Khu di tích Yên Tử để hành hương lên đỉnh chùa Đồng một mình.

Do những ngày vừa qua Quảng Ninh có gió mùa Đông Bắc tăng cường, khu vực đỉnh chùa Đồng nằm cuối dải hoàn lưu phía Bắc nên thường xuyên có gió giật mạnh cấp 6-7 kèm theo mưa, không khí loãng và lạnh buốt.

7 ngày sinh tồn của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử
Bà Liên kể lại những giây phút sinh tử dưới vực sâu khi được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Ảnh: Đ.X.

Thăm chùa Đồng xong và đang xuống núi, bà Liên cảm thấy mệt, chóng mặt nên nghỉ lại tại phiến đá cách chùa Đồng khoảng 50 mét. Khi đứng dậy để đi về, bà Liên bị tụt huyết áp, choáng và ngã xuống vực sâu chừng 30 mét.

Tôi cố gắng lách được chân ra, định leo lên nhưng bám phải cành cây giòn nên tiếp tục ngã xuống dưới mỏm đá sâu hơn 10 mét nữa, ngay bên ngoài là vực thẳm và vách đá dựng đứng

Bà Nguyễn Thị Bích Liên

“Khi tỉnh dậy, tôi ước lượng mình bất tỉnh một ngày, người ẩm ướt đang nằm ở trong khe đá. May mắn tôi ngã vào khu vực nhiều bụi cây, đầu tôi gối lên rễ cây nên không bị làm sao cả”, bà Liên kể và cho biết hai chiếc túi đựng đồ bà mang theo, trong đó có điện thoại đều rơi xuống phía dưới vực.

Nghe thấy tiếng người nói ở phía trên, bà Liên đứng lên để kêu cứu và dẫm phải túi rác, bị trượt chân ngã sâu thêm xuống vực hơn 10 mét, chân bị mắc vào khe đá xây xước chân tay.

“Tôi cố gắng lách được chân ra, định leo lên nhưng bám phải cành cây giòn nên tiếp tục ngã xuống dưới mỏm đá sâu hơn 10 mét nữa, ngay bên ngoài là vực thẳm và vách đá dựng đứng sâu hàng trăm mét. Lúc đấy tôi nghĩ mình một là sống hai là chết nên cố gắng tìm cách sinh tồn để chờ người đến cứu”, bà kể.

Vận dụng mọi kiến thức để sinh tồn

Trong lần trượt xuống vực lần thứ 3, bà Liên may mắn rơi vào bãi rác, chủ yếu là áo mưa và chai nước của khách hành hương ném xuống. Cùng với đó, bà tìm thấy túi đồ thứ 2 của mình bên trong có cơm cháy và chai nước vừa xin về khi làm lễ tại chùa Đồng.

Ở dưới vực, bà Liên cố gắng gọi kêu cứu khi nghe thấy tiếng người nói chuyện bên trên. Nhưng do trời mưa rét cùng gió thổi mạnh nên tiếng kêu cứu của bà bị chìm xuống, không ai biết có người bị mắc kẹt ở phía dưới.

Tôi cảm giác những cây gì ăn được thì cố gắng ăn và vận dụng mọi kiến thức sinh tồn để duy trì sự sống

Bà Nguyễn Thị Bích Liên

Những ngày đầu bà Liên chia túi cơm cháy ra nhiều phần và tiếp tục chia một phần cơm cháy ra thành hai phần nhỏ để ăn làm hai bữa. Đến khi hết một nửa số cơm cháy, bà chia một phần cơm cháy thành 4 phần nhỏ để ăn cầm cự.

Người phụ nữ 59 tuổi cho biết vài ngày sau khi lượng thực cạn kiệt dần, đói quá, bà bẻ thân và rễ cây dương xỉ cùng những cây rừng xung quanh để ăn.

“Tôi cảm giác những cây gì ăn được thì cố gắng ăn và vận dụng mọi kiến thức sinh tồn để duy trì sự sống. Ngoài chai nước được tìm thấy, tôi gom nước từ những chai nước của du khách uống dở ném xuống vực, có những chai hết hạn sử dụng từ năm 2019”, bà Liên nói.

7 ngày sinh tồn của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử
Vé cáp treo và vé tham quan danh thắng Yên Tử từ ngày 27/4 được tìm thấy trong người bà Liên. Ảnh: Đ.X.

Để chống rét, bà Liên nhặt nhạnh những mảnh túi nhựa và áo mưa quấn quanh người vừa chống thời tiết khắc nghiệt, vừa chống côn trùng khi đêm xuống.

“Đêm xuống tôi nhìn xung quanh đều tối mịt, đằng xa dưới chân núi có ánh đèn. Tôi tự chế cắt đáy chai nhựa tạo thành cái loa để kêu và lấy thanh sắt gõ vào vách đá để tạo tiếng động nhưng vẫn không có ai nghe thấy”, bà Liên tâm sự.

Ngày 2/5, số cơm cháy và nước uống tích trữ sắp hết, bà Liên tìm cách lợi dụng ánh sáng mặt trời chiếu vào chai nước tạo lửa đốt cháy túi nhựa và rác tạo thành khói để làm tín hiệu cầu cứu nhưng không được.

Sáng ngày 3/5, bà Liên dậy từ sớm, trời có nắng và bớt gió hơn. Lúc hơn 9h, bà Liên đang cố kêu cứu thì có người nghe thấy và hô hoán mọi người đến giải cứu.

“Lúc gọi không ai nghe thấy tôi vô vọng lắm, cứ ngồi cầu trời khấn Phật. Đến lúc tôi được cứu lên chỉ biết nghĩ mình sống rồi”, người phụ nữ nghẹn ngào.

Khu vực nạn nhân bị ngã có cắm biển cảnh báo

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, cho biết ông được giao nhiệm vụ canh gác trên đỉnh An Kỳ Sinh. Công việc hàng ngày là đi tuần toàn bộ khu vực xung quanh để kiểm tra công tác an ninh và vệ sinh môi trường.

Sáng 3/5, ông Thuận đi ra khu vực cách chùa Đồng khoảng 50 mét về phía Tây Nam để kiểm tra công tác dọn vệ sinh thì nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu. Ông nhanh gọi đồng nghiệp cùng đơn vị dọn vệ sinh và trông coi chùa Đồng đến để tìm kiếm.

“Lúc đầu chưa xác định được tiếng kêu cứu ở đâu nên anh em chúng tôi bủa đi tìm xung quanh. Đến gần vực gần hàng rào ngăn cách với vực đá phía dưới thì tiếng kêu ngày một rõ hơn”, ông Thuận chia sẻ và cho biết vị trí trên đã được cắm biển báo vực sâu nguy hiểm để cảnh báo đến du khách không lại gần.

Ngoài ra, một hàng rào từ sau chùa Đồng dọc theo vách đá và kéo dài đến quảng trường An Kỳ Sinh được lắp đặt để đảm bảo an toàn cho du khách đi hành hương.

7 ngày sinh tồn của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử
Khu vực bà Liên ngã xuống vực có lắp đặt lan can và biển cảnh báo vực sâu nguy hiểm. Ảnh: Quốc Nam.

Xác định được vị trí, ông Thuận cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng xuống dưới vách đá. Hai người của Ban quản lý Yên Tử trực tiếp xuống dưới vực để tìm kiếm nạn nhân và kéo lên phía trên. Lúc được kéo lên, bà Liên vẫn tỉnh táo, trong người giữ vé cáp treo và vé vãn cảnh Yên Tử từ ghi ngày 27/4.

“Nạn nhân tự đi vài bước nhưng sau đó không đi được. Chúng tôi 4 người thay phiên nhau cõng bà ấy từ trên đỉnh chùa Đồng xuống nhà thường trực của Ban quản lý ngay phía dưới chân núi”, ông Thuận chia sẻ.

Ông Thuận thông tin thêm trước đây những vụ tai nạn rơi xuống vực tại khu vực vách núi trên chùa Đồng thường làm cho nạn nhân bị gãy chân, gẫy tay hoặc đa chấn thương. Riêng nạn nhân lần này chỉ bị xây xước chân tay do bám víu vào cây rừng để leo lên.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết ở nhà thường trực, cán bộ của ban tiếp tục chăm sóc y tế cho bà Liên đồng thời hỏi thăm sức khỏe và tìm phương thức liên lạc với gia đình nạn nhân.

Sau khi liên lạc được với người chồng, Ban cử hai người đại diện dùng xe cá nhân đưa bà Liên về Hà Nội để bàn giao cho gia đình.

"Chúng tôi rất xúc động về ý chí sinh tồn của bà Liên khi bị mắc kẹt ở độ cao hơn 1.000 mét giữa thời tiết khắc nghiệt như vậy", ông Dũng cảm thán.

Nguồn: 7 ngày sinh tồn của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử

Quốc Nam

Zingnews