An Giang: 190 năm danh xưng

11:22 | 14/09/2022

|
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn, năm 1757, An Giang là đất Tầm Phong Long, đặt làm đạo Châu Đốc, đến đầu đời vua Gia Long gọi là “Châu Đốc Tân Cương”. Năm 1808, vua đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành, thống quản 5 trấn, tỉnh An Giang ngày nay thuộc trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi “Ngũ trấn” thành “Lục tỉnh” (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Danh xưng An Giang đến nay đã 190 năm.
An Giang: 190 năm danh xưng

Qua các thời kỳ, tỉnh An Giang chia tách, sáp nhập nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau, như: Châu Hà, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Hậu... Nhưng danh xưng An Giang tồn tại lâu nhất, được ghi nhận nhiều nhất với nhiều dấu ấn đặc biệt. Địa bạ An Giang đầu tiên (ngày 3/6/1836) ghi nhận tỉnh có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 167 làng. Đến thời vua Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ, 9 hoặc 10 huyện.

Theo thống kê của y sĩ người Pháp Vantalon năm 1881, dân số Long Xuyên 88.361 người, Châu Đốc 105.182 người, phần lớn tập trung ở vùng sông Tiền, quận Tân Châu, Chợ Mới. Ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 19/NQ-TW thành lập tỉnh An Giang, gồm 8 quận, 84 xã. Đến tháng 2/1976, bãi bỏ danh xưng quận, tỉnh có 8 huyện, thị xã, gồm: Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Bảy Núi, TX. Long Xuyên và TX. Châu Đốc với 227.816 hộ,1.367.355 người.

Từ vùng đất biên cương, biên trấn trở thành làng mạc, tỉnh An Giang sở hữu dãy Thất Sơn hùng vĩ, sông Tiền, sông Hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều di tích. Người dân giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, cần cù lao động, sáng tạo, biến đất đai, sông núi, ao hồ... thành tài sản, là tỉnh đứng đầu cả nước về lúa gạo, cá tra, ba sa.

Bên cạnh ngôi miếu nổi tiếng khắp Việt Nam (miếu Bà Chúa Xứ núi Sam), lễ hội đua bò thường xuyên và duy nhất tại Việt Nam... cùng nhiều thắng cảnh, di tích được vinh danh, tỉnh An Giang có nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê đều là di tích quốc gia đặc biệt, là điểm sáng cho khách du lịch, nhà nghiên cứu, người tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, khảo cổ...

An Giang: 190 năm danh xưng

An Giang là địa phương có nhiều tiền nhân mở cõi. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (sinh năm 1650, ngụ huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình) là người đầu tiên khai mở vùng đất An Giang. Trong nhiều nhân vật kỳ tài đóng góp công sức, tài năng cho đất nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980) là người “gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” - sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi. Bác Tôn là người đầu tiên nhận Huân chương Sao Vàng do Bác Hồ trao tặng.

Trong nhiều ngôi sao sân khấu, văn hóa, văn học, nghệ thuật... tỉnh An Giang sở hữu nhiều bậc kỳ tài, được xã hội, nhà nước vinh danh, thế giới ngưỡng mộ. Đó là đạo diễn, nhà quay phim chuyên nghiệp đầu tiên Khương Mễ (1916-2004, quê tỉnh Châu Đốc), là một trong ít người đầu tiên xây dựng điện ảnh Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Ông để lại nhiều bộ phim giá trị, nhiều thước phim quý giá, độc đáo, ghi nhận lịch sử chiến tranh bằng hình ảnh.

Đặc biệt, trong rừng không có điện, phương tiện thô sơ, ông “cải tạo” máy quay thành máy tráng phim, sử dụng thùng nước đá bảo quản phim... biến cái không thể thành có thể, được đồng nghiệp phong danh “điện ảnh không điện”. Ông có nhiều “đứa con tinh thần” được vinh danh, sở hữu nhiều giải thưởng. Năm 1997, Liên hoan phim Amiens (Pháp) vinh danh ông với Huy chương Licorne DDr (Kỳ Lân Vàng) dành cho sự nghiệp điện ảnh của nghệ sĩ. Công chúng và bạn bè ưu ái gọi Nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ là “Ông già điện ảnh”.

Xuất thân trong gia đình điền chủ giàu có ở Chợ Mới, ông Phạm Hữu Lộc (sinh năm 1930, nhập quốc tịch Pháp, gọi là cậu Bảy Michel) thoát ly gia đình, tham gia Đoàn văn công giải phóng. Sau đó, ông tập kết ra miền Bắc, tham gia Đoàn cải lương Nam Bộ, Đoàn kịch nói Nam Bộ rồi Nhà hát kịch Việt Nam, đi tu nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc...

Trong 30 năm làm nghệ thuật với nghệ danh Can Trường, ông có gần 100 vai diễn, phần lớn nhập vai nhân vật huyền thoại, truyền tích và nhân vật lịch sử. Đặc biệt, ông là người đầu tiên thể hiện hình tượng Lê-nin hoàn hảo trên sân khấu Việt Nam trong kịch bản “Chuông đồng hồ điện Kremlin”. Qua vai diễn xuất sắc này, nghệ sĩ được Nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Lê-nin. Năm 1984, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đợt 1, là người đầu tiên của tỉnh An Giang được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Nguồn: 190 năm danh xưng An Giang

Nguyễn Rạng

baoangiang.com.vn