Hà Giang: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực 5 cây, 3 con

14:00 | 06/08/2024

|
Thực hiện Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, tỉnh đã xác định tập trung vào 5 cây và 3 con, gồm: Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản, Tam giác mạch, bò vàng, lợn đen và nuôi ong. Đây là những cây, con có tiềm năng, thế mạnh để xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển vùng nguyên liệu ổn định, mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương là yếu tố đầu tiên để xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản. Trong nhóm các loại cây chủ lực, đến nay, cây ăn quả ôn đới Hồng không hạt đã mở rộng quy mô 692 ha; cây mận 630 ha và cây lê 1.090 ha. Cả 3 loại cây ăn quả đã sản xuất được giống tốt từ cây đầu dòng. Vùng trồng cây dược liệu nghệ, gừng, Sa nhân, Đương quy, quế, hồi, Thảo quả dưới tán rừng đạt 22.796 ha. Nơi sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, mỗi năm gieo cấy 6.994 ha, sản lượng trên 40.000 tấn. Tam giác mạch được gieo trồng trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn với diện tích 451 ha, sản lượng 240 tấn/năm. Cây chè Shan tuyết có 13.561 ha, tập trung tại 6 huyện, nhiều vùng trồng chè nằm ở độ cao trên 600 m so với mực nước biển và có 1.324 cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Hà Giang: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực 5 cây, 3 con
Huyện Quang Bình tích cực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng.

Anh Phùng Sùn Chòi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Minh Quang, xã Xuân Minh (Quang Bình) cho biết: Vào vụ sản xuất, HTX thu mua hàng trăm tấn chè tươi, các hộ được tư vấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Nhờ vậy, các vùng nguyên liệu chè đều tuân thủ theo nguyên tắc “3 không”, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích và không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Những dòng trà trứ danh như: Bạch trà xanh, Trà bạch mẫu, Hồng trà Shan có chất lượng và giá trị cao. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng kết nối, hợp tác kinh doanh với một số doanh nghiệp uy tín, nhằm tạo ra cơ sở tiềm năng góp phần vào việc tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, đưa đặc sản của quê hương vươn xa hơn trong và ngoài nước.

Vùng chăn nuôi ong, bò vàng, lợn đen theo chuỗi giá trị tập trung tại 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn. Giống ong mà người dân nuôi để khai thác mật từ cây hoa Bạc hà có sẵn trong tự nhiên là giống ong nội địa phương. Sau những nỗ lực, mật ong Bạc hà đã không ngừng nâng cao về giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Nhiều hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật. Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, tổng đàn ong đã tăng lên hơn 42.900 tổ, tương đương 150.000 lít/năm. Đối với bò vàng Hà Giang, tổng đàn ước đạt 97.993 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.050 tấn. Tổng đàn lợn đen ước đạt 160.000 con; sản lượng thịt hơi trên 4.700 tấn. Giá trị kinh tế của 3 con chủ lực mỗi năm đem lại từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Hà Giang: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực 5 cây, 3 con
Hợp tác xã Tuấn Dũng (Mèo Vạc) nuôi lợn đen bản địa sinh sản.

Bên cạnh việc duy trì, phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, khai thác chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được quan tâm thực hiện. Trong đó, riêng diện tích chè Shan tuyết được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 1.244 ha. Sản phẩm chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Dui, Thảo quả, bò vàng được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm Hồng không hạt huyện Yên Minh, Mận máu huyện Hoàng Su Phì, lê huyện Đồng Văn được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thông qua đó, nâng tầm vị thế, tên tuổi các sản phẩm nông sản và giúp công tác quản lý chất lượng sản phẩm, thương hiệu chặt chẽ hơn.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh thu hút được 46 dự án đã và đang triển khai, thực hiện các chuỗi giá trị, đạt 144% mục tiêu đề ra. Chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết và mật ong Bạc hà đã hình thành. Các địa phương đã củng cố, kiện toàn 246 tổ hợp tác, 86 HTX và thu hút 14 doanh nghiệp làm chủ thể liên kết và tham gia các hoạt động thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng. Một số huyện, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản trị cho các HTX. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn, tiềm lực, cơ sở vật chất của các HTX chưa đủ mạnh. Do đó, ngoài các chính sách thu hút, mời gọi nhà đầu tư, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để các mô hình, chuỗi liên kết không bị đứt gãy các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá thị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từ khâu sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ.

Nguồn: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực 5 cây, 3 con

Mộc Lan

baohagiang.vn