An Giang đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp

14:34 | 06/05/2022

|
Cùng với thực hiện chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, tỉnh quyết tâm đưa nền nông nghiệp An Giang thuộc nhóm đứng đầu khu vực ĐBSCL, xây dựng nông thôn trở thành “nơi đáng sống”. Trong đó, người dân nông thôn là trung tâm của sự phát triển.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đặt mục tiêu xây dựng An Giang trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Tỉnh định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn; xây dựng nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp; điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, đối với ngành hàng chủ lực lúa gạo, tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, doanh nghiệp (DN). Cùng với xây dựng thương hiệu lúa, nếp, An Giang tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ hiện đại vào canh tác; đồng hành cùng DN để chủ động tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu.

Đối với cây ăn trái và rau màu, tỉnh xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, lấy hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với DN theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy phát triển chế biến sâu, tăng cường giám sát cung, dự báo cầu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, phát triển xuất khẩu chính ngạch. Nghiên cứu phát triển các loại giống cùng loại nhưng có giá trị cao, hướng đến đa dạng hóa thị trường.

An Giang đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp
Phát triển du lịch sinh thái, xây dựng nông thôn thành “vùng đáng sống”

An Giang tái cấu trúc lại chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Tỉnh tiếp tục mời gọi và hỗ trợ DN lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị và an toàn sinh học; khuyến khích phát triển liên kết giữa DN và hộ chăn nuôi.

Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh phát triển nuôi tập trung công nghiệp, hiện đại với cơ sở lớn; vùng chuyên canh cho tôm, cá tra; có chính sách ưu đãi, khuyến khích HTX, THT tham gia vào mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cá tra và các loại thủy sản tiềm năng…

Người dân là trung tâm phát triển

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, tỉnh ưu tiên hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tại các vùng sản xuất quy mô lớn, khép kín, theo chuỗi liên kết nông dân, HTX, THT với DN. Đồng thời, thúc đẩy các vùng này phát triển đồng bộ theo cụm ngành hàng gắn với công nghiệp chế biến sâu, phát triển dịch vụ trong nông nghiệp; hình thành trung tâm logistics phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tỉnh thu hút DN “đầu tàu”, có đủ năng lực về vốn, khoa học - công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả; chuyển mạnh từ xây dựng “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng”.

Cùng với xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, An Giang quan tâm phát triển khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, thu hút ngành sử dụng nhiều lao động, đảm bảo “ly nông bất ly hương”, giảm tải di cư đến các thành phố chính. Thông qua tổ chức chính thức (HTX, DN, hội nghề nghiệp có đăng ký, tổ chức của hội nông dân...), lao động nông thôn được ký hợp đồng làm việc, được đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Qua đó, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có trình độ, tay nghề, tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường trong nước, xuất khẩu.

Đối với xã ven đô, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành “thành phố xanh”, “khu đô thị sinh thái”; phát triển đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị chính, từng bước đưa đô thị phát triển về nông thôn. Đối với xã vùng nông nghiệp hàng hóa lớn, An Giang xây dựng vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có cơ sở hạ tầng và cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh. Riêng đối với xã nông thôn truyền thống, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, An Giang lấy người dân nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển (vốn, đất, nước, năng lượng, khoa học - công nghệ...), dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội (dinh dưỡng, y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, thông tin, giao thông...), cơ hội (học tập, làm việc, thị trường...). Tỉnh xây dựng chính sách phúc lợi xã hội công bằng (nhà ở và nơi định cư, bảo hiểm chữa bệnh, chế độ về hưu...) cho người dân nông thôn; bình đẳng giới.

Nguồn: An Giang đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn