An Giang: Du lịch “hồi sinh”, người dân núi Cấm vui mừng

03:09 | 08/04/2022

|
“2 năm qua, cuộc sống người dân xứ núi rất cơ cực do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Khó khăn là vì bị hạn chế di chuyển, các loại nông sản không bán được, nông dân không làm gì ra tiền. Cơ cực bởi du khách không đến, dịch vụ "ăn theo" du lịch (DL), như: Chạy “xe ôm”, chụp ảnh lưu niệm, kinh doanh ăn uống... đều ngưng hoạt động” - chị Trần Thị Bích Liên (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chia sẻ.
An Giang: Du lịch “hồi sinh”, người dân núi Cấm vui mừng
Cáp treo lên đỉnh núi Cấm

Khách lên núi đông

Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh được triển khai, Khu du lịch núi Cấm đã mở cửa trở lại trong những ngày đầu năm 2022. Việc mở cửa khu DL đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến hành hương, tham quan, DL, trải nghiệm mỗi tuần.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Trịnh Văn Đệ cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Khu du lịch núi Cấm đón khách từ các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, DL rất đông, nhờ đó sinh kế của người dân trên núi dần khôi phục. Đặc biệt từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách lên núi tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, từ đó các dịch vụ phục vụ du khách sôi động.

Bà Trần Thị Bích Liên (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo) sinh sống với nghề làm rẫy và các dịch vụ ăn theo DL. Từ Tết Nguyên đán đến nay, cuộc sống của gia đình “hồi sinh” trở lại. Ngoài 3.000m2 đất trồng su, bơ, măng tre mạnh tông, các thành viên trong gia đình còn hái rau rừng để bỏ mối cho các tiệm bánh xèo trên núi và dưới chân núi, từ đó mang lại nguồn thu ổn định.

“Gia đình tôi rất vui mừng khi chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh được triển khai. Nhờ du khách lên tham quan, chúng tôi bán được rất nhiều nông sản xứ núi, như: Bơ, rau rừng, trái su, đọt su... Thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế di chuyển, nông sản trên núi có giá rất rẻ. Hiện nay, trái su bán 6.000-7.000 đồng/kg, rau rừng 20.000 đồng/kg, so với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội thì giá bán tăng gấp 2-3 lần” - bà Liên chia sẻ.

Nhộn nhịp trở lại

Núi Cấm là một trong 7 ngọn núi của vùng Thất Sơn hùng vĩ, khí hậu nơi đây vô cùng mát mẻ. Phong cảnh tuyệt đẹp bởi ngọn núi này nằm ở độ cao hơn 700m so với mặt nước biển, cây cối xanh tươi quanh năm. Du khách đến với núi Cấm sẽ được tham quan các công trình kiến trúc đặc sắc, như: Chùa Vạn Linh, điện Bồ Hong, tượng phật Di Lặc…

Trong đó, hoạt động leo núi, khám phá các hang động, tắm suối được rất nhiều du khách yêu thích. Những năm qua, thấy được thế mạnh của vùng Bảy Núi trong phát triển kinh tế, tỉnh có chủ tương mời gọi đầu tư, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp DL về đây cùng địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhờ đó nhiều dự án, công trình đã được triển khai, tô điểm thêm cho vùng Bảy Núi.

Ở núi Cấm hiện nay, ngoài nông sản bán được giá, các dịch vụ "ăn theo" DL đã sôi động trở lại, trong đó có món đặc sản xứ núi là bánh xèo ăn với rau rừng. Đây là món ăn được nhiều du khách ưa thích. Rau rừng là các loại rau thiên nhiên, như: Đinh lăng, bứa, ngành ngạnh, lá lốt… dùng ăn kèm với bánh xèo. Ngoài ăn tại chỗ, du khách mua về làm quà, nhờ đó mà người trồng, hái rau có cuộc sống ổn định.

“Gia đình tôi chuyên cung cấp các loại rau rừng cho các quán ăn ở vùng này, bình quân mỗi ngày cung cấp từ 300-500kg rau tươi các loại, giá bán sỉ 20.000 đồng/kg. Vào những lúc hút hàng, giá 25.000 đồng/kg. Nhờ cung cấp rau, chạy “xe ôm”, hướng dẫn khách tham quan mà tôi nuôi con học đại học” - anh Trần Văn Toàn (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo) chia sẻ.

Xã An Hảo đã tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh, đề ra nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội với việc xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ: Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt quan tâm phát triển giao thông nông thôn trong các phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật gắn với dịch vụ DL sinh thái vườn; tích cực phối hợp xây dựng cảnh quan môi trường Khu du lịch núi Cấm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bê-tông hóa các tuyến đường trong phum, sóc và chuyển đổi 150ha trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao sẽ được triển khai, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Hy vọng với những khâu đột phá này và quyết tâm của chính quyền địa phương, núi Cấm sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.

“Hệ thống giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu dân sinh ở các địa bàn xa trung tâm, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiêu thụ nông sản trên núi Cấm còn nhiều việc phải làm. Thương mại - dịch vụ phát triển còn chậm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương... Đây là những hạn chế mà chúng tôi đã nhìn thấy để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương” - ông Trịnh Văn Đệ chia sẻ.

Nguồn: Du lịch “hồi sinh”, người dân núi Cấm vui mừng

Minh Hiển

baoangiang.com.vn