Bất động sản vẫn khó

10:26 | 12/09/2023

|
Dù có chuyển động nhưng những khó khăn, vướng mắc về vốn, pháp lý... của các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất nhiều.
Giảm lãi suất kích thích nhu cầu vay mua nhàGiảm lãi suất kích thích nhu cầu vay mua nhà
Khơi thông dòng chảy tín dụng cho bất động sảnKhơi thông dòng chảy tín dụng cho bất động sản

Đã có chuyển động...

Mới đây Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo gửi Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận về việc chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án NovaWorld Phan Thiết.

Bất động sản vẫn khó
Nhiều dự án dù đã xây xong phần thô vẫn phải “trùm mền”, không bán được hàng. ĐÌNH SƠN

Theo đó, trên cơ sở chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án NovaWorld Phan Thiết, Sở đề nghị Công ty Delta Valley Bình Thuận lập bản đồ xác định cụ thể vị trí, diện tích tại các phần diện tích đất xây dựng công trình biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại theo quy hoạch chi tiết của dự án và gửi về Sở để có cơ sở rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét, giải quyết việc điều chỉnh hình thức từ thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần đối với phần diện tích đất xây dựng công trình biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại theo quy định tại điều 172 luật Đất đai năm 2013.

Dự án NovaWorld Phan Thiết có quy mô 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD. Sau một thời gian tạm dừng triển khai, vào tháng 5 vừa qua, Novaland, MB, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty CP cơ khí và đầu tư xây dựng số 9, Công ty TNHH đầu tư Tân Hà, Công ty TNHH xây dựng Tài Việt Tín đã ký kết thỏa thuận hợp tác tái khởi động dự án. Đây cũng là dự án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa vào thí điểm làm kinh tế đêm. Được chuyển từ thuê đất trả tiền hằng năm sang trả tiền một lần sẽ giúp doanh nghiệp (DN) rất nhiều trong triển khai dự án, bán hàng và vay vốn từ ngân hàng.

Trước đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều giải pháp hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các dự án của Novaland, Hưng Thịnh liên quan việc điều chỉnh quy hoạch.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN không có nhiều tín hiệu khả quan, thì DN còn phải xoay xở bán hàng, đối diện tình trạng nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin và vẫn có tâm lý chờ đợi, chưa "xuống" tiền mua nhà...

Ông Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch Hội Môi giới BĐS TP.HCM)

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết đến nay đã có tín hiệu tốt hơn, lạc quan hơn. Đầu tiên là việc pháp luật cho phép DN gia hạn lại các lô trái phiếu. Trên cơ sở đó, DN đã đàm phán được một số khách hàng đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản (BĐS). Hiện tại, DN này cũng đang đàm phán được một số ngân hàng để cơ cấu lại nợ. Ngân hàng cũng đã đồng ý cho vay tiền đối với những dự án trước đây đang xây dựng dở dang nhưng phải tạm dừng vì hết tiền.

"Khi dự án xây dựng trở lại, DN sẽ tiếp tục thu được tiền từ khách hàng và có nhà bàn giao cho khách hàng. Chúng tôi cũng đã tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư nước ngoài và mọi việc vẫn đang được xúc tiến với những tín hiệu khả quan. Về mặt chính sách đã có những tháo gỡ đáng kể cho các dự án vướng mắc trong thời gian qua. Nhiều chính sách mới tạo điều kiện cho DN", vị này cho biết

UBND TP.HCM cũng đã họp để có hướng chỉ đạo tháo gỡ ngay đối với 16/32 dự án mà Tổ công tác của Thủ tướng (Tổ 1435) chuyển đến. Còn lại 16/32 dự án, TP.HCM đã giao các sở, ban ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, báo cáo xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp.

Ngoài ra, từ 189 kiến nghị của 148 dự án do Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tổng hợp kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, đến nay các sở, ngành đã giải quyết đối với 43 kiến nghị của 39 dự án. Thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng. Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT TP.HCM tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Nhưng rất ít, rất chậm

Các dự án được tháo gỡ dứt điểm vẫn rất chậm, rất ít... không đáng kể so với các dự án vẫn đang "tắc". Trong đó, tiếp cận vốn ngân hàng vẫn là rào cản lớn để các DN có thể phục hồi hoạt động.

Nhiều DN BĐS phản ánh: Các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự giúp DN có được dòng tiền để hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS TP.HCM, phân tích: Nhóm ngành BĐS xếp vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành trái phiếu DN được ghi nhận trong 7 tháng 2023 với 26.055 tỉ đồng (chiếm 33%). Nhiều DN cũng đàm phán thành công cùng chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn ở phía trước. Việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp DN có thêm thời gian ổn định sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu lại nợ của DN và cơ bản là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác. Đặc biệt, tháng 9 này là đợt đáo hạn trái phiếu DN lớn nhất trong năm 2023, với khoảng 41.000 tỉ đồng. Trong khi đó, danh sách DN chậm thanh toán đang kéo dài qua từng ngày. Tính đến ngày 24.8 có 67 DN thuộc diện chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu DN.

Hiện BĐS cần nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn nhưng thị trường phụ thuộc vào 2 dòng vốn chính là vốn vay từ ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Trong khi Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS khiến DN không thể tiếp cận được thì nguồn vốn từ khách hàng cũng không mấy khả quan. Những yếu tố này đang tác động trực tiếp đến sự an nguy của các DN BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu

Những khó khăn chưa dừng lại. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN không có nhiều tín hiệu khả quan, thì DN còn phải xoay xở bán hàng, đối diện tình trạng nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin và vẫn có tâm lý chờ đợi, chưa "xuống" tiền mua nhà… Vì thế, hầu hết DN BĐS phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động. Nhưng dù NHNN nỗ lực điều chỉnh thông qua các đợt giảm lãi suất, tín dụng ưu đãi... thì DN lẫn ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Bởi nhiều DN muốn vay thì không đủ điều kiện theo quy định còn DN có thể vay thì không dám vay vì làm ăn không có lợi nhuận", ông Đính lo ngại.

Ông Đính cũng cho rằng thời điểm này là bài học xương máu cho tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Chắc chắn sau khi vượt qua "đại nạn" này, các DN sẽ hoạt động một cách cẩn trọng hơn, biết "liệu cơm gắp mắm", tự lượng sức mình và quan trọng sẽ biết cách trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để tăng khả năng chống chọi với các tình huống khó khăn, bất lợi.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu thừa nhận dù môi trường kinh doanh có những chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn chưa thực sự hồi phục rõ ràng. Đến nay DN BĐS vẫn có nguy cơ đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí có thể phá sản do thiếu tính ổn định, khó đoán về chính sách hoặc do hiện tượng áp dụng "hồi tố" đối với một số trường hợp. Trong 2 năm qua, TP.HCM có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra nhưng vẫn chưa có một kết luận rõ ràng nào, mọi việc vẫn "treo lơ lửng".

Trong khi đó, số tiền mà các DN đổ vào các dự án này không hề nhỏ. Việc bị dừng triển khai cũng đồng nghĩa với nguồn cung ra thị trường bị hạn chế, DN không có sản phẩm để bán, để thu tiền về. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng lại chưa có nguồn vốn khác thay thế khiến DN "tắc" nguồn vốn dẫn đến hàng loạt khó khăn khác vẫn đang đeo bám DN.

Nguồn:Bất động sản vẫn khó

Đình Sơn

thanhnien.vn