Bến Tre: Phát triển “tam nông” theo hướng bền vững, hiệu quả

10:09 | 17/12/2022

|
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bến Tre: Cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái trong lànhBến Tre: Cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái trong lành
Bến Tre: Xây dựng, phát triển nông nghiệp bền vữngBến Tre: Xây dựng, phát triển nông nghiệp bền vững

Đoàn công tác tỉnh khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).

Đoàn công tác tỉnh khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).

Hạn chế cần khắc phục

Trong những cuộc làm việc với các địa phương, đặc biệt là trong chuyến về làm việc tại Bến Tre tháng 10-2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh lại quan điểm, tầm quan trọng của Nghị quyết số 19-NQ/TW đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết khẳng định “tam nông” là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho “tam nông”.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 30-CTr/TU ngày 8-11-2022. Tỉnh ủy cũng đã đánh giá lại tình hình “tam nông” của tỉnh sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tam nông”.

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng nâng lên. Bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tại các cuộc làm việc, đối thoại với hợp tác xã, với nông dân gần đây nhất, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã chỉ ra: Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình phát triển tam nông của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là nông nghiệp phát triển nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về số lượng và chất lượng, năng suất lao động mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với khu vực.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ chia sẻ sâu sắc với nông dân về các khó khăn, bất lợi đã xảy ra như: tình hình thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản còn diễn biến bất thường, gây bất lợi trong sản xuất. Đời sống của phần lớn nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống còn thấp. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Đồng thời, nhấn mạnh hạn chế về phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian qua. Đó là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nên thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, gây phá vỡ quy hoạch. Kinh tế tập thể mặc dù có bước phát triển khá nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn còn hạn chế, nhất là thiếu doanh nghiệp sơ chế, chế biến các sản phẩm từ tôm biển, trái cây, con bò, con heo... để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn còn yếu kém, nhu cầu nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng 6,5 - 7%

Chương trình số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy ngày 8-11-2022 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ ký ban hành, đã nêu rõ các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức rõ nét trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của “tam nông” trong nền kinh tế của địa phương; nâng cao vai trò quản lý của chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thi công tuyến đường nông thôn mới xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Thi công tuyến đường nông thôn mới xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Quy hoạch vùng sản xuất gắn với tổ chức lại khu dân cư gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường và bảo tồn sinh thái bền vững. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; huy động nguồn lực tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 6,5 - 7%/năm. Giá trị sản xuất 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 400 - 430 triệu đồng/năm. Lợi nhuận trên 1ha đất nông nghiệp từ 150 - 260 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM; 100% huyện đạt chuẩn huyện NTM; có 5 huyện đạt huyện NTM nâng cao; 1 huyện đạt huyện NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Chương trình số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan trọng trước tiên là đẩy mạnh triển khai, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 19-NQ/TW về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh và các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Xác định phát triển “tam nông” chính là xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và nông dân nói riêng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW đã khẳng định một số quan điểm, trong đó xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nguồn: Phát triển “tam nông” theo hướng bền vững, hiệu quả

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn