Bến Tre: Tập trung tái cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp

14:39 | 11/11/2022

|
Trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9,95%, đứng thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó, khu vực I tăng trưởng đạt 3,21%, đứng thứ 7 khu vực ĐBSCL. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN), xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị (CGT) sản phẩm NN chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, con heo, con bò, tôm biển và hoa kiểng, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế hợp tác có nhiều chuyển biến tích cực.
Bến Tre: Tập trung tái cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp
Khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).

Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Việc phát triển ngành nghề nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận, gồm 39 làng nghề NN, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó, có 20 làng nghề truyền thống (tiểu thủ công nghiệp 12, NN 8). Thông qua chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ các làng nghề tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh. Từ đó, giúp các làng nghề có thêm nhiều kênh tiếp cận với khách hàng, góp phần thúc đẩy các làng nghề đầu tư xây dựng và giữ vững thương hiệu.

Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong năm 2022, đã tổ chức 1 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tính chung đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 61 chủ thể. Trong đó, có 79 sản phẩm 3 sao, 79 sản phẩm 4 sao. Tiếp tục vận động và hướng dẫn các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho đợt 2 năm 2022. Công tác tập huấn, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh bằng các hình thức: sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn Chương trình OCOP; tập huấn, hướng dẫn cho chủ thể sử dụng các cổng thông tin điện tử của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và hỗ trợ chủ thể chụp ảnh sản phẩm; cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trên cổng: ocop.bentre.gov.vn để quảng bá sản phẩm.

Ngành NN đã phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động các chủ thể, cá nhân, đơn vị tham gia các lễ hội, hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, đã triển khai thực hiện được một số hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời hỗ trợ khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp, trong đó có chủ thể OCOP ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Phát triển các sản phẩm chủ lực

Toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác (THT), 59 hợp tác xã (HTX) tham gia vào CGT các sản phẩm NN chủ lực. Cụ thể, đã xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với CGT dừa. Có 32 THT, 28 HTX trong vùng sản xuất gắn với CGT dừa với quy mô 6.404,18ha và 6.905 thành viên. Xây dựng vùng sản xuất dừa với tổng diện tích 19.411ha, chiếm 25% diện tích dừa toàn tỉnh. Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 17.187,37ha, chiếm 22,2% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 9.736ha. Đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 1.826ha, 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 20ha.

Vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, đối với chuỗi bưởi da xanh, có 7 THT, 12 HTX liên kết với doanh nghiệp đầu ra diện tích 374ha. Trong đó, đã cấp 13 vùng trồng bưởi da xanh tại Châu Thành với diện tích 179,87ha. Sản lượng tiêu thụ bưởi khoảng 200 tấn/tháng. Đã cấp 186 ngàn tem truy xuất nguồn gốc. Diện tích bưởi đạt chứng nhận VietGAP 330,98ha, với 741 hộ. Xây dựng mô hình thí điểm vùng sản xuất bưởi da xanh, dự kiến 50ha, tại THT Bưởi da xanh Thuận Phước, xã Tam Phước (Châu Thành); đã hỗ trợ HTX đạt chứng nhận VietGAP với 14,15ha và thực hiện liên kết với Công ty TNHH MTV XNK trái cây Hương Miền Tây, sản lượng tiêu thụ khoảng 70 tấn. Tỉnh đang triển khai mở rộng mô hình điểm sang các THT, HTX xã An Hiệp, Tường Đa và Thành Triệu.

Hiện tại có 3 HTX tham gia chuỗi chôm chôm với diện tích khoảng 32ha. Diện tích chứng nhận đạt VietGAP khoảng 57,9ha, với 110 hộ. Đã cấp 25 vùng trồng chôm chôm với diện tích 151,16ha và xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95 ngàn tem. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hạn mặn đã làm chôm chôm giảm diện tích, sản lượng. Hiện tại duy trì 3 vùng trồng trên chôm chôm, diện tích 32,05ha.

Xây dựng 2 liên kết xoài giữa HTX và doanh nghiệp, với tổng diện tích 41,48ha. Trong đó, HTX NN Thạnh Phong thực hiện liên kết với Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu với diện tích 30,95ha; THT Xoài Thới Thuận liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu với diện tích 10,53ha. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP cho 120ha xoài tứ quý tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đã cấp 3 vùng trồng xoài tứ quý với tổng diện tích 30,95ha, trong đó 10,55ha cho Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, 10,4ha cho Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers và 10ha cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit.

Xây dựng vùng sản xuất sầu riêng, có 1 HTX, 8 THT, với tổng diện tích 130,98ha, hình thành 3 liên kết giữa THT, HTX với doanh nghiệp. Trong đó, 1 HTX, 7 THT tham gia liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng với 113,45ha. Diện tích sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP là 127,58ha với 158 hộ tham gia. Xây dựng mô hình điểm, dự kiến 100ha sầu riêng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện tại HTX NN Tân Phú (Châu Thành), với diện tích 20ha và 55 hộ tham gia.

Chuỗi heo, đã duy trì hoạt động của 2 THT và 3 HTX với 184 hộ tham gia với khoảng 10.778 con. Xây dựng 4 liên kết đầu vào - đầu ra. Triển khai xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển CGT trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Hình thành liên kết sản xuất dưới hình thức HTX có quy trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Duy trì hoạt động 1 THT; 4 HTX có 326 hộ tham gia với khoảng 2.140 con bò.Triển khai xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Ba Tri làm nền tảng để thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy. Hình thành liên kết sản xuất dưới hình thức HTX có quy trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Trong năm vận động 1 HTX tham gia liên kết chuỗi cây giống - hoa kiểng HTX Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc. Đến nay, có 5 HTX cây giống - hoa kiểng thực hiện liên kết CGT. Đã tổ chức hội nghị triển khai chuỗi cây giống, hoa kiểng. Tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát lại các quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống - hoa kiểng đã có, làm cơ sở đề xuất xây dựng bổ sung quy trình sản xuất cho các chủng loại cây giống - hoa kiểng còn thiếu.

Tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung nuôi tôm tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với địa phương phát triển tăng thêm 493ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; lũy kế đến nay đã phát triển 2.493ha. Thành lập 1 HTX nuôi tôm công nghệ cao tại xã Bình Thắng (Bình Đại) với 30 xã viên tham gia. Tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng các liên kết trong vùng thông qua việc hỗ trợ vận động thành lập THT, HTX nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn: Tập trung tái cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp

Hoàng Phương

baodongkhoi.vn