Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính. |
Tại hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” ngày 31/10, bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đánh giá chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng xanh hiện đang khá toàn diện.
Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường. Thị trường châu Âu tiếp tục dẫn đầu về tín dụng cho phát triển bền vững, chiếm hơn 80% dư nợ toàn cầu trong năm 2023. Khu vực châu Á, với Singapore và Nhật Bản nổi bật, có sự tăng trưởng nhưng vẫn khiêm tốn.
Khái quát bức tranh tài chính xanh ở Việt Nam thời gian qua, bà Nga cho biết Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Tuy vậy, trái phiếu xanh vẫn là loại chứng khoán khá mới tại thị trường Việt Nam, với quy mô và giá trị phát hành còn hạn chế, và số lượng nhà đầu tư tham gia phát hành chưa nhiều.
Cụ thể, quy mô thị trường vốn nợ bền vững tăng nhanh so với khu vực. Khối lượng tích lũy của các loại trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, và liên kết với tính bền vững (GSS+) năm 2023 là 4,2 nghìn tỷ USD, nửa đầu năm 2024 đạt 5,1 nghìn tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp cũng đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp xanh theo đúng tiêu chuẩn của ICMA để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường.
Còn theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ gần 60 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên hơn 340 nghìn tỷ đồng năm 2023, với mức tăng trung bình hằng năm 48,91%, nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng tín dụng hệ thống, tăng từ 3,33% vào năm 2018. Trong đó, phần lớn tăng trưởng tín dụng xanh hiện tại đến từ các ngân hàng nhà nước hoặc ngân hàng thương mại lớn, các chính sách ưu đãi cho các dự án xanh vẫn còn ít.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2018-2023 (đơn vị: tỷ đồng). (Nguồn: Báo cáo của các tổ chức tín dụng) |
Những rào cản còn hiện hữu
Cũng theo bà Nga, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, còn nhiều điểm thắt cần tháo gỡ, nhất là về danh mục và bộ tiêu chí xanh, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường hay các ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhà đầu tư tham gia vào thị trường tài chính xanh.
Bà cho biết, chi phí thực hiện tài chính xanh trên thực tế thường cao hơn khá nhiều so với thông thường trong khi chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, đây là nhân tố khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong chuyển đổi xanh. Đồng thời, danh mục phân loại dự án xanh; việc ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành, do đó còn nhiều hạn chế trong việc xác định trình tự, thủ tục, vai trò, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Đặc biệt, nguồn vốn cho tín dụng xanh còn thiếu, tạo áp lực cho hệ thống ngân hàng cũng như tạo rủi ro về tài chính nếu dự án không hiệu quả và nợ xấu xảy ra. Ngoài ra, nhận thức về tài chính xanh của đa phần doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, làm giảm động lực tham gia vào các hoạt động tài chính bền vững.
Gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tài chính xanh
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) nhấn mạnh, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy tài chính xanh, bao gồm tín dụng và trái phiếu xanh, nhằm tạo ra sự đồng bộ. Bà kiến nghị ban hành danh mục và tiêu chí xanh, kèm theo cơ chế ưu đãi cho các dự án xanh.
Cùng với đó, bà Nghiêm Thị Thà, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, cho rằng giáo dục nhận thức về tài chính xanh cần triển khai đến mọi tầng lớp để đảm bảo sự tham gia sâu rộng và bền vững.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đề xuất chính sách ưu đãi thuế, miễn giảm thuế cho lợi tức từ trái phiếu xanh, phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian minh bạch, và nâng cao nhận thức của nhà đầu tư thông qua truyền thông đa dạng. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tài chính xanh và các quỹ đầu tư xanh trong phát triển thị trường.
Ngoài ra, ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng bổ sung thêm rằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cam kết thực hiện các chính sách đột phá là yếu tố quan trọng để xanh hóa thị trường tài chính.
Nguồn:Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
Tú Uyên
kinhtexaydung.petrotimes.vn
- Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025
- Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế phí trong năm 2025
- Chỉ số giá tiêu dùng dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong tầm kiểm soát
- Giải pháp nào để ổn định thị trường ngoại hối?
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Son Heung Min ghi bàn thứ 50, đội tuyển Hàn Quốc tiến gần vòng chung kết World Cup 2026
-
Nguồn cung thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ từ năm 2025
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Thaco tổ chức lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo