Bến Tre: Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững

17:30 | 12/08/2023

|
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 78 ngàn héc-ta. Những năm gần đây, tỉnh đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững bằng cách phát triển chuỗi giá trị cây dừa nhằm tăng lợi nhuận, thu nhập cho nông dân.
Bến Tre: Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yếnBến Tre: Công tác di dời cơ sở chăn nuôi và tình hình nuôi chim yến
Bến Tre: Làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO về tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thảiBến Tre: Làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO về tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thải

Người dân chú trọng canh tác vườn dừa theo hướng hữu cơ.

Người dân chú trọng canh tác vườn dừa theo hướng hữu cơ.

Cây dừa được trồng ở tỉnh từ lâu đời do phù hợp đặc thù điều kiện tự nhiên nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, thường xuyên chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Gần đây, diện tích trồng dừa liên tục tăng, bình quân mỗi năm hơn 1 ngàn héc-ta, chủ yếu ở những vùng bị tác động bởi xâm nhập mặn không thể trồng lúa, hoa màu hay cây ăn trái được.

Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, đạt hiệu quả khá cao. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Quang Đức cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Sau thời gian xây dựng chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 28 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp này mà hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương”.

Mấy năm nay, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với 85 hộ tham gia, canh tác 149,5ha và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ. Nông dân Phạm Văn Hà là thành viên HTX cho biết: “Hơn 4 năm qua, gia đình tôi canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 1,7ha. Hàng tháng, toàn bộ dừa khô đều được đội nhân công của HTX đến tận vườn thu hoạch rồi cung ứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường nên nông dân an tâm. Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn cách ủ phân hữu cơ bón cho vườn dừa nên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết: “Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 11,2 tỷ đồng, lợi nhuận từ dịch vụ khoảng 92 triệu đồng. Trong đó, ước tính lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với hộ sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm”. Ngoài giá trị về kinh tế thì canh tác dừa hữu cơ tại HTX còn mang lại giá trị về sức khỏe cho người nông dân và người tiêu dùng, đặc biệt là môi trường được bảo vệ trong lành phù hợp với sự phát triển xanh, bền vững.

Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh thực hiện dịch vụ sơ chế cơm dừa từ nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ của người dân được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới giao sơ chế gia công. Qua hoạt động sơ chế cơm dừa đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hoạt động sơ chế cơm dừa góp phần hỗ trợ nhà máy chế biến giải quyết dừa không để tồn đọng, sản phẩm từ dừa luôn đảm bảo chất lượng cao, hạn chế hao hụt do dừa để lâu mà không được sơ chế, chế biến.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh phát triển thêm 554 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 17.846 ha (chiếm 22,9% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 11.418 ha. Đặc biệt, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... không ngừng duy trì và phát triển hàng năm mặc dù kinh phí đầu tư cho việc phát triển và quản lý duy trì tái chứng nhận hàng năm là khá lớn. Từ nền tảng liên kết theo chuỗi và vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư những thiết bị máy móc hiện đại đã có hầu hết những chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới.

“Ðịa phương xác định xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Ðồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Nguồn: Tỉnh tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững

Thành Châu

baodongkhoi.vn