Cà Mau: Cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái

15:07 | 07/12/2023

|
Tại Cà Mau, các loại hình du lịch sinh thái phát triển không chỉ khai thác tốt các tiềm năng sẵn có, góp phần vào phát triển kinh tế, mà song song đó còn giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ngoài lao động nông thôn, nhiều thanh niên học tập trong lĩnh vực du lịch cũng quyết định trở về để làm việc gắn bó với quê hương.
Cà Mau: Phụ nữ vượt khó làm giàuCà Mau: Phụ nữ vượt khó làm giàu
Cà Mau: Phát triển du lịch xanh và bền vữngCà Mau: Phát triển du lịch xanh và bền vững

Học ngành du lịch và có thời gian dài làm việc tại Cần Thơ, bạn Ðỗ Anh Thư (Ấp 1, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) quyết định trở về Cà Mau làm việc tại điểm Du lịch Hoa rừng U Minh. Ðối với Anh Thư, tìm được một công việc đúng với đam mê, thu nhập tốt, lại gần nhà không phải là chuyện dễ dàng.

“Công việc chính của tôi là tiếp đón khách, thiết kế lịch trình đi tour, liên kết với các công ty du lịch để đưa đón khách. Chủ cơ sở đa phần ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương. Mọi người được bố trí chỗ ăn nghỉ nếu có nhu cầu, ngoài mức lương cơ bản còn nhận được nhiều khoản thù lao khác nên thu nhập khá ổn định. Những ngày khách đông, khu du lịch còn thuê thêm lao động thời vụ”, Thư chia sẻ.

Nhân viên Khu du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau - ECO chuẩn bị bữa ăn cho du khách.

Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch tại Trường Ðại học Cần Thơ, bạn Nguyễn Phúc Bảo quyết định ở lại TP Cần Thơ làm hướng dẫn viên tự do và cộng tác cho các công ty du lịch lữ hành tại đây suốt 4 năm. Ở thời điểm đó, vào các mùa cao điểm du lịch (tháng 6-9), mỗi tháng Bảo đi trung bình từ 6-7 tour. Tuy thu nhập khá cao nhưng công việc lại không ổn định.

Khi Khu du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau - ECO (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) đăng tuyển nhân viên vào tháng 9 vừa qua, Bảo đã quyết định trở về quê hương xin vào vị trí hướng dẫn viên, công việc đúng với chuyên môn lại gần nhà.

Bảo cho biết: “Các bạn làm việc tại đây chủ yếu là lao động địa phương. Hầu hết khi vừa học xong lớp 12 đã ra đi làm, thế nên, về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ vẫn còn hạn chế. Bằng những kiến thức đã học qua trường lớp, tôi cũng cố gắng đào tạo thêm để các bạn đáp ứng công việc được tốt hơn”.

Đa phần nhân viên tại Làng rừng Cà Mau - ECO là các bạn trẻ, sinh sống tại địa phương.

Với nhu cầu, thị hiếu của khách khi đến với Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau - ECO, Bảo cho biết, không khí, cảnh quan mộc mạc, ẩm thực phong phú cùng với những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, không cần những trang thiết bị hiện đại đã là một điểm cộng trong lòng du khách. Thế nên, về cung cách phục vụ, nhân viên chỉ cần nhiệt tình, thật thà, ăn nói dễ thương, duyên dáng là ghi dấu ấn cho khách du lịch.

“Tôi vẫn đang ấp ủ một chương trình team building tại đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách”, Bảo cho biết.

Bà Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau- ECO) chia sẻ: “Khu du lịch hiện có 37 nhân viên, các bạn đa phần ở tại địa phương, là lực lượng trẻ nên rất nhanh nhạy, tâm huyết với công việc. Về các chế độ lương bổng, bảo hiểm, chúng tôi cố gắng hỗ trợ các bạn tối đa. Chúng tôi xem nhau như một gia đình, tạo môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, góp phần nhỏ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương”.

Sự phát triển của loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn đã giải quyết được nhiều lao động từ nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề về dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống, giảm tình trạng lao động ly hương./.

Nguồn: Cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái

Hữu Nghĩa

baocamau.vn