Cà Mau: Giá trị văn hoá tinh thần của lễ hội kỳ yên

03:05 | 04/04/2022

|
Theo thống kê, Cà Mau có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều đình, chùa, miếu mạo như: đình thần Tân Thành, Tân Xuyên, Tân Nghĩa và miếu Thần Minh (TP Cà Mau); đình thần Thới Bình, đình Tân Lộc (huyện Thới Bình); đình Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời), đình thần Phú Mỹ (huyện Phú Tân); miếu Thuỷ Long Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi)… Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều đời hương chức, nhiều ngôi miếu, đình vẫn tồn tại đến ngày hôm nay và trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi thờ Thành Hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân Cà Mau.

Hàng năm, ngoài những ngày sóc vọng, các đình thần, miếu mạo đều tổ chức lễ Kỳ yên và lễ cúng Ngũ hành Nương Nương, thường có mời đoàn hát về phục vụ lễ hội và biểu diễn lân cho bà con xem

Cà Mau: Giá trị văn hoá tinh thần của lễ hội kỳ yên
Bà con trong xóm với trang phục áo dài truyền thống cùng nhau rước sắc thần trong Lễ hội Kỳ yên đình Tân Lộc. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).

Đình Tân Lộc thuộc Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Ông Hồ Thanh Sơn, Chánh bái đình Tân Lộc, cho biết, ngôi đình có niên đại hàng trăm năm. Vào năm 1852, vua Tự Đức tái sắc phong cho thần Thành Hoàng ở đây gồm 8 tự ca ngợi như sau: “Quảng hậu hữu thiện đôn ngưng chi thần… An xuyên huyện, Tân Mỹ thôn y cựu phụng sư, thần kỳ tương hữu bão ngã lê dân".

Theo cổ lệ tín ngưỡng của người dân Tân Lộc, hàng năm, nơi đây diễn ra 2 lễ hội quan trọng, đó là cúng tế các vị anh hùng liệt sĩ đã từng hoạt động cách mạng tại ngôi đình này, vào ngày 27/7 dương lịch và Lễ hội Kỳ yên (Hạ điền) vào ngày 17, 18/2 âm lịch gồm các lễ như: tế vong linh các anh hùng liệt sĩ, tế Thần Nông, chánh tế, tút yết… với mục đích là tín ngưỡng tâm linh.

Cà Mau: Giá trị văn hoá tinh thần của lễ hội kỳ yên
Lễ Kỳ yên đình Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Ở khắp các vùng sông nước Cà Mau, tục thờ Thuỷ Long thần nữ hay còn gọi bà Thuỷ Long - là vị nữ thần với nhiều quy mô khác nhau. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Văn Quynh, Bảo tàng tỉnh Cà Mau: Tục thờ Thuỷ Long thần nữ có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá vùng miền đã có những hình thức tín ngưỡng theo vùng văn hoá nên có nhiều hình thức thờ tự phổ biến: thờ bà Chúa Xứ, thờ Ngũ hành Nương Nương, thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ bà Thuỷ Long… ngày nay trở thành tín ngưỡng đặc trưng của cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Lễ Kỳ yên miếu bà Thuỷ Long Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của làng xã. Sân đình tấp nập những cụ ông, cụ bà khăn đóng áo dài, các nam thanh nữ tú, thiếu niên nhi đồng chuyện trò rôm rả.

Ông Phan Văn Tợ, Trưởng ban Quản trị miếu, cho biết, miếu được thành lập vào khoảng năm 1820, do 2 ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành xây cất để ghi dấu quá trình khai hoang, lập ấp của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới. Từ 2 kiến họ ban đầu (Tô, Nguyễn), trải qua hơn 200 năm, xứ Thanh Tùng đã phát triển hơn 60 kiến họ, làng xóm dân cư đông đúc. Ngày cúng lệ Kỳ yên bà Thuỷ Long hàng năm được tổ chức vào ngày 16 và 17/2 âm lịch và các ngày Rằm lớn, Tết Nguyên đán…, nhiều người mang lễ vật đến cúng viếng thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết yêu thương nhau, qua đó thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Cà Mau: Giá trị văn hoá tinh thần của lễ hội kỳ yên
Lễ Kỳ yên hàng năm được tổ chức vào ngày 16 và 17/2 âm lịch, nhiều người mang lễ vật đến cúng viếng thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết yêu thương nhau, qua đó thắt chặt tình làng, nghĩa xóm

Lễ Kỳ yên đình thần, miếu mạo… góp phần khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng bổn cảnh trên vùng đất Cà Mau. Hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước đã tồn tại hơn 200 năm qua trong đời sống tinh thần người dân Cà Mau. Lễ hội Kỳ yên cần được bảo tồn và phát huy một cách tích cực, trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hoá lành mạnh, góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hoá tín ngưỡng ở địa phương./.

Nguồn: Giá trị văn hoá tinh thần của lễ hội kỳ yên

Huynh Lâm

baocamau.com.vn