Cà Mau: Hài hoà và trách nhiệm trong liên kết sản xuất

21:13 | 27/02/2023

|
Thời tiết thuận lợi, vụ lúa đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha, hiện nay đã thu hoạch gần xong, năng suất 5,72 tấn/ha. Ðây được xem là một năm được mùa, tuy nhiên, nhìn lại ngành sản xuất lúa của địa phương vẫn còn nhiều nỗi lo.
Cà Mau: Nông sản mùa khôCà Mau: Nông sản mùa khô
Cà Mau: Huy động lực lượng cứu hộ tàu cá gặp nạn trên biểnCà Mau: Huy động lực lượng cứu hộ tàu cá gặp nạn trên biển

Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết, cơ cấu giống lúa gieo cấy bằng nhóm lúa thơm ST24, ST25 quá nhiều trong tổng diện tích gieo cấy, năm 2022 là 34.078 ha (vụ hè thu 6.684 ha, vụ lúa - tôm 11.399 ha, vụ lúa đông xuân 15.995 ha). Khủng hoảng thừa dẫn đến giá bán sụt giảm, một số thời điểm giá bán lúa ST24, ST25 từ 6.800-7.200 đồng/kg cắt tay, từ 8.000-8.200 đồng/kg cắt máy, thấp hơn từ 500-700 đồng/kg so với vụ mùa năm 2021-2022 (giá ST24, ST25 là 7.800 đồng/kg cắt tay, 8.500 đồng/kg cắt máy).

Cùng với đó, hợp đồng bao tiêu nguyên liệu thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên rất dễ bị phá vỡ. Một số hợp tác xã (HTX) chưa ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu rõ ràng với các doanh nghiệp (DN), chủ yếu bán cho DN qua thoả thuận vào cuối vụ, cho thấy không ổn định bền vững. “Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi trong vùng còn khó khăn. Hệ thống giao thông thuỷ, bộ phục vụ vận chuyển lúa hàng hoá một số nơi như sông, kênh rạch hẹp, bị cạn vào cuối vụ, độ thông thuyền thấp dẫn đến các phương tiên vận tải lớn đường thuỷ chưa thể vào sâu, phải sử dụng phương tiện nhỏ, dẫn đến phát sinh chi phí; đường bộ nhỏ xuống cấp, cầu tải trọng yếu... là nguyên nhân khó mở rộng vùng nguyên liệu với quy mô diện tích lớn”, ông Nguyễn Trần Thức nêu thực tế.

Ðược mùa lúa đông xuân, nông dân rất phấn khởi.

Cụ thể của vấn đề trên, để vận chuyển được lúa từ hộ dân ra ngoài cống đập, các công ty thu mua có phương tiện trọng tải lớn phải chi ra từ 250-300 đồng/kg, số tiền này được trích từ việc giảm giá lúa khi thu mua của nông dân.

Trong tỉnh hiện chưa có DN đầu tư quy mô lớn về khâu phơi sấy lúa nên các DN thu mua lúa phải vận chuyển rất xa (Ðồng Tháp, An Giang, Long An) để sấy, xay xát. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn mở rộng vùng nguyên liệu, cũng như giảm giá thành nguyên liệu.

Hầu hết các HTX trên lĩnh vực trồng lúa đều hoạt động yếu, thiếu vốn, thiếu nhân lực, năng lực tổ chức, nhất là khâu liên kết tổ chức sản xuất chưa được chặt chẽ. Các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong liên kết sản xuất, kinh doanh mặc dù được ban hành (Nghị định 98/2018/NÐ-CP ngày 5/7/2018), nhưng việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa tôm rất hạn chế khi toàn vùng sản xuất lúa tôm hiện có khoảng 15 máy gặt đập mini, cắt lúa bằng tay trên 80% diện tích nên chi phí công lao động tăng cao, chất lượng lúa giảm, kéo theo lợi nhuận của nông dân bị ảnh hưởng.

Từ thực tiễn đặt ra, theo Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, thời gian tới, quá trình thực hiện liên kết sản xuất phải có sự tham gia hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và HTX kết nối (bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, DN). Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong khâu liên kết đảm bảo tuân thủ yêu cầu của HTX và DN. Việc liên kết sản xuất phải đảm bảo lợi ích hài hoà các bên, có sự chia sẻ những khó khăn khi phát sinh ngoài ý muốn. Quá trình liên kết giữa HTX với DN phải ký kết bằng hợp đồng có tính pháp lý, phân định rõ quyền, lợi ích, trách nhiệm của các bên, trong đó đặc biệt chính quyền địa phương (UBND xã) phải tham gia làm đầu mối để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong tổ chức sản xuất cần tuân thủ sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp như: lịch thời vụ xuống giống, cơ cấu giống lúa, tổ chức nhóm nông dân gieo sạ tập trung theo từng thời điểm, từng khu vực để bố trí máy móc, lực lượng lao động thu hoạch, vận chuyển đảm bảo cho DN đến thu mua thuận lợi.

“Liên kết là khâu quan trọng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, nội dung này hiện còn thấp, chỉ chiếm 5,3%, cần tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các DN trong và ngoài tỉnh tham gia, mở rộng, hướng sản xuất lúa phát triển bền vững”, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức chia sẻ./.

Nguồn: Hài hoà và trách nhiệm trong liên kết sản xuất

Trần Nguyên

baocamau.com.vn