Cà Mau: Hơn 30 năm duy trì nghề truyền thống

04:12 | 22/10/2022

|
Tổ đan lờ ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, hiện có gần 20 hộ tham gia. Nghề này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ông Phạm Thành Văn, Bí thư Chi bộ ấp Thanh Tùng, cho biết, năm nào cũng vậy, chuẩn bị vào mùa mưa, ấp Thanh Tùng lại bắt đầu nhộn nhịp với nghề đan lờ để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Tổ đan lờ ở ấp đã duy trì hơn 30 năm, ban đầu chỉ có vài hộ làm, đến nay có gần 20 hộ, mỗi hộ từ 1-3 lao động tham gia. Những năm gần đây, bà con không còn làm riêng lẻ như trước, lúc cao điểm, đơn hàng nhiều, tổ sẽ huy động các thành viên mỗi người một công đoạn theo kiểu dây chuyền rồi thu gom sản phẩm giao cho khách hàng.

Cà Mau: Hơn 30 năm duy trì nghề truyền thống
Nghề đan lờ truyền thống ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, đã giúp nhiều gia đình có điều kiện cho con đến trường.

Mặc dù nghề đan lờ không phải là nghề chính nhưng đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều lao động. Nghề này không kén lao động, tận dụng thời gian nhàn rỗi, từ phụ nữ, người già, trẻ nhỏ đều có thể đan được. Mỗi ngày, 1 thành viên có thể đan 10-12 cái lờ. Lấy công làm lời, tuỳ theo kích cỡ, mỗi cái có giá dao động từ 20.000-30.000 đồng.

Tuy nghề đan lờ rất nhẹ nhàng, dễ học và cũng dễ làm nhưng để tạo ra được những cái lờ đẹp mắt, đạt hiệu quả trong việc khai thác cá đồng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh, thì phải cần sự tỉ mỉ của người thợ thủ công từ chẻ nan, kết hom, đan khung đến ráp thành cái lờ hoàn chỉnh. Chị Võ Thị Thắm, Tổ trưởng Tổ đan lờ, cho biết, các thành viên trong tổ tích cực học hỏi, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo nhiều thành viên trong tổ, so với những nghề khác như công nhân, phụ hồ, thu nhập từ nghề đan lờ chẳng là bao, nhưng bù lại được gần nhà chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái, khi rảnh có thể làm thêm những công việc khác để cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, hoạt động của tổ đan lờ cũng còn gặp không ít khó khăn, điều trăn trở nhất hiện nay là chưa tìm được đầu ra ổn định, chủ yếu cung cấp cho tiểu thương ở các chợ. Tổ mong các ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, để người dân mặn mà, tiếp tục giữ nghề truyền thống này như một nét đặc trưng cuộc sống thôn quê./.

Nguồn:Hơn 30 năm duy trì nghề truyền thống

Minh Phong

baocamau.com.vn