Cà Mau: Liên kết sản xuất, đưa sản phẩm OCOP vươn xa

10:15 | 19/04/2024

|
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng, Ngọc Hiển là địa phương có thế mạnh về biển, nuôi thuỷ sản, là nơi cung cấp các nguyên liệu chế biến các mặt hàng thuỷ sản phục vụ xuất khẩu quan trọng của tỉnh Cà Mau và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, trong phát triển kinh tế, huyện luôn khuyến khích các hộ dân liên kết sản xuất; các doanh nghiệp, công ty... phát huy thế mạnh, để tạo ra nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực cho huyện phát triển nhanh, bền vững.
Cà Mau: Dừng hoạt động đi bộ xuyên rừngCà Mau: Dừng hoạt động đi bộ xuyên rừng
Phân bón Cà Mau đưa bà con nông dân “Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa vàng”Phân bón Cà Mau đưa bà con nông dân “Tham quan nhà máy - Gặt hái mùa vàng”

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc cơ cấu lại tổ chức kinh tế được xem là giải pháp quan trọng để đưa các địa phương đi lên. Do đó, huyện Ngọc Hiển không ngừng tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để cùng nhau phát triển. Hiện toàn huyện có 31 HTX, vốn điều lệ 51.354 triệu đồng và 117 THT với 1.611 thành viên. Các HTX đã làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn, hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm làm ra, góp phần tăng doanh thu cho các thành viên.

Cơ sở sản xuất mắm tôm Kim Trúc, xã Viên An Đông, luôn quan tâm đến mẫu mã, chất lượng để sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc HTX Nuôi hàu lồng, xã Ðất Mũi, chia sẻ: “Nông dân cần phải liên kết với nhau trong sản xuất để ổn định đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh; cùng hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ sản phẩm của HTX nhằm mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững, mỗi thành viên đều có đóng góp, đều có lợi nhuận”.

Tính đến nay huyện đã có 21 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm này chủ yếu là đặc sản, thế mạnh của địa phương, như: tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm chua, bánh phồng cua, bánh phồng hàu, ba khía muối, mắm cá sơn, đũa đước... sản lượng mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn thành phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ðể mở rộng quy mô sản xuất, nhiều cơ sở đã thành lập HTX nhằm liên kết với nhau, từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, cho biết: “Hiện HTX có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Vấn đề hiện nay là, sản phẩm OCOP làm ra đôi lúc không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, nguyên nhân do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ thuộc vào con nước khai thác nên rất khó ký kết với các đối tác lớn”.

HTX Tân Phát Lợi mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn bánh phồng tôm.

“Theo tôi, việc phát triển sản phẩm OCOP nên quan tâm đến chất lượng, phải tập hợp được các sản phẩm với nhau để tạo một chuỗi cung ứng hàng hoá từ đầu vào đến đầu ra; phải chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm đặc sản OCOP; chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ nông dân kết nối thị trường, tạo tính ổn định và đầu ra của hàng hoá”, ông Chương chia sẻ.

Ðể sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến, ngoài giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, điểm bán đặc sản, trưng bày OCOP, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, các HTX, cơ sở sản xuất còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng, thông qua các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... Ða phần các sản phẩm được bán trên môi trường điện tử luôn được các cơ sở chú trọng về hình ảnh, thông tin được nêu chi tiết, rõ ràng để khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm. Theo các cơ sở sản xuất, từ khi bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP trên môi trường mạng, lượng tiêu thụ tăng từ 20-30% so với cách bán hàng truyền thống.

Tôm khô là đặc sản nổi tiếng của huyện Ngọc Hiển.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, năm 2024 huyện đặt kế hoạch phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 10 sản phẩm, gồm: cá cơm rim nước mắm, cá sơn rim nước mắm, khô cá đù, mắm tôm, bánh phồng tôm, tôm khô ép lụi, chả tôm, khô cá cơm, đũa đước; phấn đấu công nhận mới ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ðồng thời, huyện hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 1 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao.

Ông Trần Hoàng Lạc thông tin, tới đây huyện tổ chức hội nghị sản xuất và sẽ tập hợp các hộ sản xuất, kinh doanh và những nông dân điển hình trong phát triển kinh tế để cùng bàn bạc, tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương, phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP, liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn nguyên liệu, tạo cơ chế để phát triển các sản phẩm OCOP của huyện cực Nam, khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước./.

Nguồn: Liên kết sản xuất, đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Hồng My - Chí Hiểu

baocamau.vn