Cà Mau: Nhà in trong rừng đước

20:07 | 05/12/2021

|
Tôi theo kháng chiến giữa cuối năm 1967, trải qua giai đoạn khó khăn, gian khổ, cực kỳ ác liệt, đến năm 1972 may mắn được phân công đi học Trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam Bộ mà biết cảnh sống trong rừng đước Năm Căn… Thời chiến, nơi đây thuộc địa bàn huyện Duyên Hải… Ðầu năm 1973, nhờ được rút về tỉnh mà tôi biết Nhà in Trần Ngọc Hy ở rừng đước kinh Ông Ðơn… Ðó là điều may mắn và thời gian sắp tròn nửa thế kỷ trôi qua, luôn gợi tôi nhớ hình ảnh này.
Cà Mau: Nhà in trong rừng đước
Anh Mười Châu và Ba Trang đang in tờ tin tức Cà Mau (kéo quai guốc) năm 1961. Ảnh tư liệu

Về tỉnh mấy tháng đầu, tôi được phân công nhiều chuyến đi công tác thật xa, biết vùng đất Tân Hưng, Thạnh Phú, Nhà Phấn Gốc, kênh Quảng Sanh… Sau đó, tôi được phân công đi giao bài cho nhà in sắp chữ chì in báo Cà Mau, vài chuyến đầu cần đi hai người cho có bạn - cơ quan phân công em Châu Thanh Hải (khắc gỗ) cùng đi, lúc ấy còn phải bám theo đường giao liên và chờ nhập đoàn đồng loạt qua sông Bảy Háp; khi dần quen đường đi nước bước, tôi tự đi một mình… Nhà in Trần Ngọc Hy là một cụm nhà sàn kín đáo trong cánh rừng đước nguyên sinh bạt ngàn, cao ngút ót, vô số chang đước ken dày mặt đất phù sa ngập nước… Mấy năm qua, chiến tranh diễn ra ác liệt, giặc “bình định” ráo riết, đánh phá bằng bom đạn, đổ quân càn quét, chiếm đóng nhiều đồn bót vùng đông dân cư, nhưng nhà in trong rừng đước vẫn bảo đảm hoạt động, làm việc an toàn… Báo Cà Mau và Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng vẫn luôn khắc phục mọi khó khăn cho xuất bản, in ấn đều đặn theo định kỳ, không lúc nào ngừng nghỉ...

Người tôi nhớ trước tiên ở đây là chú Năm Nhỏ, cán bộ được Ban Tuyên huấn tỉnh phân công phụ trách Nhà in Trần Ngọc Hy thời kháng chiến. Gần 30 năm sau ngày giải phóng, tôi mới biết tên thật của chú Năm Nhỏ là Ðào Hữu Sanh, quê Bến Tre. Thường mỗi kỳ in báo Cà Mau, nhà in đảm trách luôn cả việc phát hành, cuộn tròn khổ đứng một bó mấy chục tờ báo và xếp gấp lại, dán nhãn đề địa chỉ nơi nhận, trực tiếp đi gửi qua đường dây Hai Hoả (Giao bưu tỉnh) về các huyện, thị, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, khu và gửi trao đổi các báo tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ… Tôi nhớ nét chữ đứng người lớn, ốm, cao của chú Năm Nhỏ đề phong bì từ năm Mậu Thân 1968, mật danh của Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau thời chiến là “XN 220 kg2: Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời” và tôi cũng còn nhớ mật danh cơ quan Tỉnh đoàn Cà Mau thời kháng chiến là “XN 380”… Chú Năm Nhỏ mê theo dõi tin tức thời sự… Chiều tối nào chú cũng không bỏ cữ nghe Ðài BBC của Vương quốc Anh nói tiếng Việt, đưa tin chiến sự ở miền Nam Việt Nam, tình hình Trung Ðông và khắp thế giới...

Sau giải phóng 30/4/1975, chú Năm Nhỏ một mình về quê, công tác ở Ban Tuyên huấn huyện (Phó ban), rồi Chánh Văn phòng Huyện uỷ, là Huyện uỷ viên, Bí thư Ðảng uỷ thị trấn Ba Tri... Khoảng năm 1985, chú Năm Nhỏ trở về Cà Mau, công tác ở Ban Tuyên giáo huyện Trần Văn Thời, được bổ nhiệm là phó ban, mấy năm sau đó, do bị đột quỵ đã qua đời.

Cán bộ, công nhân Nhà in Trần Ngọc Hy thời kháng chiến đông mấy chục người, phần lớn các chị em đều có tay nghề sắp chữ chì, đóng sách giỏi… Tốp nam là những thợ mi, trình bày đẹp, thợ dò bài, thợ cắt xén giấy, thợ đứng máy Pê-đan, in máy nổ… Người nữ công nhân nhà in có thâm niên là chị Út Cẩm (Trịnh Ngọc Phương) và những người tôi nhớ như chế Bảy Phượng (y tá), cô Bé Năm, cô Sương. Các thợ nam có Tư Cầu (người miền Trung), Ba Ðức, Bảy Sơn… Còn nhiều người nữa, tôi không nhớ nổi… Anh chị em công nhân vốn nhiều năm gắn bó nhà in trong điều kiện chiến tranh, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng tất cả đều cống hiến nhiệt tình, bằng kinh nghiệm thực tiễn, biết cách khắc phục, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm hoạt động và công việc thường luôn bận rộn vào cuối năm…

Nhà in Trần Ngọc Hy là phương tiện hoạt động phục vụ Nhân dân tốt nhất, góp phần cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi trọn vẹn… Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, được chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn tỉnh, ngoài báo Cà Mau và Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, nhà in luôn bảo đảm khâu in ấn Thư chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch với số lượng lớn đủ cho từng hộ gia đình ở cơ sở, nhờ vậy mà nhà nào cũng có ảnh Bác Hồ…

Năm 1971, chiến tranh lên đỉnh cao, giặc “bình định” đánh phá ác liệt địa bàn trọng điểm, Nhà in khu Tây Nam Bộ ở căn cứ rừng tràm U Minh Hạ bị thiệt hại… Báo Giải Phóng miền Tây Nam Bộ số Xuân Nhâm Tý 1972 phải in tại Nhà in Trần Ngọc Hy Cà Mau ở rừng đước kinh Ông Ðơn này…

Từ chỗ mới mẻ, bỡ ngỡ, dần quen, tôi được nhiều người biết đến, thân mật… Cuối 1973, chú Năm Nhỏ chuyển sang công tác khác, anh Út Ða được Ban Tuyên huấn tỉnh phân công phụ trách Nhà in Trần Ngọc Hy. Tôi có nhiều chuyến đi một mình xuống nhà in giao bài cho anh chị em công nhân sắp chữ chì in báo Cà Mau. Mỗi lần tôi xuống tới nhà in, các anh chị em ở đây mừng lắm! Lần ấy, anh Út Ða đưa tôi xem tạp chí Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam trên “R” - khoảng 1964-1965, giấy ngả vàng, cũ kỹ… Tôi lật lướt qua từng trang, gặp bài “Mùa xuân”, tuỳ bút của Thuỷ Thủ. Thời chiến, tôi vốn siêng chép tay… Tôi lấy cuốn tập ra, vì đang bận chút việc, nên phần đầu tôi nhờ anh Út Ða và Tấn Ðức phụ chép. Mỗi người rị mọ chép được mấy dòng rồi giao lại tôi, tôi phải chịu cực ngồi lại chép nốt cho xong để mang về…

Qua nhiều chuyến trực tiếp xuống nhà in, tôi quen biết chị Út Cẩm. Tôi nhận ra nguồn gốc bà con xứ sở Bến Tre từ ông Mười ở Ban Lẻn và tôi gọi chị Út bằng cô. Cô Út thương tôi lắm, một đứa cháu mới nhìn tại Nhà in Trần Ngọc Hy trong rừng đước kinh Ông Ðơn… Giữa cuối năm 1974, khi thành lập lại tỉnh Bạc Liêu, cô Út được phân công về Ban Tuyên huấn tỉnh mới, đóng ở đồng bằng. Cô đang giãn chính một số đồ đạc gọn nhẹ, như “chọn mặt gửi vàng”, cô chờ tôi xuống nhà in để giao cho tôi mấy chục tờ báo của cô lưu trữ… Thật quý hiếm!

Trước khí thế tấn công, bao vây, bức rút bức hàng, nhiều đồn bót giặc cuốn chạy, mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở Cà Mau. Tuyến lộ xe Rau Dừa - Cái Rắn sạch bóng quân giặc. Bà con Nhân dân nô nức trở về nền đất cũ… Các cơ quan, đơn vị tỉnh được lệnh chuyển lên Rau Dừa từ tháng 10/1974. Nhà in Trần Ngọc Hy cũng tạm biệt rừng đước kinh Ông Ðơn, chuyển lên xã Tân Hưng Tây, do anh Huỳnh Văn Trước - Ba Bình phụ trách.

Những ngày cuối năm, cơ quan triển khai làm số báo Xuân Ất Mão 1975. Các phóng viên được phân công đi nắm tư liệu viết tin, bài nộp cho anh Mười Hiến phụ trách biên tập… Khi các việc chuẩn bị xong, tôi với anh Mười Hiến đi xuồng chèo từ Xẽo Trê, Rau Dừa xuống tận Nhà in Trần Ngọc Hy từ rừng đước chuyển lên khu rừng lá dừa nước kín đáo ở rạch Xẽo Vinh Nhỏ, xã Tân Hưng Tây, Cái Nước… Trong một căn chòi tại rừng lá này, suốt mấy ngày đêm, anh Mười tập trung làm biên tập, tôi chép sạch lại một số bài và lên ma-két giao cho anh chị em công nhân nhà in sắp chữ in báo - bằng máy Pê-đan đạp chân, in từng trang một, số Tết 12 trang.

Vui ngày họp mặt

34 năm sau ngày giải phóng 30/4/1975, tôi may mắn được dự cuộc họp mặt cán bộ, công nhân Nhà in Cà Mau thời kỳ 1960-1975, tổ chức vào ngày 18/10/2009. Lần đầu tiên, hơn 80 anh chị em từng công tác tại Nhà in Trần Ngọc Hy thời kháng chiến có dịp gặp nhau đầy cảm động tại Hội trường Tỉnh uỷ Cà Mau.

Cuộc họp mặt thể hiện tâm huyết của anh Trần Phú Cường (Bảy Cường) và anh Huỳnh Văn Trước (Ba Bình), nguyên Giám đốc Nhà in Cà Mau…

Cuộc họp mặt được nghe các ý kiến phát biểu của những người từng gắn bó với nhà in thời kháng chiến… Ông Bào Ðăng Khoa, một người lớn tuổi, cho biết, ông có mặt ở Nhà in Cà Mau từ những ngày đầu thành lập năm 1960, sau đó về Nhà in khu Tây Nam Bộ… Ông kể lại đôi nét về sự hy sinh của Nhà báo Trần Ngọc Hy trước họng súng kẻ thù… Sau này lấy cốt, còn nhiều đầu đạn nằm trong cơ thể của đồng chí Trần Ngọc Hy và tên của đồng chí được đặt cho Nhà in tỉnh Cà Mau thời kháng chiến…

Anh Trần Duy Lan (Chín Lan) ở ấp Ðường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, làm bài thơ “Vui ngày họp mặt” khá dài, anh đọc nghe hay và ý nghĩa… Qua bài thơ, cho thấy hình ảnh hơn 30 người từng hoạt động, gắn bó với nhà in thời kỳ khó khăn, gian khổ, từ căn cứ Rẫy Mới đến rừng đước Bù Mắt như chú Tư Thân, các anh Hai Thép, Ba Bình, Năm Vinh, Sáu Dân, Tám Khương, Tư Hải, Ba Trang, Hoàng Anh, Út Thiện, Tư Hùng, Tám Trí, Năm Thanh, Năm Kiệp, Năm Hồng, Ba Thông, Mười Châu, Năm Phước, Bảy Trường, Hoàng Lập, Út Quân, Năm Mới, Năm Hiệp, Hồng Thắng… Và các chị như Út Cẩm, Sáu Tiến, Bảy Phượng, Ba Nhị, Lệ Hoa, Thanh Vân, Ba Hạnh, Hồng Tiên, Hồng Thắm, Út Giàu…

Thời kháng chiến, không sao kể hết cảnh sống ở rừng, muỗi mòng, nước mặn, thuở ban đầu gian nan, kham khổ, nước uống phải nhường nhau từng giọt; riêng chị em công nhân được ưu tiên vài lon nước ngọt cho cải thiện sinh hoạt cá nhân mỗi chiều… Về sau, dần thích ứng, con người đã biết cách xây bồn hứng chứa hàng chục khối nước mưa, khi có được nguồn dự trữ nước ngọt, cuộc sống ở rừng thoải mái hơn nhiều…

Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ hiện nay, năm 2009 là Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phát biểu ý kiến, đề xuất nên thành lập Ban liên lạc truyền thống ngành in để kết nối những người đang làm với những người đã nghỉ, qua đó có điều kiện chăm sóc những người gặp hoàn cảnh khó khăn…

Kỷ niệm những chuyến xuôi về rừng đước, tôi nhớ và cảm phục tinh thần tận tuỵ của anh chị em công nhân Nhà in Trần Ngọc Hy thời kháng chiến - những người thân quen đáng yêu như những chiến sĩ, kỹ sư tâm hồn, bằng tư duy sáng tạo và bàn tay tài hoa, âm thầm cống hiến hết sức mình trên mặt trận tư tưởng vào những năm chiến tranh ác liệt; nhiều khi làm việc giữa tiếng gầm thét ầm ĩ của máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời, giữa tiếng bom rền, pháo dội từ xa vọng lại cánh rừng… Tôi từng so sánh những ngành nghề liên quan như làm báo, văn nghệ mà không có nhà in thì không thể làm được. Cũng như không có hình ảnh, thì làm báo, văn nghệ không hay. Vì thế, hầu hết ảnh, minh hoạ thời chiến, phải có hoạ sĩ trình bày, vẽ…

Dù thời chiến hay thời bình, ngành in vẫn luôn là phương tiện không thể thiếu trong đời sống xã hội… Ngày nay, Công ty Cổ phần Dịch vụ - In Trần Ngọc Hy, tỉnh Cà Mau, chức năng hoạt động trên thương trường phong phú, đa dạng lĩnh vực kinh tế, văn hoá, được trang bị máy móc hiện đại, chữ vi tính, in ốp-sét tự động hoá nhiều màu trên giấy trắng láng. Không chỉ in báo, công ty còn in sách với hàng triệu, hàng tỷ trang in, làm ra biết bao sản phẩm có giá trị, lưu lại cho đời vô số ấn phẩm đẹp, lâu bền.

Nguồn: Nhà in trong rừng đước

Nguyễn Minh

baocamau.com.vn