Cà Mau: Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU

04:15 | 05/09/2023

|
Những năm qua, cùng với nỗ lực chung của quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo đối với thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cà Mau: Nâng tầm kinh tế lâm nghiệp từ nguồn giống chất lượngCà Mau: Nâng tầm kinh tế lâm nghiệp từ nguồn giống chất lượng
Cà Mau: Dấu ấn tự hàoCà Mau: Dấu ấn tự hào

Từ năm 2020 đến nay, cả nước đã xử phạt trên 4 ngàn vụ, với tổng số tiền xử phạt trên 110 tỷ đồng, liên quan đến vi phạm trong khai thác hải sản trên biển. Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (VMS). Ðiển hình, ngày 25/4/2023, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định xử phạt 27 hành vi vi phạm đối với chủ tàu cá Nguyễn Văn Diều, tổng số tiền xử phạt trên 2,8 tỷ đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định. Ðiều đó cho thấy, các địa phương đã tăng cường và kiên quyết đấu tranh trong chống khai thác IUU, quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng”.

Cùng với các địa phương, tỉnh Cà Mau luôn đi đầu trong quyết tâm chống khai thác IUU. Riêng năm nay, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt 151 vụ vi phạm về khai thác thuỷ sản với số tiền trên 5,2 tỷ đồng; trong đó, vi phạm về khai thác IUU 87 vụ/4,3 tỷ đồng (vi phạm về giám sát hành trình 20 vụ/948 triệu đồng). Ngoài ra, tỉnh đang điều tra, xử lý một số trường hợp tàu cá che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình.

Cà Mau: Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU
Sau chuyến biển khai thác an toàn, hiệu quả, đúng quy định, tàu cá địa phương và các tỉnh về neo đậu tại cửa biển Sông Ðốc làm cho bức tranh kinh tế biển Cà Mau thêm sôi động.

“Qua tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt hoạt động khai thác hải sản, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nhằm cảnh báo, tình hình tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, thông tin.

Theo ông Triều, cái khó hiện nay là tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mất kết nối không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Chưa có cơ sở và cơ quan, tổ chức độc lập có chức năng để xác định chính xác nguyên nhân mất kết nối. Chủ tàu và nhà cung cấp đổ lỗi cho nhau, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều tra, xác minh, xử lý.

Thời gian còn lại để đón đoàn EC sang kiểm tra về IUU lần thứ 4 rất ngắn (tháng 10/2023), Cà Mau tiếp tục kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về khai thác IUU; hoàn thiện, củng cố, nâng cao năng lực thực thi pháp luật thuỷ sản; tiếp tục nghiên cứu, thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của đăng kiểm viên khi thực hiện đăng kiểm tàu cá. Giao người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm ra biển hoạt động bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt.

Với sự chủ động, quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan và các cấp ở các địa phương ven biển, đến nay ngư dân Cà Mau hầu hết đều hiểu biết và trách nhiệm trong chống khai thác hải sản theo quy định pháp luật Việt Nam và khuyến nghị chống khai thác IUU từ EC; luôn đồng hành, chung tay cùng Chính phủ, địa phương thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc IUU.

Ðể làm tốt hơn trong công tác chống khai thác IUU, nhất là minh bạch mọi công việc liên quan, Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cải thiện tốc độ truy cập vào Hệ thống giám sát tàu cá; tích hợp nhật ký khai thác điện tử. Cùng với đó, ban hành quy định thời gian cụ thể về thực hiện trách nhiệm, thủ tục dân sự trong mua bán tàu cá, chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản. Hướng dẫn cách giải quyết đối với trường hợp chủ tàu kiên quyết không đưa tàu cá vào bờ khi mất tín hiệu kết nối trên biển từ 10 ngày trở lên theo quy định tại điểm g, khoản 3, Ðiều 44, Nghị định số 26/2019/NÐ-CP do thiệt hại về kinh tế. Hướng dẫn cơ chế đặc thù đối với các tỉnh có điều kiện tự nhiên nhiều cửa sông thông ra biển, nhưng số lượng cảng cá được đầu tư ít so với nhu cầu thực tế; đồng ý cho tỉnh Cà Mau tiếp tục thống kê sản lượng thuỷ sản khai thác tại các cơ sở thu mua thuỷ sản để từng bước hướng dẫn các cơ sở này hoàn thiện hồ sơ công bố mở cảng theo quy định.

Cà Mau: Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU
Ngư trường rộng lớn, chưa thành lập được Đội Kiểm ngư, phương tiện làm nhiệm vụ còn hạn chế... nhưng lực lượng chấp pháp của Cà Mau nỗ lực, thường xuyên tuần tra, túc trực trên biển nhằm kiểm soát chặt hoạt động khai thác đảm bảo đúng theo quy định.

Tỉnh đồng thời kiến nghị Bộ Ngoại giao thông qua công tác ngoại giao, đối ngoại đề nghị lực lượng chức năng của nước ngoài (hoặc Ðại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài) cung cấp thông tin, hồ sơ có liên quan đến các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để làm cơ sở cho lực lượng chức năng tỉnh củng cố hồ sơ xử phạt đúng quy định, cũng như nắm tình hình các thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ để thực hiện công tác bảo hộ công dân khi cần thiết.

Với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, kiến nghị theo dõi chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh (kể cả xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển) của các đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định. Tăng cườ

ng sự hiện diện của các lực lượng chấp pháp trực thuộc trên biển, vùng giáp ranh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định đối với những tàu cá có dấu hiệu, cố tình vi phạm; tăng cường công tác điều tra, phát hiện, xử lý những hành vi có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Song song đó, các hiệp hội liên quan đến chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, các công ty, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc cam kết chỉ mua sản phẩm thuỷ sản được khai thác hợp pháp, không vi phạm các quy định về khai thác IUU.

Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tỷ lệ đánh dấu tàu cá và tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%. Cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên Hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. Hằng tuần lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng với 59.599 lượt tàu/286.078 lượt người ra biển hoạt động. Theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển. Thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng. Mở 2.012 lượt tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động...

Nguồn: Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU

Trần Nguyên

baocamau.com.vn