Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt

10:43 | 25/08/2021

|
Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh trận chiến chống giặc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y bác sỹ từ khắp mọi miền Tổ quốc đang gấp rút lên đường tiến về miền Nam với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Số bệnh nhân không ngừng tăng, lượng người trong khu cách ly tập trung ngày càng lớn, số địa phương buộc phải phong tỏa, giãn cách ngày một nhiều thêm.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Quang cảnh buổi lễ xuất quân của đoàn công tác Học viện Quân y

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực này, kịp thời chỉ đạo, điều động, bổ sung nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men,… đồng hành cùng với các địa phương quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

Với tinh thần chung sức, đồng lòng cả nước cùng chống dịch, liên tiếp các đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế của các địa phương trong cả nước đã lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Đã có hàng nghìn nhân viên y tế tình nguyện lên đường và con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi các địa phương ở vùng tâm dịch vẫn cần sự hỗ trợ, tiếp sức về nhân lực và vật lực để chống dịch.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Lễ xuất quân lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch COVID-19 của nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Rất nhiều câu chuyện cảm động, ấm áp về các y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tình nguyện lên đường sát cánh cùng đồng nghiệp và người dân các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Những dòng tin nhắn “tranh nhau” lên đường chống dịch vì miền Nam ruột thịt của cặp vợ chồng bác sĩ công tác tại Bệnh viện Việt Đức được lan tỏa trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Hay câu chuyện của hai cha con điều dưỡng viên Nguyễn Văn Tuyến, công tác tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) và con gái là Nguyễn Thanh Huyền (sinh viên năm thứ 4, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội), không hẹn mà gặp đã cùng góp mặt ở “chiến hào” tình nguyện chống dịch.

Gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên lên đường vào Nam chống dịch

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa vững chắc, đại dịch chưa bị đẩy lùi. Mà một trong những nguyên nhân là do chúng ta vẫn chưa thực sự thực hiện nghiêm ngặt, thực chất Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Lãnh đạo Học viện Quân y tạm biệt đoàn công tác lên đường vào miền Nam phòng, chống dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này, khi trận chiến trong chống giặc COVID-19 đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Thành phố Hồ Chí Minh rất cần thêm “chất thép và cả trái tim hồng” để nhân thêm sức mạnh, thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Việc thực hiện giãn cách nghiêm ngặt là để ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm các ca F0, giảm thấp nhất các ca tử vong, theo đúng phương châm “Rõ – nghiêm – chắc – hiệu quả”. Thực hiện “ai ở đâu ở đó” sẽ không tránh khỏi những bất tiện, cuộc sống của người dân có thêm phát sinh thêm những khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân, trong thời gian giãn cách, chính quyền phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân,…

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra chỉ đạo: Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong sáng 21/8 Học viện Quân y đã tổ chức Lễ xuất quân tiễn gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên lên đường vào Nam chống dịch. Gửi gắm tình cảm đối với đoàn công tác, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện dặn dò: “Chưa bao giờ người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ. Có hai điểm quyết định nhất về sự thành công, đó là tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh, có được điều đó chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh, đó là tình thương, lương y như từ mẫu như Bác Hồ dạy”.

Khắc ghi lời thề Hippocrates thiêng liêng của ngành y, Thượng tá Lê Thị Nga hiện công tác tại Viện Y học cổ truyền Quân đội tâm sự, chị may mắn vì các con đã lớn nên có thể tự lập khi mẹ vắng nhà trong thời gian dài, dù chồng chị cũng công tác xa nhà.

“Trong tình hình miền Nam đang dịch bệnh căng thẳng, là một quân nhân tôi thấy mình vinh dự khi đứng trong đội ngũ quân y tham gia cùng với ngành y tế đẩy lùi COVID-19," Thượng tá Nga khẳng định, đồng thời cho rằng với chủ trương tới từng tổ dân phố để hỗ trợ nhân dân, dịp này các tổ quân y sẽ tiếp cận được gần nhất với các ca F0 để giúp họ nhanh chóng điều trị và phục hồi sức khỏe.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Nhiệm vụ lần này của quân y là có sự khác biệt là chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố

Sinh năm 1999, Cao Thị Lân là học viên năm thứ 5 ngành bác sỹ đa khoa của Học viện Quân y. Mới được nhà trường thông báo kế hoạch lên đường vào tối 20/8 nhưng cô bác sỹ quân y tương lai và các bạn đã nhanh chóng sắp xếp quân tư trang gọn ghẽ. Tất cả đều mong sớm được đem kiến thức ngành y đã học để cứu chữa cho những bệnh nhân mắc COVID-19.

Là Trưởng Đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Hệ trưởng hệ sau Đại học của Học viện Quân y khẳng định với tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của người quân nhân, mang trên mình y đức của đội ngũ cán bộ y tế, được vinh dự nhận nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Học viện giao, các cán bộ, y bác sỹ, học viên sẽ quyết tâm đoàn kết, tập trung tinh thần, phát huy tối đa kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khắc phục khó khăn trong mọi tình huống để góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, điểm khác biệt của lần xuất quân này là lực lượng tăng cường sẽ chia thành các tổ quân y lưu động để tới từng tổ dân phố hỗ trợ công tác y tế.

Ông cũng cho rằng đây là cơ hội thực hành lâm sàng quý giá cho các học viên của Học viện và yêu cầu các thành viên Đoàn công tác đều phải phát huy cao nhất tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và những kiến thức đã học được để phục vụ nhân dân.

Cục Cảnh sát Giao thông xuất quân vào Thành phố Hồ Chí Minh

Cũng trong sáng ngày 21/8, tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tổ chức lễ xuất quân, tăng cường cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xuất quân lên đường chống dịch.

Theo đó, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã điều 37 cán bộ, chiến sĩ CSGT vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch. Các cán bộ chiến sĩ đều đảm bảo về sức khỏe, được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính, một số chiến sĩ đã xung phong lên đường nhận nhiệm vụ.

Phát biểu tại buổi lễ xuất quân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh phía Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT cần xác định tinh thần tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch lần này phải là pháo đài vững chắc, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thiếu tướng Trung cũng đã gửi lời chia sẻ, động viên tinh thần đến từng cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiệm vụ lần này và mong muốn mỗi người phải hết sức cố gắng giữ gìn sức khỏe, khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và giữ an toàn cho bản thân trong khi thực hiện nhiệm vụ, để sớm trở về trong chiến thắng.

1.500 giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai lên đường trong đêm

Chiều 21/8, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai đã tổ chức lễ xuất quân 1.500 giảng viên, sinh viên, học sinh của trường lên đường chi viện Thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19.

Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt
Tối 21/8, những chuyến xe đầu tiên chở các sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh rời bệnh viện Bạch Mai.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cho biết đoàn sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ "vùng xanh".

Ông dặn dò học sinh sinh viên: "Cần tự tin thực hiện các kỹ năng đã được nhà trường trang bị, đảm bảo an toàn với quần áo bảo hộ, thực hiện tốt 5K của Bộ Y tế. Thực hiện tốt các kỹ năng đã đào tạo để lấy mẫu tránh sai sót. Các em cần tương hỗ lẫn nhau, trong khi thực hiện cần tôn trọng và lễ phép với người dân".

Hoàng Thị Nhung (21 tuổi, sinh viên ngành điều dưỡng, trường Cao đẳng y tế Bạch Mai) cho biết khoảng 1h sáng 21/8, các thầy cô gửi đơn đăng ký, điều động sinh viên vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Đến sáng cùng ngày, nhà trường đã huy động đủ quân số mong muốn khi các bạn sinh viên tình nguyện lên đường rất đông.

"Là một sinh viên trường y thì không thể nào đứng yên một chỗ khi tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp", với ý nghĩ ấy, Mai Thị Phương Anh (sinh viên lớp điều dưỡng K6B) đã đăng ký đi ngay dù bản thân "có chút lo sợ" trước tình hình dịch phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh.

"Gia đình cũng lo lắng, ba mẹ không muốn cho em đi, tuy nhiên mang trong mình trọng trách của một sinh viên ngành y nên em đã gạt bỏ những điều đó để lên đường", Phương Anh nói.

Trong những ngày tới, các đoàn công tác của quân đội, công an sẽ tiếp tục lên đường “chia lửa” với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây là hoạt động rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại, như lời ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội chia sẻ trên báo chí: Chống dịch còn khó hơn chống giặc, vì kẻ thù xâm lược chúng ta có thể nhìn nhận rõ, nhưng dịch là kẻ thù không thể nhìn thấy. Theo đó, để việc thực hiện các giải pháp chống dịch đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc của lực lượng có ý thức tổ chức kỷ luật cao như công an, quân đội. Các lực lượng này đã quen rèn luyện, làm việc trong môi trường công tác gian khổ, nên với nhiệm vụ chống dịch, họ có thể nhanh chóng tiếp cận và bắt nhịp.

Bên cạnh đó, hoạt động của công an, quân đội gửi đi một thông điệp rằng: “Với sự tham gia của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được nâng cao…” và hiệu quả chống dịch sẽ cao hơn.

Từ khi có dịch đến nay đã có hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đã không quản hy sinh gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khóm ấp, khu phố,…

Chúng ta có niềm tin trong giai đoạn quyết định của trận chiến khốc liệt này, sự tăng cường cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an với “kỷ luật thép và trái tim hồng” cùng đội ngũ thầy thuốc từ các cơ sở y tế trung ương, địa phương, sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Cả nước hướng về miền Nam ruột thịt

Linh Nguyễn

tamnhin.trithuccuocsong.vn