Các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại: Tuyệt đối không được chủ quan

09:14 | 16/11/2021

|
Sự gia tăng các ca F0 tại các tỉnh, thành phố khiến các chuyên gia và nhà quản lý lo ngại dịch bệnh bùng phát. Điều đáng lo ngại nhất vẫn là sự chủ quan, không tuân thủ quy định phòng chống dịch của nhiều người, kể cả với những người đã tiêm vaccine.
Các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại: Tuyệt đối không được chủ quan
Trước bối cảnh dịch bệnh tăng trở lại, người dân tuyệt đối không được chủ quan, kể cả người đã tiêm vaccine.

Sau một thời gian lắng dịu, một tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 lại gia tăng đột biến tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, những ngày gần đây mỗi ngày cơ quan chức năng đều ghi nhận số mắc ở mức ba con số, ngày cao điểm lên tới 289 trường hợp (ngày 15/11). Các ca bệnh xuất hiện tại nhiều ổ dịch trên địa bàn toàn thành phố (Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Quốc Oai, Gia Lâm, Mê Linh…).

Tại TP Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc ở mức cao (trên 1.000 ca mắc/ngày). Phân tích biểu đồ ca bệnh cho thấy số ca F0 tại Bình Chánh có chiều hướng gia tăng và đi ngang; các quận Bình Tân và Gò Vấp vẫn ở mức cao và nằm ngang; một số khu vực có số ca mắc không cao nhưng có xu hướng gia tăng là quận 10 và Nhà Bè…

Trong khoảng một tuần qua, An Giang cũng là tỉnh ghi nhận số ca mắc tăng vọt (trung bình 500-700 ca mắc/ngày). Riêng trong ngày 13/11, toàn tỉnh ghi nhận 695 trường hợp dương tính với COVID-19. Trong đó, huyện Châu Phú chiếm tỷ lệ cao nhất với 194 ca nhiễm mới…

Các chuyên gia nhận định, số ca mắc gia tăng là do các chính sách nới lỏng nhằm hỗ trợ người dân đi lại, ổn định cuộc sống. Cùng với đó phải kể tới sự chủ quan, mất cảnh giác của người dân đối với việc dự phòng và kiểm soát dịch bệnh vì nghĩ rằng tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 là đạt ngưỡng an toàn rồi.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều điểm vui chơi công cộng ở Hà Nội, các hoạt động thể thao, giải trí diễn ra bình thường như chưa hề có dịch. Các quán ăn, nhà hàng, khách ăn uống, ra vào một cách tự do, không cần phải khai báo hay quẹt thẻ, cũng như chẳng cần tuân thủ về khoảng cách…

Điều khiến các chuyên gia và các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng nhất là đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi ở Thủ đô vẫn chưa được triển khai tiêm phòng. Thế nhưng, ngày ngày các em vẫn vô tư ra công viên chơi, chụp ảnh, tụ tập ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn, rồi trải nghiệm cảm giác mạnh trên các chuyến tàu cao tốc từ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động…

Tuy sự gia tăng các ca bệnh vẫn trong tầm dự đoán và kiểm soát nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng không khỏi quan ngại khi cho biết, thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2.

Ngay cả ổ dịch huyện Quốc Oai, Hà Nội, tỷ lệ mắc COVID-19 trên bệnh nhân đã tiêm vaccine cũng chiếm gần 50%. Do đó, người đã tiêm vaccine không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bởi chính sự chủ quan này là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự lây lan và bùng phát dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố thời gian qua…

Cũng theo PGS. TS Trần Đắc Phu, người đã tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm phòng vaccine chỉ giúp người bệnh không bị nặng mà thôi. Vì thế, người dân dù đã tiêm phòng vaccine vẫn phải thực hiện tốt 5K và tuân thủ các quy định phòng dịch để không bị nhiễm, không bị cách ly. Với chức năng của mình, các cấp chính quyền địa phương nên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 và có thể lây cho người khác.

Nguồn: Các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại: Tuyệt đối không được chủ quan

Đoan Trang

baophapluat.vn