Cần Thơ: Bình Thủy phát huy “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai

16:10 | 18/07/2023

|
Trong 6 tháng đầu năm 2023, quận Bình Thủy đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch về phòng chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó tạo sự chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận.
Cần Thơ thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triểnCần Thơ thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển
Cần Thơ: Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giớiCần Thơ: Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới
Cần Thơ: Bình Thủy phát huy “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai
Các phòng, ban, ngành của quận Bình Thủy phối hợp cùng người dân tham gia trồng cây bần để giữ đất, ngăn ngừa sạt lở cho tuyến đê bao Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, ngay từ đầu năm, quận đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND 8 phường thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng, tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Ðồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực xử lý tình huống, chỉ huy điều hành tại chỗ cũng như thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tự giác của cộng đồng để phát huy tính chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân. Qua đó nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; ổn định đời sống của nhân dân; kịp thời phục hồi sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận.

Từ đầu năm đến nay, quận Bình Thủy thường xuyên cập nhật và xử lý kịp thời các ý kiến chỉ đạo, thông tin dự báo tình hình thời tiết, triều cường từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS, PCTT&TKCN) thành phố và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TP Cần Thơ để thông báo tình hình diễn biến của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt triều cường đến từng thành viên trong Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN quận, 8 phường thuộc quận và nhân dân để chủ động phòng tránh, ứng phó. Trong các đợt triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, mưa lớn..., Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN các phường trực ban đầy đủ và thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định. Các đơn vị thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, các công trình thủy lợi và có phương án khắc phục tại các đoạn có nguy cơ sạt lở, các đoạn đê bao xung yếu; rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Kinh tế quận thường xuyên phối hợp các phường rà soát các đoạn nguy cơ sạt lở. Qua đó, ghi nhận 11 đoạn sạt lở sụp tổng chiều 355m, làm ảnh hưởng 5 căn nhà (một phần công trình phụ phía sau nhà bị sạt lở), các trường hợp sạt lở còn lại ảnh hưởng tới đường giao thông, bờ bao. Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố đã chi hỗ trợ 100 triệu cho 5 căn nhà bị sạt lở.

Trong công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng, quận đặc biệt chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ nhu cầu lưu thông vừa đảm bảo an toàn sản xuất cho người dân, kết hợp phòng, chống thiên tai. Thực hiện công tác thủy lợi mùa khô năm 2023, Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với UBND 8 phường rà soát xây dựng kế hoạch và triển khai. Ðến nay đã thực hiện đào đắp với khối lượng khoảng 805m3, 342 ngày công, kinh phí vận động 509 triệu đồng. Về đầu tư công trình thủy lợi, quận hiện có 4 công trình khởi công năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 với kinh phí hơn 3,157 tỉ đồng, gồm gia cố, khắc phục 3 đoạn sạt lở đê bao Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa với tiến độ thi công các đoạn đạt từ 70-85%; khắc phục đoạn sạt lở tại rạch Súc, khu vực Bình Trung, phường Long Hòa với tiến độ đạt khoảng 50%.

Năm 2023, quận thực hiện đầu tư 6 công trình thủy lợi và đang lập thủ tục đầu tư, với tổng kinh phí gần 5,785 tỉ đồng. Trong đó, Phòng Kinh tế làm chủ đầu tư 5 công trình, kinh phí 4,615 tỉ đồng đã trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 5 công trình, với 4 công trình ở phường Thới An Ðông gồm: khắc phục các đoạn sạt lở bờ bao tuyến rạch Xẻo Sao; nạo vét và gia cố bờ bao tuyến kênh Thủy Lợi Giữa, khu vực Thới Long; khắc phục các đoạn sạt lở tuyến bờ bao rạch Bà lý, rạch Mương Khai; nạo vét và gia cố bờ bao các tuyến kênh khu vực Thới Ninh. Ở phường Long Tuyền có công trình nạo vét và gia cố bờ bao các tuyến kênh khu vực Bình Dương B. Trạm Thủy lợi làm chủ đầu tư 1 công trình là nạo vét, kết hợp gia cố bờ bao các tuyến rạch khu vực Bình Phó B, kinh phí gần 1,17 tỉ đồng (thuộc nguồn vốn sự nghiệp thuỷ lợi năm 2023 hiện đang thực hiện thủ tục trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, trong 6 tháng cuối năm, Phòng Kinh tế tiếp tục triển khai thi công, theo dõi tiến độ thực hiện và nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình hoàn thành theo kế hoạch năm 2023 và rà soát các công trình thủy lợi dự kiến thực hiện trong năm 2024. Ðồng thời, chủ động cập nhật, triển khai kịp thời các thông tin thời tiết, duy trì trực theo lịch trực triều cường; phối hợp các phường rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch gia cố, khắc phục; theo dõi, đôn đốc công tác thu quỹ PCTT năm 2023 trên địa bàn đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả công tác PCTT&TKCN, quận quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn không được chủ quan và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Bước vào mùa mưa bão, quận tiếp tục giao Phòng Kinh tế và các phường tổ chức kiểm tra rà soát, cập nhật những khu vực, đoạn sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch, di dời những hộ dân ở khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện gia cố các điểm sạt lở. Ðồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng và phát huy công năng các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ phòng, chống thiên tai đã được cấp, kịp thời đề xuất bổ sung, trang bị những trang thiết bị và công cụ, dụng cụ cần thiết nhưng còn thiếu. Ðảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt giữa lãnh đạo, Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN cấp quận và phường; thực hiện tốt chế độ báo cáo kịp thời những tình huống bất ngờ xảy ra; thống kê, đánh giá sơ bộ thiệt hại, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả; những trường hợp vượt khả năng, thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo xử lý, giải quyết của cơ quan cấp trên.

Nguồn: Bình Thủy phát huy “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai

Minh Huyền

baocantho.com.vn