Cần Thơ: Lấy người dân làm chủ thể; xã, phường, thị trấn làm “pháo đài” chống dịch

10:30 | 31/08/2021

|
Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường nhấn mạnh như trên tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với các quận, huyện, xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tổ chức sáng ngày 30/8.
Cần Thơ: Lấy người dân làm chủ thể; xã, phường, thị trấn làm “pháo đài” chống dịch
Chủ tịch UBND thành phố, tới đây phải xác định người dân là chủ thể trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch

Tại cuộc họp, ông Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - cho biết, tổng số trường hợp mắc COVID-19 tính từ ngày 8/7 đến 17 giờ ngày 29/8 trên địa bàn thành phố là 4.027 người, hiện đã điều trị khỏi 2.828 trường hợp, 54 ca tử vong. Thành phố hiện có 8 cơ sở xét nghiệm khẳng định, gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục Thú Y vùng VII, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, với năng lực xét nghiệm tối đa khoảng 5.300 mẫu đơn/ngày. Ngoài ra, còn có 33 cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh sàng lọc SARS-CoV-2.

Cũng theo đánh giá của Sở Y tế, tính đến ngày 29/8, thành phố Cần Thơ vẫn đang ở mức nguy cơ cao theo phân loại tại Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”. Thành phố vẫn chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế ban hành “Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sớm đưa Cần Thơ trở lại trạng thái bình thường mới

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cho biết, thời gian qua thành phố đã thực hiện rất nhiều biện pháp có trọng tâm, trọng điểm để kiểm soát không để F0 lây lan trong cộng đồng, bằng chứng là tỷ lệ F0 ngày càng giảm, tỷ lệ F0 được điều trị xuất viện ngày càng tăng; thành phố vẫn đang nỗ lực kiểm soát, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND xác định tiếp tục tăng tốc độ truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu cộng đồng, đảm bảo công tác phối hợp lấy mẫu xét nghiệm phải được làm bài bản, đồng bộ, kịp thời tách các F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị và làm sạch địa bàn, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới; từng bước mở rộng “vùng xanh”, phục hồi sản xuất. “Chúng ta phải làm siết nước, phấn đấu tới ngày 2/9 phải làm sạch địa bàn. Tiếp tục xác định vùng trọng điểm để tập trung xét nghiệm. "Vùng xanh" cũng vẫn phải định kỳ lấy mẫu, tầm soát nếu có biểu hiện F0 xâm lấn”, ông Trường nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, lâu nay công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố chủ yếu do hệ thống chính trị làm, nhưng tới đây phải xác định người dân là chủ thể trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Để người dân tham gia công tác này, theo ông Trường thì nhiệm vụ của hệ thống chính trị các cấp, trực tiếp là Ban Chỉ đạo các cấp, trực tiếp nữa là Trung tâm Chỉ huy các cấp phải có nhiệm vụ định hướng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện.

Thiết lập “đường dây nóng” 24/24 giờ đến tận ấp, khu vực hỗ trợ người dân

Theo ông Trần Việt Trường, Thủ tướng đã xác định “pháo đài” chống dịch. “Pháo đài” này nằm ở ngay xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. Mỗi “pháo đài” phải nắm chặt chẽ từng ấp, khu vực có bao nhiêu hộ dân, mỗi hộ dân có bao nhiêu người; nhiệm vụ trực tiếp của “pháo đài” là tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân về chăm sóc y tế, về cứu đói…

Cần Thơ: Lấy người dân làm chủ thể; xã, phường, thị trấn làm “pháo đài” chống dịch
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến sáng 30/8

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, tới đây đối với từng xã, phường, thị trấn khi thực hiện nhiệm vụ “pháo đài” phòng, chống dịch cần cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” của xã phường, thị, trấn và quận, huyện, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân; quản lý chặt chẽ địa bàn khu vực, ấp theo từng mức độ nguy cơ để từng bước nới giãn địa bàn, mở rộng “vùng xanh”, bảo vệ chặt “vùng xanh”, tiến tới tổ chức mở rộng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại đây.

Ông Trường nhấn mạnh, tới đây phải được lập thêm số điện thoại “đường dây nóng” ở xã, phường, thị trấn; ngay cả khu vực, ấp cũng phải có đường dây này, có phân công người trực 24/24g và hệ thống chính trị của địa phương phải luôn luôn ứng trực để hỗ trợ khi có thông tin phản ánh từ phía người dân. “Trực đường dây nóng không phải để nhận điện thoại, ghi nhận thông tin mà khi tiếp nhận thông tin phải xử lý ngay. Thành phố chỉ có 1,2 triệu dân thôi, số lượng không nhiều nên việc phục vụ phải chu đáo. Nhiệm vụ của “pháo đài” tuy gọn nhưng vất vả, nếu không có phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong hệ thống chính trị, kể cả khu vực, ấp thì việc thực hiện, phối hợp sẽ không mang lại hiệu quả”, ông Trường lưu ý.

Nâng cao năng lực cho tuyến y tế cấp xã

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian này, Sở Y tế tiếp tục hướng dẫn thực hiện việc nâng cao năng lực y tế, hỗ trợ các vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu để đảm bảo tuyến y tế cấp xã tổ chức điều trị cho người dân tại chỗ, phục vụ nhu cầu y tế cơ bản của người dân. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, xây dựng quy trình hội chẩn từ xa kết nối các trạm y tế, trung tâm y tế, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố để xin ý kiến chẩn đoán, phân luồng ngay từ cơ sở; tiếp tục rà soát năng lực điều trị, quan tâm trang bị cơ sở vật chất ở tầng điều trị bệnh nhân nặng, giảm thiểu tối đa số trường hợp bệnh nhân tử vong.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiếp tục có kế hoạch đảm bảo về an ninh, an toàn các cơ sở cách ly, tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế, không để lây chéo trong khu cách ly; đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện tăng cường phối hợp, hỗ trợ các “pháo đài” phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn, nhất là hỗ trợ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cấp phát lượng thực, nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo an ninh, trật tự trong khu phong tỏa. Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức sàn giao dịch cung cầu các sản phẩn nông nghiệp, tình hình bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của người dân. Công an thành phố tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch, đồng thời đảm bảo an toàn không gian mạng. Sở Giao thông vận tải phối hợp các ngành, địa phương đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hóa, tăng cường quản lý các tài xế, các shipper giao hàng...

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền để vận động, giải thích, hướng dẫn người dân đồng hành với chính quyền trong thực hiện phòng chống dịch; phân công trực 24/24 giờ đối với Trung tâm chỉ huy các cấp để kịp thời hỗ trợ người dân khi cần thiết; phối hợp các sở, ngành thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quản lý chặt địa bàn, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”, nghiên cứu phối hợp các ngành để từng bước phục hồi sản xuất trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tại cơ sở “pháo đài” ở địa bàn, đảm bảo trực 24/24 giờ để chăm lo tốt cho người dân, đặc biệt chú ý tới các hộ nghèo, hộ chính sách, người có công, những người yếu thế dễ bị tổn thương; rà soát, đánh giá, củng cố Tổ Covid cộng đồng…

Nguồn: Lấy người dân làm chủ thể; xã, phường, thị trấn làm “pháo đài” chống dịch

Thanh Xuân

catho.gov.vn