Chặn gian lận xuất xứ, giữ giá trị hàng Việt
Bảo vệ sản xuất nội địa ngay trên sân nhà
Dòng chữ “Made in Vietnam” không chỉ là một nhãn dán đơn thuần mà còn là lời cam kết về chất lượng, là biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc và là thước đo năng lực cạnh tranh của nền sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, trong thực tế, một lỗ hổng pháp lý nghiêm trọng đang tồn tại: Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng, thống nhất về tiêu chí hàng hóa mang xuất xứ Việt Nam phục vụ thị trường trong nước. Chính sự thiếu vắng này đang bị các đối tượng gian thương lợi dụng để hợp thức hóa hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ, gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp chân chính.
Cuối năm 2024, chị Ngô Thanh Thảo (phường Cầu Giấy, Hà Nội) mua online một gói cá hồi đông lạnh được quảng cáo là “sản xuất tại Việt Nam”. Nhưng khi mở ra chế biến, mùi vị và màu sắc có dấu hiệu bất thường. Sau khi liên hệ người bán, chị tá hỏa khi biết sản phẩm thực chất có nguồn gốc nước ngoài, chỉ sơ chế và đóng gói tại một cơ sở trong nước.
“Tôi tưởng là hàng nội địa, mua của người quen nên yên tâm, ai ngờ ngay cả người bán cũng bị lừa vì nhãn mác ghi sản xuất tại Việt Nam”, chị Thảo cho biết.
Câu chuyện của chị Thanh không phải là cá biệt. Rất nhiều hàng hóa hiện nay từ điện gia dụng, hàng thời trang cho đến thực phẩm được dán nhãn “sản xuất tại Việt Nam” dù chỉ trải qua vài công đoạn đơn giản như đóng gói hay lắp ráp. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, mà còn khiến cơ quan chức năng rơi vào thế bị động do thiếu cơ sở pháp lý để xử lý hành vi gian dối.
![]() |
“Made in Vietnam” là cam kết chất lượng, niềm tự hào và sức cạnh tranh của hàng Việt. |
Nói về vấn đề này, ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết: từ tháng 1/2024 đến tháng 7/2025, lực lượng chức năng đã phát hiện 32 vụ vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt lên tới 5 tỷ đồng.
“Các mặt hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam phổ biến nhất là đồ điện, điện gia dụng, giày dép, quần áo, đặc biệt là hàng may mặc, bởi người tiêu dùng hiện có xu hướng ưu tiên hàng Việt Nam xuất khẩu”, ông Hùng nói.
Thực trạng này còn nghiêm trọng hơn khi nhiều doanh nghiệp chân chính là những đơn vị đầu tư máy móc hiện đại, sử dụng nguyên liệu trong nước, tuân thủ quy định pháp luật đang phải cạnh tranh một cách bất công với những “doanh nghiệp ma” chỉ lợi dụng danh nghĩa “Việt Nam” để đánh tráo niềm tin người tiêu dùng.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp lý hiện hành về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa lại phân tán ở nhiều luật và nghị định, thiếu tính liên kết, chưa đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho tiêu dùng nội địa.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thẳng thắn thừa nhận: “Hiện nay, hàng hóa lưu thông trong nước chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh để xác định xuất xứ Việt Nam. Điều này khiến cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều lúng túng, nhất là khi cần xử lý các hành vi gian lận”.
Chính vì thế, việc xây dựng và ban hành một bộ tiêu chí rõ ràng, minh bạch về xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam” là yêu cầu cấp thiết. Nó không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn nhằm bảo vệ công bằng cho các doanh nghiệp chân chính, tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất trong nước phát triển bền vững.
Theo ThS. Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học & Công nghệ): “Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng gian lận xuất xứ sẽ tiếp tục bào mòn niềm tin người tiêu dùng, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của hàng Việt và tổn hại nghiêm trọng đến môi trường đầu tư”.
“Made in Vietnam” phải là biểu tượng của sự tin cậy không thể để trở thành chiếc áo khoác cho hàng hóa ngoại gắn mác nội. Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng then chốt, bảo vệ sản xuất trong nước ngay trên sân nhà không chỉ là một chiến lược kinh tế, mà còn là lời cam kết của cả hệ thống với người tiêu dùng, với doanh nghiệp và với tương lai sản xuất Việt Nam.
Cần một bước đi chiến lược để bảo vệ hàng Việt
Trước thực trạng hàng giả, hàng ngoại đội lốt “Made in Vietnam” đang len lỏi ngày một sâu vào thị trường nội địa, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam dành riêng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Đây không chỉ là động thái kỹ thuật, mà là một bước đi chiến lược nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và củng cố niềm tin vào thương hiệu “Made in Vietnam”.
Theo định hướng ban đầu, bộ tiêu chí sẽ dựa trên hai trụ cột quan trọng: hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam và các công đoạn sản xuất chính phải được thực hiện trong nước. Nếu được xây dựng bài bản, bộ tiêu chí sẽ là công cụ pháp lý vững chắc để quản lý xuất xứ, đồng thời giúp phân định rạch ròi đâu là hàng Việt thực sự và đâu là hàng "đội lốt".
Các chuyên gia đánh giá đây là bước tiến đáng kể trong nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia một cách có căn cứ. Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp là những người trực tiếp bị tác động bởi các quy định vẫn còn không ít băn khoăn.
Ông Nguyễn Thao, đại diện Công ty Flying Legend Việt Nam – một doanh nghiệp liên doanh với đối tác Ý, đang sản xuất máy bay tại Vĩnh Phúc nêu rõ vướng mắc: “Sản phẩm của chúng tôi dùng nguyên liệu và thiết kế từ nước ngoài, nhưng được sản xuất tại nhà máy ở Vĩnh Phúc, do công nhân Việt Nam lắp ráp, kỹ sư Việt Nam giám sát. Như vậy có được tính là sản xuất tại Việt Nam không? Nếu yêu cầu tỷ lệ giá trị gia tăng là 30%, thì cách tính cụ thể như thế nào?”.
![]() |
Trong bối cảnh cần kích cầu, bảo vệ thương hiệu Việt vừa là chiến lược, vừa là trách nhiệm với người tiêu dùng và sản xuất trong nước. |
Thực tế cho thấy, nếu tiêu chí không rõ ràng, minh bạch, doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh “vừa làm vừa lo”, thậm chí ngại ngần trong việc đầu tư phát triển vì thiếu cơ sở pháp lý để xác định mình có được công nhận là hàng Việt hay không.
Về vấn đề này, ThS Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đề xuất cần ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, có thể xây dựng nền tảng trực tuyến giúp doanh nghiệp tự đánh giá điều kiện được phép ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” dựa trên tiêu chí định lượng như: tỷ lệ giá trị nguyên liệu, nơi gia công, mã HS của sản phẩm…
Hệ thống sẽ tự động xử lý thông tin đầu vào và đưa ra hướng dẫn ghi nhãn phù hợp, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro vi phạm và chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển hệ thống dữ liệu số hóa về chuỗi cung ứng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, mã QR, blockchain hoặc RFID để tăng cường tính minh bạch và khả năng kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quá trình xây dựng tiêu chí cần thực hiện một cách thận trọng, từng bước, có lộ trình rõ ràng và mang tính khuyến khích thay vì áp đặt, để không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua cần được kích cầu mạnh mẽ.
Một số giải pháp cụ thể được đề xuất gồm: Xây dựng nhãn riêng hoặc biểu tượng nhận diện cho sản phẩm được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; Yêu cầu doanh nghiệp tự công bố tỷ lệ nội địa hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật; Thí điểm triển khai bộ tiêu chí với một số ngành hàng đặc thù, có giá trị cao và có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, thực phẩm, đồ gỗ, công nghiệp phụ trợ…
Nếu được triển khai bài bản, bộ tiêu chí sẽ không chỉ lấp đầy khoảng trống pháp lý, mà còn là “tấm khiên” hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu quốc gia, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình khẳng định vị thế ngay trên chính sân nhà.
Nguồn:Chặn gian lận xuất xứ, giữ giá trị hàng Việt
Quang Anh
thuongtruong.com.vn
- Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đội giá, thao túng giá
- Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng
- Giá xăng tăng trở lại sau 2 kỳ giảm liên tiếp
- Thủ tướng yêu cầu trình quy định quản lý vàng, tiền số trước 15/7
- Doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ hàng hóa 6 tháng năm 2025 tăng 9,3%
-
Khánh Hòa: Khu nghỉ dưỡng Alma ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát ngoài trời
-
Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng
-
Sự thật về vụ tranh chấp hầm xe tòa nhà chung cư ở Hà Nội
-
Ra mắt tổ hợp Viện Tầm Nhìn Mới & Học viện Quốc tế FABIA: Cột mốc mới kết nối tri thức, công nghệ và sắc đẹp
-
“Một chạm” để tận hưởng ngàn ưu đãi cùng PVcomBank
-
Tạp chí Thanh niên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt lên 0,75 điểm cho bài báo khoa học
-
Nghị viện EU thông qua mục tiêu nới lỏng lưu trữ khí đốt
-
Vòng Bán kết “The Charming Beauty – Duyên dáng sắc hương xứ Trà 2025”: Căng thẳng, kịch tính và đầy cảm xúc!
-
Man City ký hợp đồng tài trợ áo đấu lớn nhất lịch sử