Chua ngọt vị quê

10:15 | 08/03/2024

|
Trái chay không chỉ là món quà yêu thích của bọn trẻ mà người lớn cũng rất ham.
Chua ngọt vị quê

Chị là hàng xóm, lấy chồng biền biệt quê người đã mấy mươi năm, thi thoảng mới về thăm cha mẹ già. Từ khi cha mẹ khuất núi, rồi dịch COVID-19 hoành hành, công việc bấp bênh khiến cho con đường về quê thêm vời vợi. Đợt này, chị đưa con về thăm quê ngoại. Vẫn là giọng quê không đổi khi nhắc lại những kỷ niệm thuở nào.

Tuổi thơ xưa ngọt lịm hương vị vườn quê. Bao nhiêu loại trái cây chín vàng, rụng đầy trong nỗi nhớ. Mùa nào thức nấy, vườn quê không ngớt tiếng chim và râm ran tiếng lũ trẻ đang rình hái trộm. Vườn quê, có những trái ăn được nhưng cũng có những loài chỉ làm đồ chơi cho con trẻ; có loại mang giá trị kinh tế được người chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nhưng cũng có nhiều loài chỉ như món quà ăn vặt mọc tự nhiên.

Ngày ấy, làng chị trồng chay không nhiều, bởi nó là loài cây thân gỗ, phát triển nhanh, chiếm nhiều diện tích, trái cũng chẳng có mấy giá trị kinh tế. Chỉ có dăm nhà vườn rộng hoặc cây chay mọc tự nhiên hay trồng từ đời nào đã thành cổ thụ, gia chủ tiếc không nỡ chặt đi. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho nỗi khát thèm của đám trẻ. Cuối xuân, chay ra hoa, những bông hoa li ti mọc đơn độc dưới nách lá. Chớm hè, cây bắt đầu đậu trái và khoảng tháng Bảy âm lịch là chay bắt đầu chín đồng loạt. Nhưng bọn trẻ nào chờ đợi lâu được thế. Khi trái chay đã hơi phồng vỏ, dù đang xanh, cũng được hái xuống chấm muối ớt ăn ngon lành. Chay xanh chua lét, vừa ăn vừa nhăn mặt mà vẫn thích. Đứa nào không ăn chua được, đứng nhìn lũ bạn ăn mà nhỏ nước dãi thèm thuồng.

Khi chay vào dịp gần chín, bọn trẻ luôn thay nhau canh sẵn để hái. Chay chín, trái chuyển sang màu vàng, lấp ló dưới tán lá xanh. Trái chay dạng trái phức, hình thù rất phong phú và có rất nhiều mủ, hái không khéo là quần áo dính mủ giặt không sạch được. Chay chín mềm, bẻ đôi ra, trong ruột màu phơn phớt hồng, rất thích mắt. Ăn chay chín có vị chua chua lẫn ngọt thanh, giúp cơ thể giải nhiệt mùa hè.

Trái chay không chỉ là món quà yêu thích của bọn trẻ mà người lớn cũng rất ham. Chay chín rất nhanh, đồng loạt, không kịp hái là vài hôm đã rụng đầy gốc. Người ta ăn chay sống hoặc dùng để nấu canh chua, để kho cá đồng. Sau này lớn lên mới biết, không chỉ là hương vị tuổi thơ, chay còn là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền, nhờ tác dụng trị ho, đau họng, ho ra máu, chảy máu cam… Nó còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, kích thích ăn uống và nhuận tràng.

Chua ngọt vị quê
Trái chay chín thì chua ngọt, còn chay xanh thì chua lét

Sau khi ăn ruột chay xong, hạt được lựa ra, rửa sạch, phơi khô rồi rang lên, trở thành món ăn vặt tuyệt vời. Hạt chay rang vừa béo thơm vừa có vị bùi, ăn bao nhiêu cũng không chán. Khi trái chay rụng đầy gốc hoặc chim ăn làm rơi xuống, bọn trẻ lại tranh nhau nhặt lấy hạt chay.

Ngoài lấy trái, cây chay còn có một công dụng rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của làng quê với tục ăn trầu của các bà các mẹ. Ăn một miếng trầu phải có đủ 4 loại nguyên liệu: vị ngọt của trái cau, vị cay của lá trầu, vị đắng của rễ đắng, vị nồng của vôi. Sự hòa quyện của các vị ấy mới tạo nên chất kích thích để làm cho thơm miệng, đỏ môi, chắc răng và mới thành lễ nghi đầu câu chuyện. Vì rễ đắng phải đi tìm ở trên rừng xa tít, thi thoảng mới có bán ở chợ phiên nên các bà các mẹ đã lấy vỏ chay thay thế mà hương vị miếng trầu vẫn không đổi.

Cuộc sống hiện đại, làng quê đổi mới, đất chật người đông. Ngồi lục tìm lại, chợt thảng thốt thấy cả làng mình giờ chẳng còn lấy một cây chay nào. Cơn sốt đất rồi cơn sốt cây cảnh khiến người ta đốn hạ, bán đi không thương tiếc những loại cây ít giá trị kinh tế dù đã gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ.

Thương nhớ vị chua ngọt của trái chay, của tuổi thơ; chị lại mủi lòng nhớ lời ru của bà, của mẹ năm nào: “Trầu xanh, cau trắng, chay vàng/ Cơi trầu bịt bạc thiếp chàng ăn chung/ Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.

Nguồn:Chua ngọt vị quê

Đinh Hạ

phunuonline.com.vn