Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng

16:10 | 10/08/2023

|
Du lịch cộng đồng đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Loại hình du lịch này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy được những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Đà Nẵng: Đẩy mạnh các hoạt động thu hút du khách cuối nămĐà Nẵng: Đẩy mạnh các hoạt động thu hút du khách cuối năm
Đà Nẵng: Đưa truyền thống, lịch sử địa phương đến với thế hệ trẻĐà Nẵng: Đưa truyền thống, lịch sử địa phương đến với thế hệ trẻ
Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng
Người dân làm du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc tham gia tập huấn về cách tạo thực đơn cho ẩm thực địa phương. Ảnh: T.H

Khai thác và phát huy bản sắc địa phương

Những ngày cuối tuần, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang được nhiều người dân địa phương, du khách đến vui chơi. Đa số các dịch vụ được người dân trải nghiệm đi về trong ngày như ăn, uống cà phê, đạp xe, ngắm cảnh…

Hòa Bắc là xã miền núi của huyện Hòa Vang có hai thôn đồng bào Cơ tu: Tà Lang và Giàn Bí; nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét của văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, người dân vẫn đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách.

Cuối tháng 3-2023, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc được thành lập với khoảng 20 thành viên chủ chốt và các thành viên liên kết đều là chủ các homestay, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc chia sẻ: “Các thành viên của hợp tác xã đều là các chủ homestay, các hộ kinh doanh dịch vụ, gia đình làm nghề truyền thống… nên khi khách đến chúng tôi muốn giới thiệu với khách để các dịch vụ, các sản vật, nông sản của địa phương mình.

Mỗi gia đình đều xây dựng dịch vụ với những đặc trưng riêng gắn với những câu chuyện của riêng mình. Tùy theo đối tượng khách mà chúng tôi sẽ chọn dịch vụ để đưa khách đến cho phù hợp. Làm sao để các thành viên của hợp tác xã cùng tham gia vào hoạt động chung đó, giữ gìn được nét riêng, bản sắc của địa phương”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trung, chủ homestay Trung Tam (thôn Giàn Bí) cho rằng, để làm được du lịch cộng đồng thì phải tạo ra được sự khác biệt, có sản phẩm để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách đến vui chơi, trải nghiệm. Tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc mới chỉ giữ và phát huy được điệu múa Tung Tung Zá Zá và tiếng nói (ngôn ngữ).

Nếu được thì nên nghiên cứu sâu hơn về trang phục truyền thống và phục hồi lại các ngôi nhà truyền thống trước đây của người Cơ tu. Theo ông Trung, trang phục truyền thống của người Cơ tu rất đẹp với 3 màu đặc trưng gồm đỏ, đen, vàng (màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu đen tượng trưng cho đất và màu vàng tượng trưng cho mùa màng, lúa, ngô, khoai, sắn). Trong các khung dệt vải của người Cơ tu cũng chỉ dàn 3 màu này là chủ đạo. Vì thế nếu người dân trong làng đều mặc trang phục truyền thống cả trong những ngày thường thì khi du khách lên sẽ rất thích thú, tạo được sự khác biệt, độc đáo…

Tăng sức hút cho du lịch cộng đồng

Là người thường xuyên tham gia biểu diễn các điệu múa Tung Tung Zá Zá tại các homestay, các chương trình lửa trại tại địa phương, chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang) cũng mong muốn có thêm nhiều các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo hơn nữa để thu hút khách đến lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn; từ đó người dân địa phương sẽ có việc làm ổn định từ các hoạt động du lịch.

Thực tế hiện nay, để phát triển du lịch cộng đồng cần rất nhiều yếu tố, ngoài trải nghiệm, lưu trú, người làm du lịch cộng đồng cần quan tâm đến ẩm thực. Ông Đào Trọng Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á lưu ý những người làm dịch vụ, làm du lịch cộng đồng phải giữ được bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc trưng địa phương.

Đây là vấn đề cốt lõi để thu hút khách đến, bởi khi khách đến không chỉ giới thiệu với khách văn hóa bản địa, về các món ăn đơn thuần mà đi kèm theo đó là cả câu chuyện về ẩm thực đó, tự hào giới thiệu cho khách các món ăn được làm từ nông sản địa phương như cá suối, ốc suối, rau rừng, cơm ống tre, bánh sừng trâu… Làm sao để khách thưởng thức xong khi về vẫn còn nhớ, còn lưu luyến với món ăn đó.

Sở Du lịch cho biết, ngành đã và đang quan tâm đến việc phát triển, nâng cao chất lượng cho du lịch cộng đồng để tăng sức hấp dẫn, trải nghiệm dành cho du khách. Ngành du lịch cũng rất quan tâm đến phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, giới thiệu các sản phẩm này tới đông đảo người dân và du khách.

Mới đây tại Lễ hội tận hưởng mùa hè 2023 - Enjoy Da Nang 2023, có tái hiện không gian dệt vải truyền thống của người Cơ tu để du khách có thể tham quan, trải nghiệm về nghề dệt trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Du lịch còn tổ chức các buổi tập huấn về các phục vụ khách du lịch, hướng dẫn kỹ năng tổ chức tiệc buffet cho các đoàn khách lớn; cách lên thực đơn cho khách theo các món ăn địa phương, cách tổ chức trình bày món ăn sao cho bắt mắt, kỹ năng phục vụ khách ăn buffet…

Những khóa tập huấn này sẽ giúp người dân địa phương từng bước nâng cao kỹ năng phục vụ khách chuẩn hơn. Ngoài ra, để bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới, từ nay tới cuối năm, ngành du lịch thành phố dự kiến hình thành tour du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc, mô hình du lịch nông nghiệp mới tại Hòa Vang...

Nguồn: Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng

Thu Hà

baodanang.vn