Dầu tăng cao giúp Nga bỏ túi trăm triệu USD mỗi ngày; Anh, Mỹ quyết tâm "ra mặt" làm căng

05:10 | 26/10/2023

|
Nhiều tháng qua, khi các đồng minh phương Tây của Ukraine giới hạn giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng, đất nước của Tổng thống Vladimir Putin vẫn thu được bộn tiền nhờ mặt hàng này. Hầu hết dầu thô của Moscow - nguồn kiếm tiền chính của nước này - đều có giá thấp hơn mức giá trần.
Giá xăng tăng gần 500 đồng mỗi lít từ 15h chiều nay 23-10Giá xăng tăng gần 500 đồng mỗi lít từ 15h chiều nay 23-10
Mỹ tìm cách mua 6 triệu thùng dầu dự trữ vào tháng 1/2024Mỹ tìm cách mua 6 triệu thùng dầu dự trữ vào tháng 1/2024
Dầu tăng cao giúp Nga bỏ túi trăm triệu USD mỗi ngày; Anh, Mỹ quyết tâm "ra mặt" làm căng
Trong tháng 9, mỗi ngày Nga xuất khẩu được 7,6 triệu thùng dầu. (Nguồn: Alamy)

Dầu tiêu chuẩn của Nga - thường được xuất khẩu bởi các tàu phương Tây - đã giao dịch trên mức giá trần kể từ giữa tháng 7. Điều này đang giúp Điện Kremlin thu được hàng trăm triệu USD mỗi ngày.

Benjamin Hilgenstock, nhà kinh tế cấp cao tại Trường Kinh tế Kyiv cho biết, việc giảm lợi nhuận từ dầu mỏ “là điều ảnh hưởng nặng nề nhất đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Nga” và nguồn thu nhập chính này đang gặp rủi ro do các nước phương Tây tăng cường thực thi biện pháp trừng phạt.

Theo ước tính của nhóm chuyên gia tại Đại học Stanford (Mỹ), kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu, các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ đã khiến Moscow thiệt hại 100 tỷ USD - tính đến tháng 8/2023.

Phớt lờ lệnh trừng phạt

Tuy nhiên, trong một báo cáo tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) ước tính, thu nhập từ dầu mỏ của Nga đã tăng trong tháng 9, lên khoảng 200 triệu Euro (tương đương 211 triệu USD) mỗi ngày khi giá toàn cầu tăng.

Nhà cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts cho rằng, nguồn cung dầu ít hơn trên toàn thế giới - với việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng - đã đẩy giá dầu thô xuất khẩu chủ chốt của Moscow lên 74,46 USD/thùng vào tuần trước.

Tháng 12/2022, G7 cấm các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước thành viên cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD một thùng. Lệnh cấm này không áp dụng với các doanh nghiệp nước khác. Khi lệnh cấm được ban hành, phần lớn tàu tham gia hoạt động xuất khẩu dầu là của phương Tây. Nếu giá dầu Nga bán ra vượt 60 USD, các lệnh trừng phạt sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của đất nước.

Đến tháng 7 năm nay, giá dầu Nga chính thức vượt mức trần. Tuy nhiên, CREA nhận thấy, khi giá dầu tăng, các tàu do các quốc gia phương Tây sở hữu hoặc cung cấp bảo hiểm “kiên trì vận chuyển dầu của Moscow tại tất cả các cảng ở Nga”. Điều này đang vi phạm lệnh trừng phạt.

Song song với đó, báo cáo thị trường dầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, tháng 9, Nga đã thu về 18,8 tỷ USD từ xuất khẩu dầu, mức lợi nhuận cao nhất kể từ tháng 7/2022. Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,8 tỷ USD trong 1 tháng (từ tháng 8 đến tháng 9). Tổng khối lượng xuất khẩu dầu của Nga tăng và doanh thu bán dầu thô cũng lên tới 1,5 tỷ USD.

Như vậy, trong tháng 9, mỗi ngày Nga xuất khẩu được 7,6 triệu thùng dầu và doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga liên tục tăng cao trong vài tháng qua.

Ông Valery Andrianov, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Infotek tin rằng, cơ chế trần giá dầu Nga đã mất hiệu quả.

"Dầu của Nga đang được giao dịch tự do ở mức cao hơn giá trần, trong khi các vấn đề về vận tải hàng hải và bảo hiểm hàng hóa nhìn chung đã được giải quyết", ông nói.

Anh, Mỹ "ra tay"

Trước thực trạng trên, hôm 12/10, Mỹ chính thức áp lệnh trừng phạt đầu tiên lên hai công ty chở dầu Nga có giá mua vượt trần, đó là công ty có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ và công ty ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hai công ty này bị cáo buộc vận chuyển dầu của Nga với giá 75-80 USD/thùng và dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm được kết nối với Mỹ.

Các quan chức Mỹ cảnh báo các công ty bảo hiểm tránh xa các tàu có vẻ đáng ngờ. Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra các khuyến nghị để xem xét kỹ lưỡng chi phí vận chuyển và đề phòng các dấu hiệu trốn tránh lệnh trừng phạt.

Về phía Anh, Bộ Tài chính nước này thông tin, họ đang “tích cực thực hiện một số cuộc điều tra về nghi ngờ vi phạm giới hạn giá dầu”.

Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, Moscow đã phải chịu tổn thất khi biện pháp giá trần kết hợp với các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ từ châu Âu. Theo đó, kết hợp với lệnh cấm dầu của châu Âu, mức trần giá đã làm tăng thêm chi phí 35 USD/thùng dầu cho các nhà xuất khẩu Nga.

Nataliia Shapoval, Phó chủ tịch nghiên cứu chính sách tại Trường Kinh tế Kyiv nhận định: “Giới hạn giá đang phát huy tác dụng. Nhưng các đồng minh phương Tây “nên thực hiện các biện pháp thực sự khẩn cấp” để hạn chế việc Nga sử dụng "hạm đội bóng tối" để vận chuyển dầu.

Nguồn: Dầu tăng cao giúp Nga bỏ túi trăm triệu USD mỗi ngày; Anh, Mỹ quyết tâm 'ra mặt' làm căng

Linh Chi

baoquocte.vn