Đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT

03:07 | 02/09/2022

|
Theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Giá phân bón hôm nay 1/9: Nhiều nhà máy ở châu Âu dừng sản xuấtGiá phân bón hôm nay 1/9: Nhiều nhà máy ở châu Âu dừng sản xuất
Yêu cầu miễn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp giáo dụcYêu cầu miễn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp giáo dục

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng nói chung đây là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Nguyên nhân do xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón khan hiếm và tăng cao. Giá khí tự nhiên, giá dầu cũng đột ngột tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây trong khi khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm - chi phí này chiếm 70 - 90% chi phí sản xuất ammoniac. Cùng với đó là chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt…

Đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT
Ảnh minh hoạ.

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xác nhận hiện chúng tôi không đủ nguyên liệu cho sản xuất. Lưu huỳnh, kali… không được cung ứng đủ sẽ khiến sản xuất không đạt công suất, và sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Việc dừng sản xuất và sản xuất trở lại đẩy chi phí rất cao và giá phân bón tăng cao thì sức mua sẽ sụt giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, phân bón sụt giảm 20 - 25% về sản lượng so với cùng kỳ. Riêng Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sụt giảm 100 - 200.000 tấn.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, phân bón là vật tư đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất. Do đó giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản, đời sống người nông dân.

Theo TS. Phùng Hà, việc bảo đảm nguồn cung, không để thiếu phân bón là rất quan trọng. Muốn hạ nhiệt giá thành, các doanh nghiệp cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm khâu trung gian, ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước; xem xét đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu. Việc các cơ quan quản lý hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, giảm thủ tục hành chính cũng góp phần giảm giá thành. Đặc biệt, về lâu dài, xem xét, sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT.

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Quy định này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.

Theo ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, trong suốt 7 năm qua, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình 90-100 tỷ đồng/năm. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán.

Vì vậy, cần sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, tính toán áp thuế VAT đối với phân bón một cách hợp lý, khoảng 4 - 5%, để bảo đảm cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Nguồn: Đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT

Trung Hiếu

thuongtruong.com.vn