Địa phương ồ ạt mời đầu tư, doanh nghiệp nhộn nhịp "săn" đất và dự án nghìn tỷ, sẵn sàng khởi động cuộc chơi mới

13:00 | 14/03/2024

|
Nhiều địa phương trên cả nước như Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam... đồng loạt kêu gọi đầu tư khu đô thị có quy mô nghìn tỉ đồng. Từ đây tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, săn dự án, sẵn sàng cho cuộc chơi mới.

Lời mời hấp dẫn từ địa phương

Những ngày đầu tháng 3/2024, nhiều dự án nhà ở có quy mô từ vài trăm tỷ đồng cho tới nghìn tỷ đồng đang được các địa phương trên cả nước tích cực tìm kiếm nhà đầu tư.

Đơn cử như tại Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đang mời nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương có tổng mức đầu tư 4.883 tỷ đồng.

Dự án có diện tích sử dụng đất 641.929m2. Quy mô đầu tư bao gồm xây dựng công trình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Trong đó, xây dựng nhà ở thương mại, loại nhà liên kế và nhà ở biệt thự với tổng số căn là 1.537 căn (xây dựng phần thô và hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài); nhà ở xã hội xây dựng dạng chung cư trên khuôn viên 2 khu đất với 1.698 căn… Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Tại Hưng Yên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở dân cư mới 319 trên địa bàn xã Tân Lập, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ. Hai nhà đầu tư đang cạnh tranh là CTCP Ô tô Đông Phong Yên Mỹ và CTCP Bất động sản Hà Nội Sông Hồng.

Dự án bất động sản nói trên có diện tích khoảng 4,3ha, quy mô dân số 573 người, hiện trạng chưa giải phóng mặt bằng. Tại đây dự kiến xây dựng 105 căn nhà liền kề rộng 95 - 158m2; 14 căn nhà ở biệt thự rộng 200 - 216m2; ngoài ra còn có các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, kè sông, giao thông, cây xanh, mặt nước.

Tiến độ đầu tư dự án này là 50 năm kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 395 tỷ đồng, ngoài ra còn chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 22 tỷ đồng.

Trong khi đó tại Hà Nam, 2 nhà đầu tư "tranh suất" xây khu đô thị hơn 550 tỷ đồng. Cụ thể, theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Quốc lộ 21, TP. Phủ Lý (Hà Nam) vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam công bố, 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là Công ty TNHH Hợp Tiến và Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Hà - Công ty TNHH Hải Vượng đều đáp ứng yêu cầu.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 491 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 59 tỷ đồng; diện tích 21 ha tại xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 - 2027.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An mới đây cũng ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nghi Liên tại xã Nghi Liên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An).

Theo đó, dự án có diện tích đất sử dụng hơn 103,6ha; trong đó, đất nhà ở liền kề hơn 18,7ha (gồm 569 lô); đất biệt thự 3,1ha (58 lô); đất nhà ở xã hội 7,09ha; đất tái định cư hơn 1,03ha; đất nhà chung cư hỗn hợp hơn 5,99ha… Quy mô dân số khoảng 10.650 người.

Tính sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.290 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong 10 năm.

Địa phương ồ ạt mời đầu tư, doanh nghiệp nhộn nhịp "săn" đất và dự án nghìn tỷ, sẵn sàng khởi động cuộc chơi mới
Những diễn biến gần đây cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực thực hiện các động thái mở rộng quỹ đất, thị trường bất động sản cũng đang được kỳ vọng ấm dần. Ảnh minh hoạ.

Cuộc chạy đua của doanh nghiệp bất động sản

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải bán tài sản để có nguồn tiền duy trì hoạt động thì một số khác không ngần ngại chi hàng trăm, nghìn tỷ đồng để mở rộng quỹ đất, săn các dự án nghìn tỷ. Những diễn biến gần đây cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực thực hiện các động thái mở rộng quỹ đất, thị trường bất động sản cũng đang được kỳ vọng ấm dần.

Ngoài ra, việc mở rộng quỹ đất làm dự án của doanh nghiệp cho thấy thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành phố ngày càng phát triển mạnh. Bởi việc công bố quỹ đất lần này của các doanh nghiệp luôn đi kèm với kế hoạch xây dựng và phát triển dự án để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.

Mới đây, liên danh giữa Vinhomes và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là dự án có quy mô sử dụng đất dự kiến khoảng 1.089ha, dân số khoảng 89.960 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện 7 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư). Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD).

Trong tháng 1 vừa qua, CTCP Tập đoàn Hà Đô đã đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư 2 cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 (gần khu công nghiệp Cà Ná). Mỗi cụm đều có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Hà Đô cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và lên kế hoạch thực hiện nhiều thương vụ M&A, tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại nhiều tỉnh miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh) với mục tiêu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang đa ngành.

Trong khi đó, CapitaLand Development (CLD), thuộc Tập đoàn CapitaLand, vừa công bố mục tiêu phát triển danh mục nhà ở tại Việt Nam lên 27.000 căn hộ vào năm 2028, tức phát triển thêm 11.000 căn so với danh mục nhà ở hiện tại của tập đoàn tại Việt Nam hơn 16.000 căn.

Cách đây không lâu, tập đoàn vừa khởi công hai dự án gồm Sycamore (Bình Dương) và Lumi Hano (Hà Nội) với tổng quy mô 7.500 căn và tổng giá trị phát triển ước tính 2 tỷ SGD (khoảng 36.000 tỷ đồng).

Không đứng ngoài cuộc, Novaland mới đây có đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng rộng gần 437ha tại khu vực Mũi Yến (tỉnh Bình Thuận). Doanh nghiệp này cũng đang làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên mà doanh nghiệp đề xuất từ năm 2022.

Theo giới chuyên gia, đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản, việc tạo lập quỹ đất luôn khó khăn. Thời gian qua, doanh nghiệp phải tự đi tìm kiếm quỹ đất, tự thực hiện việc thỏa thuận đền bù hoặc mua lại quỹ đất để phát triển dự án, đó là chưa kể phải đối mặt với rủi ro chính sách, biến động thị trường... Do đó, việc các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư được xem là bước hỗ trợ rất lớn cho thị trường.

Mặt khác, trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất "khát đất", việc ban hành Luật Đất đai mới với nhiều quy định mới thì đây là giai đoạn thích hợp để các địa phương tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu để phát triển kinh tế địa phương.

Địa phương ồ ạt mời đầu tư, doanh nghiệp nhộn nhịp "săn" đất và dự án nghìn tỷ, sẵn sàng khởi động cuộc chơi mới
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield đánh giá trong cuộc đua mở rộng quỹ đất, thị trường 2024 sẽ chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của doanh nghiệp nội sau 2 năm tái cơ cấu. Xu hướng của năm nay sẽ là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch.

"Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp lúc này là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển", bà Trang Bùi nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, cuộc đua săn quỹ đất không phải là thảm đỏ trải hoa hồng, đằng sau đó còn có rất nhiều thách thức và đây chỉ là sân chơi của những doanh nghiệp có dòng tiền khỏe mạnh (trường vốn). Điều này đòi hỏi kế hoạch phát triển quỹ đất phải song hành với quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị với định hướng phát triển cân bằng, bền vững nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bà Trang Bùi cũng chỉ ra những mặt trái của cuộc đua săn quỹ đất. Đó là doanh nghiệp phải chấp nhận tình trạng cất tiền vào những tài sản cực lớn trong khi chưa xác định được bao lâu có thể hiện thực hóa lợi nhuận.

Kế đến, càng để lâu chi phí đầu vào sẽ càng gia tăng, trong đó chiếm tỷ trọng cao là gánh nặng lãi vay (chi phí tài chính). Sau khi gom quỹ đất bước tiếp theo là triển khai thủ tục pháp lý dự án cũng là cả chặng đường gian nan.

"Nếu không khai thác được để ra thành phẩm bán hàng, quỹ đất vốn là lợi thế sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn cho doanh nghiệp", bà Trang Bùi cho hay.

Đối với những lo ngại liên quan đến nguy cơ đầu cơ đất đai thông qua các hoạt động thâu tóm, mua bán sáp nhập, xin dự án,… theo các chuyên gia, các Luật mới được thông qua như Luật Đất đai 2024; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới gần như đã có các chế tài mạnh nếu doanh nghiệp chỉ đầu cơ gom đất nhưng không xây dựng.

Do đó, với hành lang pháp lý mới, chặt chẽ hơn sẽ hạn chế tình trạng các bên gom đất xong để đó, hay lợi dụng thông tin quy hoạch dự án để thổi giá đất, gây sốt ảo, tác động tiêu cực lên thị trường.

Nguồn: Địa phương ồ ạt mời đầu tư, doanh nghiệp nhộn nhịp "săn" đất và dự án nghìn tỷ, sẵn sàng khởi động cuộc chơi mới

An Vũ

reatimes.vn