Doanh nghiệp “ngoại đạo” vẫn tham vọng với bất động sản

11:30 | 26/02/2024

|
Hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, nhiều ông lớn “ngoại đạo” triển khai kế hoạch mới với tham vọng lấn sân, phân chia lại thị trường bất động sản. Điều đó cũng cho thấy thị trường bất động sản vẫn có sức hút dù chưa thể thăng hoa như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Bất động sản hấp dẫn với doanh nghiệp ngoài ngành

Trong một thập kỷ qua, bất động sản luôn là "miếng bánh" hấp dẫn với các doanh nghiệp bởi khả năng sinh lời cao. Không chỉ các công ty có nền tảng, những nhà đầu tư ngoại đạo từ các lĩnh vực khác như dệt may, điện tử, thép… cũng gia nhập. Mặc dù 1-2 năm trở lại đây thị trường gặp khó khăn do điểm nghẽn pháp lý và nguồn vốn, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời và về lâu dài vẫn còn nhiều cơ hội bứt phá. Đặc biệt, bất động sản vẫn là ngành đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP hàng năm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bất động sản luôn ở mức cao. Cụ thể, trong tháng 1/2024, cả nước có 342 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động là 645 doanh nghiệp, bằng 129,3% so với cùng kỳ.

Nhiều nhận định cho rằng, thị trường đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, tình trạng của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Đặc biệt, việc thông qua những luật mới đã từng bước khôi phục niềm tin vào thị trường, giúp thị trường có thêm nhiều triển vọng để ổn định. Và số lượng các doanh nghiệp bất động sản giải thể sẽ có khả năng giảm dần qua các tháng tiếp theo.

Hấp lực này cũng khiến nhiều doanh nghiệp tay ngang muốn gia nhập ngành bất động sản. Nổi bật là Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) bất chấp những khó khăn hiện tại, HĐQT mới đây vẫn thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác.

Công ty mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22 - 24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức, TPHCM). Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024. Trong trường hợp các cổ đông khác của Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, phía tập đoàn sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông tại ngân hàng. Các cổ đông có nghĩa vụ trả gốc và lãi (nếu tạm ứng) hoặc trả lãi và các chi phí liên quan đến khoản vay tại ngân hàng (nếu được tập đoàn bảo lãnh khoản vay).

Trước đó, Hoa Sen Group đã thể hiện tham vọng lấn sân bất động sản. Điển hình là vào năm 2009, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP.HCM); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Thế nhưng chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên cũng chỉ 2 năm sau, các công ty con này bị giải thể. Cho đến hiện tại, doanh nghiệp này vẫn chưa bỏ cuộc với mảng bất động sản.

Một doanh nghiệp "ngoại đạo" khác là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) cũng đã thông qua nghị quyết ĐHCĐ vào cuối tháng 12/2023, trong đó có nội dung thông qua ngành nghề bổ sung là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Thực tế, công bố kết quả kinh doanh năm 2023, MPC đạt doanh thu 10.689 tỷ đồng - giảm 35% so với năm trước; lợi nhuận gộp đạt 1.066 tỷ đồng, báo lỗ ròng là 98 tỷ đồng. Song việc thông qua nghị quyết có thể xem như là động thái cho thấy MPC sẽ sớm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bên cạnh lĩnh vực thuỷ sản, với kỳ vọng kết quả kinh doanh những năm tới sẽ tốt hơn.

Doanh nghiệp “ngoại đạo” vẫn tham vọng với bất động sản
Nguồn: Minhphu.com

Cũng thành lập công ty con liên quan đến bất động sản là CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã: HVH) - một công ty chuyên thi công, lắp đặt công trình.

Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã:HVH) thông báo góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình, với hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.

Công ty mới có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Trong đó, HVH góp 105 tỷ đồng, chiếm 70%; còn lại thuộc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

CTCP TCO Holdings (mã: TCO) là doanh nghiệp vận tải cũng có định hướng mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty sẽ hướng đến các thương vụ M&A có tiềm năng. Nhằm triển khai 3 lĩnh vực trên, ngày 6/12/2023, HĐQT TCO quyết định thành lập 3 công ty con với tỷ lệ sở hữu 99.95%, lần lượt là CTCP TCO Agri (vốn điều lệ 101.71 tỷ đồng) với hoạt động chính là bán buôn gạo, nông sản; CTCP TCO Real Estate (98.72 tỷ đồng) chuyên kinh doanh bất động sản; CTCP TCO Logistics (116.72 tỷ đồng) chuyên logistics.

Doanh nghiệp “ngoại đạo” vẫn tham vọng với bất động sản
Nguồn: TCO

Một công ty xây dựng là Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã: HTN) cũng muốn thực hiện dự án bất động sản. Theo đó, ngày 8/12/2023, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia công bố có 2 liên danh đăng ký tham gia thực hiện dự án khu nhà ở xã hội (NOXH) tại khu đô thị Cầu Rào 2, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Bao gồm liên danh CTCP TTD Holding - CTCP Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán: HTN) và liên danh CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) - CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam.

Dự án dự kiến xây dựng trên diện tích 7,31ha. Ngoài nhà ở xã hội (NOXH), dự án còn cung cấp nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NOXH và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành sau khi đầu tư.

Khu NOXH 2,6ha, gồm 4 block nhà chung cư 15 tầng với khoảng 1.880 căn hộ. Chi phí thực hiện NOXH hơn 1.914 tỷ đồng, chưa bao gồm khoảng 25,3 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thị trường bất động sản luôn cần một làn gió mới

Một báo cáo của McKinsey cho hay, có đến 49% lãnh đạo đồng tình rằng việc mở rộng kinh doanh ngoài ngành cốt lõi nhằm giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn tăng trưởng; 23% cho rằng việc đầu tư ngoài ngành giúp đa dạng hoá và giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với bất động sản, chu kỳ mới của thị trường đang bắt đầu và đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ thì doanh nghiệp buộc phải có thực lực về tài chính mới có thể làm được dự án. Do vậy, chỉ những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, chiến lược phát triển an toàn, bền vững mới có thể tham gia "sân chơi" bất động sản.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định: "Với bất động sản, hiện tại không hẳn dành cho doanh nghiệp có nhiều dự án, mà là doanh nghiệp có thực lực tài chính. Vừa qua thị trường đã thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, rất nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ tạo cơ hội cho các "tân binh" có sẵn tài chính để săn quỹ đất mới".

Cũng theo chuyên gia, thị trường bất động sản đang phát triển theo hướng "chậm mà chắc" với những định hướng rõ ràng, tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Thị trường lúc này không dành cho các doanh nghiệp "ăn xổi".

"Việc một doanh nghiệp bỏ vốn vào một lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản rất cần đánh giá kỹ càng về mặt tài chính, dòng tiền, lợi nhuận và rủi ro...", TS. Hiển nhận định.

Doanh nghiệp “ngoại đạo” vẫn tham vọng với bất động sản
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết thời gian qua, bất động sản đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp tay ngang từ các lĩnh vực khác sang đầu tư phát triển bất động sản theo các hình thức khác nhau như: M&A dự án, đấu thầu, hợp tác... Từ đây góp phần giúp thị trường bất động sản nhiều địa phương trở nên sôi động hơn. Nhất là sau những gì thị trường đã trải qua, việc sàng lọc doanh nghiệp yếu kém để thay thế bằng những doanh nghiệp mới có thể coi như một làn gió mới cho thị trường.

Điều này là rất cần thiết khi không chỉ tạo ra sự vận động, luân chuyển dòng vốn trên thị trường mà còn cho thấy thị trường bất động sản vẫn có sức hút, vẫn là một trong những ngành kinh tế trụ cột của đất nước.

"Việc xuất hiện các "tân binh" triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và các năm sau", ông Đính nhìn nhận và nhấn mạnh thêm, việc lấn sân bất động sản của các doanh nghiệp ngoài ngành là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong bối cảnh cung cầu lệch pha.

Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ. Bài học của những doanh nghiệp thất bại trước là vết xe mà hiện tại các doanh nghiệp cần tránh đi vào.

Nguồn: Doanh nghiệp “ngoại đạo” vẫn tham vọng với bất động sản

An Vũ

reatimes.vn