'Độc dược' trên mạng

16:39 | 12/08/2021

|
Một câu chuyện thương cảm có thể khiến bao người thương cảm đến thao thức không ngủ được. Rồi cùng nhau bàn, cùng nhau chia sẻ những điều hư cấu. Và thậm chí gửi cả tiền ủng hộ trước khi tìm hiểu chuyện đó có thật không.
'Độc dược' trên mạng

Vậy bạn có dễ dãi, ngây thơ trên mạng không? Sau đây là ý kiến bạn đọc về tin giả trên mạng hiện nay.

Giả dối tinh vi

"Vở kịch" về một "bác sĩ Khoa" hư cấu mới đây chỉ là một trong vô số thông tin bịa đặt đang từng giờ đầu độc, phá hoại đời sống tinh thần của người dùng mạng xã hội.

Ngụy tạo, thêu dệt, bóp méo, thổi phồng hoặc "thật giả lẫn lộn" là những thủ đoạn vẫn ẩn hiện sau những con chữ trên mạng. Sự việc giờ đây tinh vi hơn nhờ "tay nghề" của những cây viết có nghề, có hẳn một nhóm người cùng ngụy tạo thông tin, cùng tung hứng và có dấu hiệu trục lợi từ tin giả.

Cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19, lại mất thời gian, công sức xác minh, trả lời những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ. Ngành y tế đang dồn toàn lực ở tuyến đầu chống dịch lại thêm vất vả cho những chuyện trên trời rơi xuống. Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã phạt hai chủ tài khoản Facebook về hành vi chia sẻ thông tin không đúng sự thật, song "kẻ chủ mưu" thật sự vụ việc này vẫn còn trong bóng tối.

Thời dịch bệnh, tin giả "ăn theo" vô số kể. Bài viết "Đầu tư 1 triệu, lãi 500.000" (Tuổi Trẻ 10-8) cũng là chiêu thức không hề mới. Người quen của tôi hằng tuần nhận được nhiều cuộc gọi mời chào tham gia kiểu "góp vốn" với viễn cảnh về lợi nhuận "siêu khủng". Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo phân biệt giả - thật, đã có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa, số tiền mất trắng lên đến hàng trăm triệu, cá biệt có trường hợp thiệt hại tiền tỉ.

Nhiều người vẫn tin tuyệt đối vào "nồi lẩu thập cẩm" với thượng vàng hạ cám của mạng xã hội nhưng ít khi quan tâm tư vấn của bác sĩ, kiến thức khoa học trên báo chí. Nắm bắt tâm lý muốn tiêm vắc xin sớm của nhiều người, nên đã xuất hiện những trang web giả mạo cơ quan chức năng cung cấp vắc xin số lượng lớn. Chương trình thí điểm cho F0 không có triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà cũng là cơ hội cho đối tượng lừa đảo rao bán thuốc đặc trị COVID-19 trên mạng.

Mất tiền vì tin theo mạng là hậu quả thấy trước mắt. Nhưng những thiệt hại về tư tưởng, niềm tin còn đáng lo gấp bội. Vụ việc "bác sĩ Khoa" gây tổn hại đến nỗ lực chống dịch của xã hội. Phần đông cư dân mạng đều vội chia sẻ, bình luận theo quán tính, họ bị đánh lừa và đánh lừa người khác sẽ gây hoang mang, làm suy giảm niềm tin vào những điều tử tế.

Ai đang bị cuốn vào tin tức giật gân, câu chuyện thương cảm nhưng chưa thể kiểm chứng được thật giả đúng sai, nhất là khi không quen biết người đưa tin, làm ơn chia sẻ có trách nhiệm, có thể gây ra hậu quả khôn lường với cộng đồng nếu nhầm tin giả. Đừng vội hưởng ứng, khen chê khi còn chưa rõ trắng đen bởi trong muôn ngàn thứ giả dối trên đời, xuyên tạc, bóp méo sự thật và "chế tạo" tin tức giả luôn gây tác hại khủng khiếp nhất.

Hằng Nga

Gieo hoài nghi, gặt vô cảm

Truyền tin giả có nghĩa là truyền đi một mã độc cài cấy vào người khác, để họ bị vô hiệu hóa lòng tin vào những câu chuyện tốt thật ngoài cuộc sống. Sự hoài nghi thật giả này là con đường ngắn nhất dẫn tới vô cảm. Nhưng để cho cảm xúc lấn át dẫn tới chia sẻ tin giả cũng là điều đáng trách, khó có thể chấp nhận được. Tất nhiên, không phải ai cũng có khả năng miễn nhiễm với tin giả, nhất là khi người ấy thường xuyên đăng thông tin, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội. Ở chỗ này, cần mỗi người để mình lùi lại một chút, để tránh đăng nội dung "hư cấu" như vụ "bác sĩ Khoa" vừa rồi.

Cuộc chiến với tin giả hẳn vẫn còn dài, mỗi người cần hình thành "kháng thể" từ những ồn ào tin giả như thế, trước tiên để bảo vệ mình tránh "vạ miệng". Qua đó cũng không vì vô ý mà gây ra những xáo trộn tinh thần, gây lo lắng, tranh cãi không đáng có, nhất là khi cuộc sống đang đầy rối ren do bệnh dịch như lúc này.

Nguyễn Minh Châu

Dễ lừa nhau vậy sao?

Những vụ tin giả bị phơi bày gần đây, theo tôi, như một hậu quả ắt phải đến sau những ngày tháng dài người người dễ dãi chia sẻ mọi thứ trên mạng bất cần biết đúng hay sai, có hay không. Dễ dãi chia sẻ, bình luận loạn xạ, nói như đúng rồi chuyện mà mình không thể biết đúng sai. Cùng chém gió ào ào trên cõi mạng và cùng nhẹ dạ cả tin vào những tin trên mạng.

Về vụ việc bác sĩ hư cấu gần đây vẫn chưa có truy đến tận cùng sự giả dối nhưng nhiêu đó cũng đã đủ dư vị đắng và chát. Nhìn lại vụ việc và nhìn lại mình thôi để thấy chúng ta ngơ ngác cỡ nào trên mạng. Và đây chỉ là một trong nhiều chuyện tương tự. Vì sao bạn có thể dễ tin vào người không quen biết trên cõi mạng, họ kể chuyện tận đẩu tận đâu nhiều khi vô lý đùng đùng sao bao người vẫn tin như thể chính mắt mình thấy, tai mình nghe? Và bao người dễ dàng chuyển khoản những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình đến tài khoản người lạ trên mạng? Nếu bạn sáng suốt thận trọng, ai lừa được bạn?

Giờ đây, ngay cả những chủ tài khoản ngàn lượt like cũng "dính bẫy", bị cuốn theo thông tin giả. Vì sao? Vì chủ quan cũng có nhưng sâu xa hơn là vì thói quen chia sẻ vô tội vạ lâu ngày thành quen tay. Kể cả kiểu tán hươu tán vượn cho thêm ly kỳ cũng thành thói quen, thành phong cách của không ít người viết trên mạng. Nhiều người thu lợi đơn lợi kép từ kiểu đưa tin câu người xem này. Bạn có thể không thu lợi gì khi cùng chia sẻ câu chuyện không thật ấy nhưng bạn đã góp tay cho cái sai, có thể gây thiệt hại cho người đọc phải thông tin giả từ bạn.

Chưa hết đâu. Rồi sẽ còn thêm nữa những cái kết đắng từ chuyện mù quáng tin theo cõi mạng khi tin giả có thể đến từ khắp nơi: từ những người có tiếng (và cả tai tiếng), từ những người bán hàng qua mạng và từ một người thân quen hoặc chính bạn chỉ vì dễ dãi chia sẻ đủ thứ trên mạng. Giật mình nhìn lại mình thôi.

Phạm Ngọc Tơ

Nguồn: 'Độc dược' trên mạng

Bạn đọc

Báo Tuổi trẻ