Đồng Nai: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bưởi

04:25 | 03/12/2022

|
Ngày 28-11, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ. Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam.
Đồng Nai: Nhiều công trình khai thác nước ngầm chưa xin phépĐồng Nai: Nhiều công trình khai thác nước ngầm chưa xin phép
Đồng Nai: Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanhĐồng Nai: Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh
Đồng Nai: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bưởi
Thu hoạch bưởi tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Đây là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Mỹ là thị trường lớn, đầy tiềm năng với các loại trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam.

* Thị trường nội địa quá tải

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam có 105 ngàn ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 ngàn tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Năm 2021, cả nước có trên 3 ngàn tấn bưởi được xuất khẩu đi nhiều nước. So với tổng sản lượng bưởi trên cả nước, con số này còn rất khiêm tốn. Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng bưởi lớn của cả nước với trên 10,3 ngàn ha. Diện tích bưởi đang cho thu hoạch gần 7 ngàn ha với sản lượng đạt khoảng 74 ngàn tấn/năm. Đây là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương như: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú...

Trước đây, bưởi là cây trồng tốp đầu cho lợi nhuận tốt trên địa bàn tỉnh. Nhưng vài năm trở lại đây, giá bưởi giảm mạnh, có thời điểm giá bán tại vườn không được 10 ngàn đồng/kg, mức giá người trồng lỗ vốn nhưng thương lái cũng chỉ mua cầm chừng vì thị trường cung lớn hơn cầu. Những năm trước, vào các dịp Tết Trung thu hoặc Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ trái bưởi khá sôi động, nhưng từ sau dịch Covid-19 đến nay thì khó khăn hơn.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vương Hương (xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Minh Vương nhận xét, vài năm trở lại đây, nhất là từ sau dịch Covid-19, giá bưởi có xu hướng ngày càng giảm do nguồn bưởi ở cả miền Tây và miền Đông đều rất dồi dào. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại không bằng trước do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Cuối năm, thị trường bưởi thường khá sôi động nhưng hiện giá bưởi da xanh bán tại vườn chỉ còn từ 10-12 ngàn đồng/kg, mức giá người trồng không có lợi nhuận.

* Chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu

Tại lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ, 44 tấn bưởi đầu tiên được tuyển chọn nghiêm ngặt từ vùng nguyên liệu 160ha của tỉnh Bến Tre gồm 4 container đi bằng máy bay và 2 container đi bằng đường tàu biển.

Hiện cả nước có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ với diện tích hơn 750ha. Con số này còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích bưởi của cả nước. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu của loại trái cây này rất lớn, bởi mỗi năm nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại, tương đương khoảng 3,6 triệu tấn, phải nhập khẩu, trong đó có trái bưởi.

Để trái bưởi có thể rộng đường xuất khẩu, tiêu chuẩn chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo yêu cầu của thị trường này, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại như: ruồi đục trái, sâu đục trái và các loại nấm… Bên cạnh đó, bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ phải được xử lý chiếu xạ và kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã và đang phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung tập huấn cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về yêu cầu nhập khẩu của Mỹ.

Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, bưởi cũng là cây trồng ngành Nông nghiệp Đồng Nai chú trọng xây dựng mã số vùng trồng trong giai đoạn 2021-2025. Sở NN-PTNT đã đăng ký danh sách vùng trồng bưởi có nhu cầu cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện có 13 HTX, tổ hợp tác trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đã làm hồ sơ đăng ký gửi Cục Bảo vệ thực vật và đang chờ họ xem xét đánh giá để cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ với tổng diện tích hơn 609ha thuộc 452 hộ trồng bưởi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), đơn vị đầu tiên xuất khẩu bưởi đi Mỹ cho biết, để nắm lấy cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái cây nói chung, trái bưởi nói riêng, từ nông dân đến doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng những yêu cầu, nhất là làm mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại vì đây là tiêu chí đầu tiên mà Hoa Kỳ đưa ra. Nông dân nên chủ động tìm hiểu, thực hiện nghiêm túc để nắm bắt tốt cơ hội này. Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực khai thác tiềm năng của các thị trường khác như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc…

Theo bà Thu: “Nhà nước cũng đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện. Chúng ta không nên làm theo kiểu đối phó mà phải nghiêm túc thực hiện để không ảnh hưởng đến danh tiếng cả vùng sản xuất, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp”.

Giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT đặt mục tiêu cấp 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 6,5 ngàn ha với các loại cây trồng gồm: chuối, sầu riêng, thanh long, mít, chôm chôm. Riêng trái bưởi dự kiến sẽ cấp 22 mã số với gần 1,7 ngàn ha. Mục tiêu là toàn tỉnh sẽ được cấp 61 mã số cơ sở đóng gói của các sản phẩm sầu riêng, chuối, mít, chôm chôm, xoài, bưởi.

Giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT đặt mục tiêu cấp 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 6,5 ngàn ha với các loại cây trồng gồm: chuối, sầu riêng, thanh long, mít, chôm chôm. Riêng trái bưởi dự kiến sẽ cấp 22 mã số với gần 1,7 ngàn ha. Mục tiêu là toàn tỉnh sẽ được cấp 61 mã số cơ sở đóng gói của các sản phẩm sầu riêng, chuối, mít, chôm chôm, xoài, bưởi.

Nguồn: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu bưởi

Bình Nguyên

www.baodongnai.com.vn