Đồng Nai: Làm tốt mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

04:15 | 27/12/2022

|
Sau hơn 4 năm đàm phán, từ tháng 9-2022, Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng Nai: Thứ trưởng Bộ Công an và Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi Phó trưởng công an phường bị đâm trọng thương khi làm nhiệm vụĐồng Nai: Thứ trưởng Bộ Công an và Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi Phó trưởng công an phường bị đâm trọng thương khi làm nhiệm vụ
Đồng Nai: Tăng quỹ đất phát triển giao thông đô thị Biên HòaĐồng Nai: Tăng quỹ đất phát triển giao thông đô thị Biên Hòa
Đồng Nai: Làm tốt mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu
Vùng trồng sầu riêng tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu.

* Vùng trồng sầu riêng được đánh giá cao

Tổng diện tích của 51 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số khoảng 3 ngàn ha, chiếm khoảng 3,5% tổng diện tích sầu riêng toàn quốc với sản lượng dự kiến khoảng 68 ngàn tấn/năm.

Với hơn 9,1 ngàn ha, Đồng Nai là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn của cả nước với sản lượng hơn 50 ngàn tấn/năm. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu: Ri 6 (chiếm 45%), Dona (chiếm 50%) có năng suất, chất lượng cao, bình quân đạt 12 tấn/ha (có vùng đạt 25 tấn/ha như H.Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh).

Trong đợt đánh giá này, Đồng Nai có 7 vùng trồng sầu riêng tham gia đánh giá và đều đạt chuẩn, được cấp mã số vùng trồng gồm: HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc); HTX Sầu riêng Lò Than, vùng trồng Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An, Tổ hợp tác sầu riêng Phú Sơn (H.Tân Phú); HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Xuân Lập, HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh). Tổng diện tích của 7 vùng trồng được cấp mã số đạt 533ha.

Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) Phùng Thanh Tâm chia sẻ, điều thuận lợi khi HTX làm mã số vùng trồng cho sầu riêng là từ nhiều năm nay, nông dân đã chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, an toàn. Để đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, nông dân được tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp; các biện pháp quản lý sâu bệnh tại vườn trồng; các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch… Bà con đều phải làm sổ nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo không được sử dụng từ nước nhập khẩu.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Thị Tú Oanh, để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

* DN đồng hành

Với lợi thế diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đã thu hút nhiều DN xuất khẩu sầu riêng đặt vấn đề hợp tác với nông dân nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Tác Sáng cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao nên DN chủ động đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Vì xuất khẩu chính ngạch sẽ không còn lo tình trạng ùn ứ hàng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, giảm rủi ro trong vận chuyển, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng.

Theo những DN thu mua, đóng gói sầu riêng xuất khẩu, vụ thu hoạch tới, DN lo gặp khó trong đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu vì diện tích mã số vùng trồng còn quá ít so với tổng diện tích sầu riêng. Phía DN mong tỉnh và các địa phương hỗ trợ DN, nông dân tăng nhanh diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Các DN cũng mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân, với những vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số một cách bền vững.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (TP.Long Khánh) Hoàng Thị Mỹ Ngọc chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP.Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 ngàn tấn sầu riêng/năm. DN đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác. DN rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ DN, HTX, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.

Hiện toàn tỉnh có 13 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 788ha. Trong đó, có 5 hồ sơ đã hoàn thiện gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số, 4 hồ sơ đang hoàn thiện và 4 hồ sơ đăng ký chuẩn bị kiểm tra, đánh giá.

Nguồn: Đồng Nai làm tốt mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Bình Nguyên

www.baodongnai.com.vn