Đồng Nai: Phát triển thị trường khoa học - công nghệ

10:31 | 28/09/2022

|
Thị trường khoa học - công nghệ (KH-CN) là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng Nai: Phát triển thị trường khoa học - công nghệ
Sở KH-CN ký kết hợp tác hỗ trợ các địa phương trong lĩnh vực KH-CN. Ảnh: H.DUNG

Đó là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại, nơi diễn ra quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa KH-CN được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Tính đến nay, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian thị trường KH-CN đã được hình thành. Trong đó có hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc bộ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH-CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH-CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Giá trị giao dịch hàng hóa KH-CN tăng với tốc độ bình quân hằng năm đạt 22%.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ thị trường KH-CN là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Từ đó, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Tại Đồng Nai, theo TS Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN, trên địa bàn hiện có 5 doanh nghiệp (DN) KH-CN. Các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ thông tin đang tiếp tục được nhân rộng. Hiện có gần 50 sản phẩm nghiên cứu của các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã được chuyển giao cho các DN trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức và tham gia các sự kiện Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) được tổ chức ở các địa phương đã giới thiệu các sản phẩm và thành tựu KH-CN trong lĩnh vực thiết bị và công nghệ của tỉnh. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến Đồng Nai (donatex.vn) nhằm giúp các đơn vị, DN, cá nhân, tổ chức KH-CN, các viện, trường đại học trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu và quảng bá công nghệ, sản phẩm công nghệ của đơn vị mình.

Tuy nhiên, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với các thị trường khác, thị trường KH-CN ở nước ta còn chậm phát triển. Công tác vận hành còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Những rào cản phải kể đến như: hành lang pháp lý vận hành của thị trường KH-CN còn thiếu, chưa đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan. Nguồn cung công nghệ trong nước vẫn chiếm tỉ trọng thấp. Nhiều kết quả nghiên cứu của các viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được. Phần lớn các kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của DN tăng nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng cao. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của DN còn thấp.

Mặt khác, các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ của tổ chức trung gian còn yếu. Thiếu các tổ chức trung gian có vai trò là đầu mối hệ thống, quy mô vùng và quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực…

Thị trường đặc biệt cần có những cách làm đặc biệt

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả và hội nhập mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH-CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Ngoài ra, cần xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KH-CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Thúc đẩy phát triển nguồn cung - cầu của thị trường KH-CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới của các DN. Đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các DN và các viện, trường đại học.

Đồng Nai: Phát triển thị trường khoa học - công nghệ
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) ký kết hợp tác với Sở KH-CN

Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH-CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, DN với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN.

Những bộ, ngành liên quan cần đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Tăng cường xúc tiến thị trường KH-CN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH-CN. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH-CN.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH-CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KH-CN.

Có chính sách khuyến khích DN nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của DN. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: Phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Hạnh Dung

baodongnai.com.vn