Đồng Nai: Xây dựng khung quản lý kiến trúc đồng bộ

04:20 | 31/10/2022

|
Việc xây dựng một quy chế khung cho toàn tỉnh để trên cơ sở đó, các địa phương hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc các đô thị, điểm dân cư nông thôn của từng địa phương phù hợp với nhu cầu thực tế sẽ là phương án góp phần tạo dựng được các đô thị đồng bộ, hiện đại.
Đồng Nai: Xây dựng khung quản lý kiến trúc đồng bộ
Việc có một quy chế quản lý kiến trúc khung sẽ tạo ra sự đồng bộ, tạo thuận lợi trong công tác quản lý. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

* Lộn xộn kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn

Theo Luật Kiến trúc năm 2019, quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của các tỉnh. Quy chế quản lý kiến trúc phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu và nội dung như: về thiết kế đô thị, bản sắc văn hóa dân tộc...

Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc là vấn đề không mới. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề này chỉ mới dừng ở mức “đặt vấn đề” mà thiếu đi những văn bản, những quy định cụ thể để thực hiện. Điều này dẫn đến việc phát triển đô thị một cách thiếu định hướng, thiếu bản sắc của từng đô thị.

“Có người cho rằng kiến trúc Pháp là đẹp, có người cho rằng kiến trúc hiện đại là đẹp, có người lại cho rằng kiến trúc Việt Nam là đẹp. Xét trên từng góc cạnh, những ý kiến này đều đúng chứ không sai. Tuy nhiên, nó chỉ đúng khi xác định được đâu là nơi phù hợp để hình thành nên kiến trúc đó, nó phải phù hợp với không gian chung, với điều kiện sống của cư dân” - kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.

Cũng theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, sự “phù hợp” trong định hướng kiến trúc phải được xác định bằng những cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở pháp lý. Đây chính là điều còn thiếu trong việc phát triển kiến trúc đô thị bấy lâu nay, dẫn đến sự hỗn tạp trong kiến trúc đô thị khi các phong cách kiến trúc được phát triển một cách tự phát. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các đô thị trong cả nước cũng như ở trên địa bàn tỉnh. Hệ quả là hầu hết kiến trúc các đô thị ngoài việc phát triển tự phát còn thiếu đi “cá tính”, nét riêng của mỗi đô thị.

Trong khi đó, đối với kiến trúc nông thôn, kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, kiến trúc nông thôn mới hiện nay chỉ thực hiện được những bước rất hạn chế về vệ sinh môi trường hoặc cảnh quan hạ tầng nhưng mang tính tự phát, chưa thống nhất vì chưa theo quy tắc nào cụ thể. “Hiện nay, trong nước nói chung và từng địa phương nói riêng chưa xây dựng được quy chế cho việc xây dựng kiến trúc có bản sắc. Điều này không riêng ở nông thôn mà ở cả các đô thị lớn nhỏ khác” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.

* Cần xây dựng khung quản lý kiến trúc chung cho toàn tỉnh

Giữa năm 2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 1246/QĐ-TTg (ngày 19-7-2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn. Theo đó, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 các đô thị trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc.

Đồng Nai: Xây dựng khung quản lý kiến trúc đồng bộ
Long Thành là một trong những địa phương đã lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Ảnh: P.Tùng

Cùng với đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc. Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc, số hóa các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh. Các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, công tác lập và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại địa phương trước đây có tên gọi là quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế này trước đây chưa mang lại hiệu quả. Theo Luật Kiến trúc năm 2019, quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc được thay thế bằng quy chế quản lý kiến trúc tại địa phương.

Cũng theo ông Phan Đăng Sơn, các địa phương trong cả nước đang thực hiện lập quy chế quản lý kiến trúc để phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế các địa phương đang triển khai “mỗi nơi một kiểu”, dẫn đến sự lãng phí về kinh phí thuê tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc cũng như thiếu sự đồng bộ, thống nhất.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc giữa Hội Kiến trúc sư Việt Nam với lãnh đạo tỉnh vào tháng 9 vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất phương án xây dựng một quy chế quản lý kiến trúc khung, chung cho toàn tỉnh. “Quy chế khung này sẽ hoàn thiện từ 70-80% nội dung. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ hoàn thiện tiếp phần còn lại theo thực tế của địa phương mình để thành quy chế quản lý kiến trúc riêng của từng địa phương” - ông Phan Đăng Sơn cho hay.

Theo ông Phan Đăng Sơn, việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc khung, chung cho toàn tỉnh sẽ giải quyết được hai yêu cầu cơ bản là giảm chi phí đồng thời khi có một quy chế thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. “Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện thí điểm và mang lại hiệu quả khác hẳn” - ông Phan Đăng Sơn cho biết thêm.

Theo Sở Xây dựng, tính đến giữa tháng 2-2022, trên địa bàn tỉnh đã có 5 địa phương lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom và Dầu Giây. Các địa phương còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu để lập và trình phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc.

Nguồn: Xây dựng khung quản lý kiến trúc đồng bộ

Phạm Tùng

baodongnai.com.vn