Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2024

09:00 | 06/07/2024

|
Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Và theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế nước ta đã sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm.

Đánh giá về kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực dưới sự điều hành của Chính phủ. Theo đó, tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân chỉ ra, những động lực quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay; đó là Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như: vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. "Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo", ông Tâm cho biết.

Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2024
Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh minh hoạ

Dự báo về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, trong báo cáo triển vọng đầu tư nửa cuối năm do Khối Dịch vụ Private Banking Toàn cầu HSBC vừa phát hành đã có những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ các yếu tố như: Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.

Ngoài ra, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tích cực nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17 - 18 triệu lượt khách trong năm nay.

Tương tự, trong báo cáo mới nhất vừa công bố, Ngân hàng UOB đánh giá Việt Nam khởi đầu năm 2024 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng trưởng 5,66% trong quý I. Theo các chuyên gia phân tích tại UOB, kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu năm nay của Việt Nam là nhờ sự hồi phục của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, cũng như sự tăng tốc trong hoạt động thương mại với bên ngoài với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, đảo ngược sự suy giảm trong hầu hết năm 2023.

Tính từ đầu năm đến tháng 5/2024, xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 18,6% so với mức âm trong cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại lên tới 7,8 tỷ USD so với đầu năm trong tháng 5, thấp hơn mức 9,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể từ đầu năm đã tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 8,3 tỷ USD trong tháng 5, nhanh nhất trong giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2018, đứng sau kết quả dòng vốn vào kỷ lục 23,2 tỷ USD trong năm 2023.

“Dữ liệu đầu tư FDI tại Việt Nam cũng khá lạc quan, điều này cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị và khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, chuyên gia UOB cho biết.

Theo đánh giá của UOB, trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới thì triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra.

“Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, kỳ vọng tăng trưởng GDP trong quý II sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý I. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024”, UOB đưa kỳ vọng.

Còn tại diễn đàn kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.

Để tiếp tục trợ lực cho khu vực tư nhân, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.

Nguồn:Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2024

Minh Anh

thuonghieuvaphapluat.vn